Việt Nam tăng 3 bậc trên Bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019
Cập nhật vào: Thứ sáu - 26/07/2019 12:40 Cỡ chữ
Ngày 24/7/2019 tại New Delhi (Ấn Độ), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) kết hợp với Trường Đại học Cornell (Mỹ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) và các đối tác đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu năm 2019 (Global Innovation Index 2019, gọi tắt là GII 2019). Chỉ số cung cấp các số liệu chi tiết về hiệu suất ĐMST của 129 quốc gia và nền kinh tế trên toàn thế giới. Với 80 tiểu chỉ số/tiêu chí, GII 2019 cho thấy một tầm nhìn rộng về ĐMST, bao gồm: môi trường chính trị, giáo dục, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển kinh doanh... từ các phép đo truyền thống như đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), công bố bằng sáng chế và thương hiệu quốc tế đến các chỉ số mới hơn như tạo ứng dụng cho điện thoại di động và xuất khẩu công nghệ cao.
Một phần của buổi lễ công bố GII 2019 ở New Delhi, Ấn Độ
Theo đó, Việt Nam đã tăng 3 bậc, từ vị trí 45 lên vị trí 42 trên tổng số 129 nền kinh tế được xếp hạng. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam tăng hạng và vị trí 42 cũng là vị trí cao nhất mà Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay. Thứ hạng năm nay của Việt Nam đã được cải thiện 17 bậc so với thứ hạng năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapo và Malaixia.
Một số điểm chính của Báo cáo GII năm 2019
Báo cáo GII 2019 có chủ đề: "Tạo ra cuộc sống lành mạnh - Tương lai của đổi mới y tế". GII 2019 phân tích bối cảnh đổi mới y tế của thập kỷ tiếp theo, xem xét đổi mới y tế công nghệ và phi công nghệ sẽ biến đổi việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới như thế nào. Nó cũng khám phá vai trò và động lực của đổi mới y tế vì nó định hình tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe và ảnh hưởng tiềm năng này có thể có đối với tăng trưởng kinh tế. Các chương của báo cáo cung cấp thêm chi tiết về chủ đề năm nay từ các quan điểm học thuật, kinh doanh và quốc gia cụ thể từ các chuyên gia và người ra quyết định hàng đầu.
Cốt lõi của Báo cáo GII 2019 là Bảng xếp hạng về ĐMST toàn cầu, thể hiện kết quả và năng lực đổi mới sáng tạo của các nên kinh tế. Đây là lần thứ 12 liên tiếp, Báo cáo Chỉ số GII được công bố. Mục đích của Chỉ số GII là đưa ra các đánh giá về trình độ ĐMST của mỗi quốc gia một cách toàn diện nhất, là tài liệu tham khảo hàng đầu về năng lực ĐMST hiện nay của các nước. GII được coi là là một công cụ định lượng chi tiết giúp các nhà ra quyết định toàn cầu hiểu rõ hơn về cách kích thích hoạt động ĐMST để tạo động lực cho phát triển kinh tế và con người.
GII 2019 đã phát triển thành một công cụ đo điểm chuẩn có giá trị, có thể tạo điều kiện cho đối thoại công tư và nơi các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp và các bên liên quan khác có thể đánh giá tiến bộ ĐMST hàng năm.
Trong buổi lễ công bố Báo cáo GII 2019, Tổng Giám đốc WIPO, ông Francis Gurry, cho biết: GII 2019 cũng xem xét bối cảnh kinh tế: Mặc dù có dấu hiệu tăng trưởng kinh tế chậm lại, tác động tiêu cực từ khủng hưởng thương mại Mỹ - Trung và chủ nghĩa bảo hộ, nhưng ĐMST vẫn tiếp tục “nở rộ”. GII cho chúng ta thấy rằng các quốc gia ưu tiên ĐMST trong chính sách của họ đã đạt được sự tăng hạng đáng kể trong Bảng xếp hạng. Sự tăng hạng trong GII của các cường quốc kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ đã làm thay đổi địa lý ĐMST và điều này phản ánh hành động chính sách có chủ ý nhằm thúc đẩy ĐMST của họ. Người đứng đầu WIPO đã từng lưu ý: "ĐMST là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng dựa trên tri thức, nhưng đầu tư nhiều hơn nữa là cần thiết để giúp thúc đẩy sự sáng tạo của con người và tăng trưởng kinh tế. ĐMST có thể giúp tăng trưởng kinh tế cao trong ngắn và dài hạn”. ĐMST cũng được WIPO coi là có vai trò then chốt, động lực của tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng.
Báo cáo cũng nhấn mạnh: Bối cảnh toàn cầu của khoa học, công nghệ và ĐMST đã trải qua những thay đổi quan trọng trong những thập kỷ qua. Các nền kinh tế có thu nhập trung bình, đặc biệt là ở châu Á, đang ngày càng đóng góp cho nghiên cứu và phát triển (R & D) toàn cầu và tỷ lệ bằng sáng chế quốc tế thông qua Hệ thống bằng sáng chế quốc tế của WIPO.
