Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản năm 2016
Cập nhật vào: Thứ tư - 22/07/2020 03:50 Cỡ chữ
Việt Nam, với đặc điểm riêng về điều kiện sinh thái và địa hình, được đánh giá là một trong 25 nước trên thế giới có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây với quá trình toàn cầu hoá, sự gia tăng dân số, yêu cầu của sự phát triển kinh tế và hệ quả của biến đổi khí hậu, các nguồn gen động, thực vật, vi sinh vật đang bị suy giảm nghiêm trọng, trong đó bao gồm cả nguồn gen thủy sản. Theo thống kê của tổ chức lương thực thế giới thông báo khoảng 70 % nguồn lợi thủy sản trên thế giới đang bị khai thác quá mức (FAO, 2012). Bộ sách đỏ Việt Nam (2008) cho thấy một bức tranh đáng lo ngại về tài nguyên động, thực vật của nước ta. Ngoài việc tăng lên đáng kể số lượng loài bị đe dọa, thứ hạng mức độ đe dọa cũng tăng lên. Trong lĩnh vực thủy sản, hiện có 6 loài đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên (EW), 22 loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn (CR), 70 loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (EN) và 170 loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn (VU) (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, 2008, 2011).
Sự giảm sút về nguồn lợi các loài thủy sản kéo theo sự suy giảm tính đa dạng di truyền. Chính vì thế, việc quan tâm bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển đã trở nên cần thiết và cấp bách. Đây là lý do ThS. Trần Thế Mưu cùng các cộng sự tại Viện Nnghiên cứu nuôi trồng thủy sản đã thực hiện đề tài: “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản năm 2016”.
Đề tài đã thực hiện các nội dung sau:
Nội dung 1: Điều tra, khảo sát và thu thập các nguồn gen
- Nhiệm vụ đã xác định được một số khu vực phân bố của 09 nguồn gen thủy hải sản theo yêu cầu. Xác định được phương pháp vận chuyển, thuần dưỡng, giá trị của các nguồn gen.
- Nhiệm vụ đã thu thập bổ sung 09 nguồn gen thủy hải sản cụ thể: 20 cá thể cá Song dẹt, 10 cá thể cá Song da báo, 30 cá thể cá hỏa, 30 cá thể cá măng, 2 cá thể cá vồ cờ, 10 cá thể cá hổ sọc nhỏ, 10 cá thể cá sửu, 30 cá thể hải sâm vú, 30 cá thể hải sâm lựu. Số lượng cá tập hợp đầy đủ và khối lượng đúng theo yêu cầu của đề cương, tuy nhiên do cá có nguồn gốc từ tự nhiên nên kích cỡ không đồng đều.
Nội dung 2: Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen thuỷ hải sản và vi tảo biển.
- Nhiệm vụ đã lưu giữ thành công và đạt yêu cầu 11 nguồn gen vi tảo tại Viện I và Viện III, bao gồm, Nannochloropsis oculata, Isochrysis galbana, Chaetoceros calcitrans, Chaetoceros muelleri, Thalassiosira pseudonana, Chlorella vulgaris, Tetraselmis sp. Tsbre, Chroomonas salina, Chaetoceros gracilis, Navicula cari, và Skeletonema costatum. Các loài tảo đã được thử nghiệm lưu giữ trên môi trường lỏng, bán lỏng, và môi trường thạch, ở các mức nhiệt độ 7-10oC, 20oC, 25-26oC với thời gian lưu giữ từ 1 - 12 tháng tùy theo từng loài và mức nhiệt độ khác nhau.
- Nhiệm vụ đã lưu giữ an toàn tổng số 44 nguồn gen các loài thủy hải sản với hơn 4000 cá thể. Các nguồn gen lưu giữ đều đạt tỷ lệ sống cao (từ 84,2 - 100%). Các cá thể mới được thu thập, thuần dưỡng và nuôi giữ thích nghi và phát triển tốt trong điều kiện lưu giữ.
Nội dung 3: Đánh giá nguồn gen theo các chỉ tiêu sinh học
- Năm 2016, nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen thủy sản đã hoàn thành đánh giá sơ bộ, về chỉ tiêu hình thái, phân loại 7 nguồn gen bao gồm gồm: cá Mó đầu khum, cá Dứa, cá Vồ cờ, cá Vồ đém, cá Hổ sọc nhỏ, hải sâm lựu và cá Sửu. Trong đó, nổi bật là nhiệm vụ đã sử dụng kết hợp phương pháp phân loại bằng đặc điểm hình thái và phương pháp sinh học phân tử để định danh rõ ràng hai loài hải sâm vú và hải sâm lựu. Nhiệm vụ cũng đã định danh bằng hình thái phân loại (so sánh bóng hơi và răng lá mía) và phương pháp sinh học phân tử để chỉ ra loài cá dứa đang lưu giữ là loài Pangasius krempfi.
- Nhiệm vụ đã tiến hành đánh giá chi tiết về các đặc điểm sinh học sinh sản, tăng trưởng, kích thước thành thục, mùa vụ sinh sản, kích thích sinh sản của 25 nguồn gen bao gồm các loài 06 cá mặn lợ (Cá nác, Cá song chấm đỏ, Cá song hổ, Cá mó đầu khum, Cá song dẹt, cá Song da báo), 11 loài cá nước ngọt (Cá Măng, cá Hỏa, cá Dứa, cá Vồ cờ, cá Vồ đém, cá Hổ sọc nhỏ, cá Sửu, cá chép hồ lak, cá Trê vàng, cá Còm, cá Ngựa xám), 1 loài giáp xác (Cua hoàng đế), 06 loài nhuyễn thể (Trai Ngọc môi đen, Trai ngọc nữ, Trai ngọc môi vàng, ngán, Ngao ô vuông, Trai bàn mai) và 1 loài da gai (hải sâm vú).
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15207) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)