Áp dụng các giải pháp công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch
Cập nhật vào: Thứ hai - 23/08/2021 13:11 Cỡ chữ
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội, kể từ thời điểm ra mắt các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về phòng, chống dịch trên hệ thống Hotline, tài khoản Zalo và hệ thống Bluezone (từ ngày 22/7 đến 6h ngày 20/8/2021) đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 15.698 cuộc gọi, tin nhắn. Trong đó, giải đáp 12.720 cuộc gọi, tin nhắn phản ánh; chuyển các quận, huyện vào cuộc xử lý 2.978 cuộc gọi, tin nhắn phản ánh, qua đó góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch nói chung của TP. Hà Nội.
Để kịp thời tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân liên quan tới việc phòng chống COVID-19, TP. Hà Nội đã tổ chức đào tạo cho các xã, phường về việc tiếp nhận và xử lý phản ánh. Mọi ý kiến phản ánh của người dân sẽ được các xã, phường trực tiếp tiếp nhận và xử lý. Những ý kiến cấp xã, phường không giải quyết được, sẽ được chuyển lên cấp cao hơn. Trước đó, Thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc rà soát, phân loại danh sách những người khai báo có biểu hiện ho, sốt trên ứng dụng Bluezone và tokhaiyte.vn. Tính đến ngày 19/8, TP. Hà Nội có tổng số tờ khai báo y tế trên hệ thống phần mềm: 3.159.587; số tờ khai trong ngày 19/8/2021: 110.844 tờ khai, tăng 81.599 so với ngày hôm trước (29.245), trung bình 7 ngày 116.776 tờ khai.
Số ca F0 trong cộng đồng tại Hà Nội đang đi ngang và có dấu hiệu giảm xuống. Đây là một tín hiệu đáng mừng, là thành quả của lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, sự tuân thủ của các tầng lớp nhân dân và sự vào cuộc quyết liệt, có hiệu quả của hệ thống chính quyền. Trong đó, công nghệ đang góp phần là một lá chắn không thể thiếu, trở thành những "nền tảng quốc dân". TP. Hà Nội kêu gọi người dân có thể phản ánh mọi vấn đề liên quan tới việc chống dịch thông qua chức năng phản ánh trên Bluezone. 100% phản ánh của người dân sẽ được cơ quan chức năng xem xét và xử lý. Người dân cũng tiếp tục khai báo y tế hằng ngày, nhất là những người có biểu hiện ho, sốt để góp phần giúp các cơ quan y tế kịp thời phát hiện, phân loại những ca F0 trong cộng đồng, nhằm chặn đứng, khóa chặt nguồn lây nhiễm để tận dụng hiệu quả “thời gian vàng”, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Thống kê số liệu trên các phần mềm Khai báo y tế, Bluezone: Số người dân cài đặt Bluezone đến 18h00 ngày 19/8 là 3.241.061/8.053.663 dân (tỉ lệ 40,24%), trong đó cài mới trong ngày: 3.582. Số người dân có điện thoại đã cài đặt Bluezone: 3.241.061/6.844.865 chiếm tỉ lệ ~ 47,35% đứng thứ 6 cả nước, (sau Bắc Giang (49,51%), Quảng Ninh (50,40%), Đà Nẵng (51,22%), Bắc Ninh (55,09%), Hải Dương (57,66%).
Tổng số địa điểm quét mã QR trên phạm vi toàn Thành phố đến hết ngày 19/8 là 219.483 điểm, tăng 2.403 điểm so với ngày 18/8 (217.080). Tổng số lượt quét mã QR trên phạm vi toàn Thành phố đến hết ngày 19/8 là 5.647.531, tăng 170.979 lượt so với ngày 18/8 (5.476.552); số lượt quét mã QR trong ngày: 170.979. Trung bình 7 ngày vừa qua: 140.554 lượt. Các địa phương có lượt quét nhiều nhất: Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy.
Cùng với các giải pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố đưa vào vận hành Tổng đài 1022 - kênh kết nối, tiếp nhận phản ánh, giải đáp kiến nghị của công dân, tổ chức trên địa bàn Thành phố. Trước mắt, Tổng đài 1022 tập trung tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị, phản ánh và tư vấn liên quan đến phòng, chống dịch.
Tổng đài 1022 được UBND TP. Hà Nội giao Sở TT&TT chủ trì thực hiện, bắt đầu hoạt động chính thức từ ngày 19/8, với 4 nhánh: Nhánh 1 (bấm phím 1): Kết nối đến Trung tâm Cấp cứu 115; Nhánh 2 (bấm phím 2): Kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; Nhánh 3 (bấm phím 3): Kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành; Nhánh 4 (bấm phím 4): Kết nối đến Sở TT&TT để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch. Trong đó, khi lựa chọn Nhánh 3 kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, người dân sẽ được hỗ trợ tư vấn chăm sóc sức khỏe trực tuyến liên quan đến dịch, đặc biệt là người mắc COVID-19.
P.A.T (NASATI)