GII 2019 cho thấy chi tiêu R&D công - đặc biệt là ở một số nền kinh tế có thu nhập cao - đang tăng chậm hoặc không tăng. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về vai trò trung tâm của khu vực công trong việc tài trợ cho R&D cơ bản và nghiên cứu cơ bản có định hướng - “nghiên cứu trời xanh” (blue-sky research) vốn chưa mang đến một lợi ích thiết thực nhưng cần thiết cho sự phát triển tương lai.
Bên cạnh đó, Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đặt ra dẫn đến sự tăng trưởng chậm lại về hiệu suất ĐMST và ĐMST vẫn tập trung ở số lượng ít các nền kinh tế phát triển. Hầu hết các cụm khoa học và công nghệ hàng đầu đều ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức… Năm cụm khoa học và công nghệ hàng đầu: Tokyo-Yokohama (Nhật Bản); Hồng Kông (Trung Quốc); Seoul (Hàn Quốc); Bắc Kinh (Trung Quốc); San Jose-San Francisco (Mỹ).
Khái quát xếp hạng GII 2019
Về thứ hạng ĐMST năm nay, theo Chỉ số GII 2019, Thụy Sĩ là quốc gia ĐMST nhất thế giới, tiếp theo là Thụy Điển, Mỹ, Hà Lan và Vương quốc Anh. GII 2019 cũng xác định nền kinh tế đứng đầu về ĐMST trong khu vực, như Ấn Độ, Nam Phi, Chile, Israel và Singapo; và đứng đầu về ĐMST trong cùng nhóm thu nhập với Trung Quốc, Việt Nam và Rwanda.
Với thứ hạng 14 năm nay, Trung Quốc đã lọt vào Top 20 nền kinh tế ĐMST nhất thế giới và trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình đầu tiên trong top 20 (Bảng 1). Trung Quốc đại diện cho một bước đột phá của một nền kinh tế có sự chuyển đổi nhanh chóng được định hướng bởi chính sách của chính phủ, ưu tiên cao cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Năm nay, 4 nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á nằm trong top 20 là Singapo (8), Hàn Quốc (11), Nhật Bản (15) và Trung Quốc (14).
Về chỉ số ĐMST 2019 của Việt Nam
Trong GII 2019, Việt Nam đứng thứ 42/129 nước và vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng 3 bậc so với năm 2018. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam tăng hạng và vị trí 42 cũng là vị trí cao nhất mà Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay.
Phân tích Bảng 2, chúng ta có thể thấy: Sở dĩ năm 2019, Việt Nam có sự tăng bậc về chỉ số ĐMST so với năm 2018 là do có sự tăng bậc cả ở Nhóm chỉ số đầu vào (tăng 2 bậc, từ vị trí 65 năm ngoái lên 63 năm nay), và Nhóm chỉ số đầu ra (tăng 4 bậc, từ vị trí 41 lên 37).
Nhóm chỉ số đầu vào, gồm 5 trụ cột, tăng bậc do trụ cột “Nguồn nhân lực và nghiên cứu” tăng 5 bậc (từ 66 lên 61) nhờ nhóm chỉ số “Nghiên cứu và phát triển” tăng 14 bậc, trong đó tiểu chỉ số “Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển” tăng 5 bậc; và trụ cột “Trình độ phát triển của thị trường” tăng 4 bậc, trong đó chỉ số “Tín dụng” tăng 4 bậc;
Nhóm chỉ số đầu ra tăng, do trụ cột “Sản phẩm tri thức và công nghệ” tăng 8 bậc, trong đó các tiểu chỉ số như “Đơn đăng ký sáng chế” (tăng 2 bậc), “Số công bố bài báo khoa học và kỹ thuật” (tăng 5 bậc), “Tốc độ tăng năng suất lao động” tăng 3 bậc, “Số chứng chỉ ISO 9001” tăng 3 bậc, “Sản lượng ngành công nghệ cao và công nghệ trung bình cao” tăng 20 bậc…
Những chỉ số này thể hiện sự chỉ đạo và những giải pháp của Chính phủ trong việc đảm bảo kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, cùng các giải pháp tập trung vào thu hút các nguồn lực của xã hội cho khoa học và công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển giao, hấp thụ và phát triển công nghệ, góp phần tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó, khẳng định sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang đi rất đúng hướng, tạo ra những kết quả rất thiết thực, cụ thể. Kết quả chỉ số GII năm 2019 cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều chỉ tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2021.
Kết quả chỉ số GII 2019 cũng cho thấy sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực ĐMST quốc gia. Để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số GII một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào của đổi mới sáng tạo, trong đó, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số về hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng các quy định pháp luật, nâng cao chất lượng lực lượng lao động…
P.A.T (NASATI)