Tiếp cận công nghiệp 4.0: Cần chính sách cụ thể
Cập nhật vào: Thứ năm - 18/06/2020 11:33 Cỡ chữ
Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0) lần thứ 4 sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế đất nước nói chung và từng doanh nghiệp (DN) nói riêng. Trước bối cảnh đó, bên cạnh sự chủ động của DN, nhà nước đã lên các chính sách cụ thể để hỗ trợ, tiếp sức DN ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng này.
Các chính sách hỗ trợ của nhà nước trọng tâm vào doanh nghiệp tiếp cận công nghiệp 4.0
Tập trung vào công nghệ chủ chốt
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã xây dựng, triển khai Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 "Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0" (KC-4.0/19-25).
Mục tiêu của chương trình nhằm nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 mà Việt Nam có lợi thế, để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hỗ trợ thí điểm đổi mới một số mô hình quản trị, sản xuất, kinh doanh của DN trong một số lĩnh vực chủ chốt theo hướng chuyển đổi số.
Thông tin tại Hội thảo "Giới thiệu một số kết quả đạt được của Chương trình KC-4.0/19-25" và định hướng giai đoạn 2021 - 2025, diễn ra mới đây, đại diện Ban Chủ nhiệm chương trình cho biết, các đề xuất đề tài, nhiệm vụ chương trình sẽ được tiếp nhận theo nhóm nội dung thuộc khung Chương trình KC-4.0/19-25 bao gồm: Nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 để tạo ra các sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Nhóm tiếp theo là nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và hạ tầng số làm nền tảng, phục vụ phát triển và ứng dụng công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0; nghiên cứu ứng dụng các mô hình quản trị, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên và quan trọng theo định hướng chuyển đổi số, thích ứng với CMCN 4.0.
Ngoài ra, các đề xuất cần có địa chỉ ứng dụng những kết quả do đề tài/dự án tạo ra; cam kết hỗ trợ hoàn thiện, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng trực tiếp trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức, cơ quan ứng dụng sản phẩm của đề tài/ dự án được đề xuất cần có đủ uy tín, năng lực để tiếp nhận và triển khai hiệu quả sản phẩm tạo ra.
Triển khai nhiệm vụ cụ thể
Năm 2019, Chương trình KC-4.0/19-25 đã nhận được 18 đề xuất nhiệm vụ. Theo đó Ban Chủ nhiệm Chương trình KC-4.0/19-25 đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN và các Hội đồng khoa học xem xét, lựa chọn được 5 nhiệm vụ đề xuất tham gia Chương trình KC-4.0/19-25 năm 2019. Các nhiệm vụ cụ thể: Nghiên cứu xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo, tích hợp cơ sở dữ liệu địa chất dầu khí để đánh giá triển vọng dầu khí, thử nghiệm tại khu vực Bắc bể sông Hồng; nghiên cứu phát triển hệ thống hỗ trợ thực hành tiền lâm sáng nhi khoa dựa trên công nghệ thực tế ảo; nâng cao chất lượng tổng hợp tiếng nói tiếng Việt và ứng dụng; xây dựng nền tảng phục vụ nâng cao chất lượng nhận dạng tiếng nói tiếng Việt và ứng dụng; xây dựng nền tảng dịch vụ dữ liệu địa chỉ Việt Nam phục vụ phát triển các ứng dụng dân sinh.
Năm 2020, chương trình nhận được 164 đề xuất nhiệm vụ và đã xác định tuyển chọn được 15 nhiệm vụ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để triển khai. Cụ thể: Y tế 5 nhiệm vụ; công nghiệp chế biến, chế tạo 3 nhiệm vụ; an ninh, quốc phòng 2 nhiệm vụ; tài nguyên, môi trường 1 nhiệm vụ; công nghệ thông tin, truyền thông 1 nhiệm vụ; nông nghiệp 1 nhiệm vụ; giáo dục đào tạo 2 nhiệm vụ.
Đối với các nhiệm vụ sẽ triển khai trong năm 2021, chương trình đã nhận được gần 150 đề xuất. Ban chủ nhiệm, đơn vị chức năng phối hợp với các Hội đồng khoa học xác định và trình Bộ KH&CN phê duyệt Danh mục 20 nhiệm vụ đưa vào tuyển chọn. Hiện nay, những đơn vị chức năng đang trong quá trình tổ chức các Hội đồng để tuyển chọn nhiệm vụ này.
Theo Báo Công thương