Các giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm phát triển thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ năm - 10/08/2023 00:08 Cỡ chữ
Chính sách dân tộc ở Việt Nam có tính nhân văn cao, chủ yếu là hỗ trợ cho đồng bào (mặc dù những năm gần đây đã khắc phục yếu tố cho không), nhưng việc quan tâm định hướng, hỗ trợ cho đồng bào làm giàu bằng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thị trường thì chính sách còn có những khoảng trống, lỗ hổng dễ tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Thực chất, trong thời gian qua, một số chính sách phát triển vùng Dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) từ hỗ trợ cho không đã tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại ở một số bộ phận dân cư không muốn thoát nghèo, muốn ở lại hộ nghèo hoặc muốn được hưởng luân phiên hộ nghèo để hưởng chính sách hỗ trợ. Những chính sách này không còn phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế thị trường nước ta hiện nay cũng như trong tương lai, đòi hỏi cần cấp bách tìm ra giải pháp và phương hướng mới cho các chính sách phát triển vùng DTTS&MN.
Từ những lý do trên, cần thiết phải tập trung nghiên cứu sâu về các chính sách phát triển thị trường (hàng hóa, lao động, tài chính, khoa học và công nghệ). Trong đó tập trung vào các thành tố cơ bản của thị trường vùng DTTS&MN, từ năm 1986 đến nay, từ đó đánh giá những thành công và hạn chế của chính sách, xác định những bất hợp lý, khoảng trống trong xây dựng, hoạch định, tổ chức thực hiện chính sách vùng DTTS&MN ở Việt Nam trong thời gian qua; đồng thời, nhận diện đúng những vấn đề cơ bản, cấp bách trong phát triển hợp lý và đồng bộ các loại thị trường vùng DTTS&MN nước ta hiện nay, để xây dựng được hệ thống quan điểm, giải pháp và chính sách có cơ sở khoa học, khả thi và hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững ở vùng này. Công việc đó không thể tiến hành chậm trễ, vì trong hàng loạt vấn đề liên quan đến đời sống của đồng bào các DTTS&MN, cùng với đó là một loạt các chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các DTTS&MN trong tương lai sẽ được triển khai ngày càng nhiều. Chính vì vậy, chủ đề nghiên cứu của đề tài “Các giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm phát triển thị trường ở vùng DTTS&MN Việt Nam” là rất cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn và lý luận sâu sắc. Đề tài do nhóm nghiên cứu của TS. Trịnh Thị Thanh Thủy tại Viện Nghiên cứu chiến lược Chính sách Công thương thực hiện từ tháng 4/2018 đến tháng 10/2020.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: làm rõ kết quả, hiệu quả, tác động của các chính sách phát triển thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta từ năm 1986 đến nay; nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách trong phát triển thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta hiện nay; và đề xuất quan điểm, hệ thống các giải pháp, chính sách cơ bản nhằm tiếp tục tạo lập, hoàn thiện và phát triển thị trường đối với vùng DTTS&MN theo hướng bền vững.
Thông qua nghiên cứu kinh nghiệm từ một số quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam về đồng bào vùng DTTS&MN (Trung Quốc, Thái Lan, Ba Lan), đề tài đã rút ra những bài học gợi mở, cũng sẽ là tham khảo hữu ích cả về lý luận và thực tiễn cho Việt Nam tiếp tục đưa ra các phương hướng và biện pháp kịp thời, hữu hiệu nhằm giải quyết các vấn đề căn bản và cấp bách của khu vực này. Những bài học kinh nghiệm về phát triển thị trường ở vùng DTTS&MN và điều kiện áp dụng cho Việt Nam được rút ra, tựu trung là: (1) phát triển hạ tầng là nền tảng và yếu tố then chốt cho phát triển kinh tế và thị trường vùng DTTS&MN; (2) phát triển thị trường cần gắn với phát huy lợi thế của các dân tộc vùng DTTS&MN; (3) chính sách phát triển thị trường hàng hóa vùng DTTS&MN cần thực hiện lồng ghép với các chính sách dân tộc khác; (4) phát triển thị trường cần đi đôi với tôn trọng các giá trị văn hóa nền tảng của đồng bào vùng DTTS&MN; (5) phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, vai trò của cộng đồng trong phát triển thị trường vùng DTTS&MN; (6) gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và địa phương trong phát triển thị trường; (7) thu hút đầu tư FDI và trong nước vào vùng DTTS&MN; (8) phát triển hạ tầng - kết nối thị trường; (9) bài học cho các doanh nghiệp và địa phương trong phát triển kinh tế tại vùng DTTS&MN; (10) bài học về phát triển nguồn nhân lực ở vùng DTTS&MN.
Ngoài ra, đề tài đã đưa ra các kiến nghị, giải pháp được đề xuất với nội dung phát triển từng thị trường cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản và cấp bách của thị trường DTTS&MN Việt Nam.
Về phát triển thị trường hàng hóa, mô hình OCOP cần được xem xét để tạo ra sản phẩm của địa phương mà bà con không phải di dời đi nơi khác, song song với đó, cần phát triển hệ thống logistics hỗ trợ tích cực cho cả sản xuất và tiêu thụ hàng hoá (trong và ngoài vùng DTTS&MN).
Về phát triển thị trường lao động, cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính chất "cho không" sang chính sách tạo cơ hội cho đồng bào DTTS tự vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Cần coi trọng công tác đào tạo nghề cho người lao động DTTS, theo phương pháp đào tạo tại chỗ, “cầm tay chỉ việc”.
Về phát triển thị trường tài chính, cần nâng cao kiến thức tài chính của người dân vùng DTTS&MN; đa dạng hóa nhà đầu tư trên thị trường; tiếp tục mở rộng và phát triển thị trường vốn theo chiều sâu, tăng cường hội nhập.
Phát triển thị trường KH&CN vùng DTTS&MN cần xem xét hoàn thiện thể chế hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN vùng DTTS&MN; nhà nước tạo lập và thúc đẩy nhu cầu về KH&CN ở vùng DTTS&MN thông qua khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao năng lực công nghệ, năng lực hấp thụ công nghệ; giải pháp phát triển nguồn nhân lực KH&CN cho vùng DTTS&MN; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18677/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)