Áp dụng các sáng chế số 7913, 9529 và giải pháp hữu ích số HI-0201 để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phân thải chăn nuôi, bùn mía và than bùn tại tỉnh Gia Lai
Cập nhật vào: Thứ tư - 07/06/2023 00:02 Cỡ chữ
Gia Lai có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông - lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao đặc biệt là các cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su… và chăn nuôi bò. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có trên 96.000 ha cao su, dẫn đầu các tỉnh Tây Nguyên và chiếm 10% tổng diện tích cao su cả nước; diện tích cây cà phê của cả tỉnh đạt khoảng 95.604 ha, chiếm 13,3% tổng diện tích cà phê cả nước. Về chăn nuôi bò, năm 2018 Gia Lai có số lượng đàn bò nhiều thứ 2 cả nước với hơn 384.000 con và đứng thứ 3 về sản lượng thịt. Thành tựu của ngành nông nghiệp của tỉnh ngày càng được nhân lên khi trồng trọt hình thành các vùng chuyên canh cây trồng quy mô lớn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, còn chăn nuôi thì phát triển các vùng chăn nuôi tập trung kết hợp với đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và sản lượng nông sản. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được thì trồng trọt và chăn nuôi của tỉnh Gia Lai cũng gặp không ít khó khăn.
Trong lĩnh vực trồng trọt, nhu cầu phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng ngày càng tăng cao (ước tính khoảng 3 triệu tấn/năm). Trong khi đó chất lượng phân bón được sử dụng trên địa bàn tỉnh chưa được quản lý chặt chẽ, thực trạng sản xuất, buôn bán phân bón giả, phân bón kém chất lượng diễn ra phức tạp, nông dân phần lớn là người dân tộc có trình độ hạn chế nên tin tưởng lời quảng cáo các thương hiệu phân bón kém chất lượng, phân bón giả từ các đại lý và mua phân bón với giá thành cao. Kết quả làm tăng chi phí đầu tư mà hiệu quả mang lại thấp, hơn nữa giá nông sản những năm gần đây giảm mạnh ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người nông dân địa phương. Trong lĩnh vực chăn nuôi, ô nhiễm môi trường từ phân thải chăn nuôi là một trong những vấn đề cấp thiết hàng đầu. Số lượng vật nuôi tăng đồng nghĩa với lượng phân thải chăn nuôi tăng. Tuy nhiên trong thực tế, phần lớn lượng phân thải ở các trang trại, các hộ chăn nuôi chưa được xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật và sử dụng hiệu quả dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe của con người, vật nuôi và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên của khu vực. Không chỉ lượng phân thải khổng lồ từ hoạt động chăn nuôi, bã bùn mía từ Doanh nghiệp sản xuất đường trên địa bàn tỉnh với lượng ước tính khoảng 45.600 tấn/năm cũng là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó đây lại là những nguồn hữu cơ giá trị có thể làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng phục vụ trồng trọt. Do đó, giải pháp giúp ngành nông nghiệp Gia Lai phát triển bền vững đó là tận dụng hiệu quả nguồn hữu cơ sẵn có tại địa phương như phân thải chăn nuôi, than bùn, bã bùn mía làm nguyên liệu để sản xuất phân bón HCVS, HC khoáng có chất lượng tốt, giá cả hợp lý bón cho cây trồng, góp phần đẩy lùi tình trạng sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Từ những nghiên cứu và thành quả đạt được trong gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế phẩm vi sinh vật, phân bón, xử lý môi trường... nhóm nghiên cứu của Công ty cổ phần phân bón Fitohoocmon do TS. Lê Văn Tri đứng đầu đã đề xuất thực hiện Dự án: “Áp dụng các sáng chế số 7913, 9529 và giải pháp hữu ích HI-0201 để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phân thải chăn nuôi, bùn mía và than bùn tại tỉnh Gia Lai” nhằm sản xuất thành công phân bón HCVS, hữu cơ khoáng (HC khoáng) từ phân thải chăn nuôi, bùn mía và than bùn theo các sáng chế số 7913, 9529 và giải pháp hữu ích số HI-0201 tại tỉnh Gia Lai trên quy mô công nghiệp nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn than bùn, phân thải chăn nuôi và bã bùn mía giúp giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra nguồn phân bón HCVS và HC khoáng chất lượng cao để chăm sóc cho các loại cây trồng.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, dự án cơ bản đã hoàn thành các nội dung và mục tiêu đã đề ra. Các nội dung công việc của dự án được triển khai theo đúng quy trình và thực hiện một cách bài bản. Các phương pháp áp dụng trong dự án đảm bảo tính khoa học, theo đúng quy định và phù hợp với tiêu chuẩn ngành nên kết quả đánh giá xác thực và có độ tin cậy cao.
Dự án đã tạo ra các sản phẩm đầy đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu chất lượng theo thuyết minh và hợp đồng đã đề ra, bao gồm: các sản phẩm về công nghệ (các quy trình công nghệ xử lý nguyên liệu hữu cơ và sản xuất phân bón HCVS, HC khoáng); các mô hình sản xuất và mô hình thử nghiệm (mô hình xử lý than bùn, phân bò, bã bùn mía, mô hình sản xuất phân bón HCVS, HC khoáng, mô hình thử nghiệm phân bón HCVS, HC khoáng trên cây cà phê và cao su); sản phẩm sản xuất (365 tấn mùn hữu cơ sau xử lý than bùn, phân bò, bã bùn mía và 500 tấn phân bón HCVS, HC khoáng); báo cáo khảo sát điều tra và các báo cáo triển khai mô hình; các lớp đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo cùng với ấn phẩm đi kèm.
Dự án là một mô hình tiêu biểu cho việc ứng dụng các sáng chế về khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Với ý tưởng tận dụng tối ưu các nguồn thải hữu cơ từ hoạt động chăn nuôi, sản xuất chế biến đường và nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có kết hợp với việc sử dụng công nghệ vi sinh để xử lý và tạo ra sản phẩm phân bón HCVS, HC khoáng có giá trị phục vụ cho phát triển các loại cây trồng chủ lực tại Gia Lai, dự án đã mang lại nhiều ý nghĩa về khoa học, kinh tế - xã hội - môi trường: Giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp sản xuất phân bón và người nông dân ứng dụng phân bón; tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động địa phương; giúp ổn định và phát triển thị trường phân bón trong khu vực, đẩy lùi tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng; giải quyết các vấn đề môi trường tại các trang trại chăn nuôi và nhà máy chế biến đường...
Dự án góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường tại các tỉnh biên giới khu vực Tây Nguyên. Không chỉ vậy, dự án còn là cầu nối quan trọng giúp cho các nghiên cứu khoa học trong đó có các sáng chế hoặc giải pháp hữu ích được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất và phát huy giá trị phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Tạo tiền đề để thúc đẩy hình thành, phát triển tư duy nghiên cứu khoa học trong cộng đồng để tạo ra công nghệ mới phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Từ những kết quả trên, một lần nữa khẳng định tính đúng đắn, sự cần thiết trong biệc triển khai thực hiện dự án cũng như đặt ra nhu cầu cho việc duy trì và phát triển dự án trong giai đoạn tiếp theo.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18263/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)