Bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới
Cập nhật vào: Thứ năm - 10/08/2023 11:10 Cỡ chữ
Việc nghiên cứu bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập mới được phân tích, đánh giá dưới góc độ nhìn nhận vai trò của các tài sản trí tuệ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy cho sự phát triển bền vững của cộng đồng dân cư các đồng bào dân tộc thiểu số của Tây Nguyên cũng như trong mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn và phát triển, phát triển nhằm bảo tồn, và bảo tồn để phát triển.
Do đó, đề tài “Bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới” trong khuôn khổ Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 thuộc chương trình nghiên cứu “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế”, có tính cấp thiết cả về cơ sở khoa học lẫn thực tiễn. Đề tài do TS. Vũ Tuấn Hưng cùng với nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Châu Âu thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020.
Mục tiêu của đề tài là nhằm xác định rõ cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ; phân tích thực trạng bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới; Đánh giá kết quả tích cực, hạn chế và nguyên nhân; và đề xuất phương hướng và giải pháp chính sách nhằm bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới.
Để có thể bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ, đề tài đã đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, đối với địa phương: Mỗi địa phương cần xác định cho mỗi địa phương, tỉnh một chiến lược phát triển tài sản trí tuệ một cách tổng thể cùng với việc xây dựng một cơ chế khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp làm nền tảng cho quá trình phát triển tài sản trí tuệ. Các tỉnh Tây Nguyên nên xác định việc xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm chủ lực của mình là một hướng đi quan trọng và tập trung toàn lực vào để thực hiện các khâu từ sản xuất, đến thu mua chế biến, mẫu mã, bao bì, truyền thông, marketing bán hàng và lưu thông sản phẩm. Có chủ động như vậy, sẽ tạo tiền đề cho các tài sản trí tuệ khác và là động lực thúc đẩy, là cú hích cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả vùng.
Thứ hai, đối với nhà nước: Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, khuyến khích mô hình kinh doanh mới, thu hút đầu tư các công nghiệp chế biến sâu, đặc biệt là chế biến sâu các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cao su, rau, hoa... Thúc đẩy, kích thích xây dựng các doanh nghiệp có thương hiệu, sản phẩm thương hiệu gắn với sản phẩm đầu ra cho Tây Nguyên nhằm khai thác tiềm năng về sở hứu trí tuệ ở các địa phương:
(1) Các tỉnh Tây Nguyên cần phải xây dựng chính sách khuyến khích sáng tạo, các phương thức kinh doanh mới, đề xuất các mô hình khởi nghiệp tốt dựa trên đổi mới sáng tạo phù hợp với đặc thù của Tây Nguyên và phát huy lợi thế và tiềm năng của Tây Nguyên. Cần phải áp dụng tốt hơn các công cụ tài chính để khuyến khích đổi mới và sáng tạo như giảm thuế, phí, tăng cường ưu đãi và hỗ trợ tài chính và thuận lợi hoá tiếp cận các nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
(2) Xây dựng các Quỹ tài chính hỗ trợ cho khởi nghiệp: Cần phải có các quỹ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các quỹ này có thể có nhiều nguồn khác nhau, kể cả cho sự tham gia của các quĩ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài.Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc quảng bá sản phẩm: Cần phải giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, trong việc quảng bá các sản phẩm, giúp các doanh nghiệp tham gia hội chợ, trao đổi thông tin với các đối tác trên thị trường trong nước và nước ngoài, marketing, xây dựng thương hiệu. Cung cấp đầy đủ thông tin như là đầu vào quan trọng cho các loại hình doanh nghiệp mới này.
(3) Tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp: Sáng tạo và phát minh sáng chế và ứng dụng vào thực tiễn chỉ có thể thành công khi được bảo đảm về quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, cần có các chính sách giúp doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp có sáng kiến và phát minh sáng chế đăng ký bằng phát minh sáng chế, đảm bảo cho các phát minh sáng chế đó không được sao chép, chống hàng giả, hàng nhái, đội lốt thương hiệu làm tổn hại đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
(4) Tôn vinh các doanh nghiệp: Cần phải thường xuyên tôn vinh các doanh nghiệp trong vùng, có các giải thưởng, tuyên dương những mô hình tốt, làm ăn hiệu quả, mô hình ứng dụng KHCN cao trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ để khuyến khích khu vực tư nhân trong tham gia hoạt động kinh doanh và đầu tư, mở những doanh nghiệp mới, thực hiện khởi nghiệp.
Các giải pháp được đưa ra trên cơ sở xem xét các khía cạnh khác nhau trong cả hai phía chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Việc thực hiện tổng thể các phương án khác nhau cho cả hai phía chủ thể trong hoạt động quản lý tài sản trí tuệ này sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt, hiệu quả, bền vững sự phát triển tài sản trí tuệ vùng Tây Nguyên. Đó là tiền đề đưa Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững và xứng tầm với những tiềm năng của vùng đất và người gắn với nhiều giá trị văn hóa đặc sắc nơi đây.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18678/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)