“Rộng cửa” tìm kiếm công nghệ cho doanh nghiệp Việt
Cập nhật vào: Thứ sáu - 24/05/2019 16:40 Cỡ chữ
Điều mà những người quan tâm e ngại lúc này là làm sao có được cơ chế tài chính đủ mạnh để tiếp thêm “năng lượng” cho mối hợp tác công nghệ lâu dài Việt - Hàn, để các “Ghi nhớ” không chỉ đơn giản là “ghi lại” rồi “để đó”.
Lễ ký ghi nhớ giữa Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) chiều ngày 16/5/2019. Ảnh: VGP/Phương Hiền
Góp thêm nét cho bức tranh tiếp cận công nghệ của SMEs
Được biết đến là khu vực năng động nhất cả nước, phía Nam cũng đồng thời là vùng trọng điểm của kinh tế tư nhân. Theo sau sự chuyển mình mạnh mẽ về số lượng, khu vực kinh tế tư nhân tại đây đang chứng tỏ tính sẵn sàng chuyển sang quy mô công nghiệp, với mối quan tâm lớn đến đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ vào quản trị sản xuất, quản trị chất lượng.
Với trọng trách đồng hành cùng doanh nghiệp - nhất là SMEs khu vực phía Nam - trong ứng dụng công nghệ và hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, những nhà quản lý ngành cũng không thể đứng bên lề dòng chảy ấy. Ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) với Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) vào chiều ngày 16/5 vừa qua vì thế được xem như đã góp thêm nét phác thảo đáng chú ý cho bức tranh tiếp cận công nghệ của các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN - MOU nhằm mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ chuyên gia và lan tỏa kiến thức, thông tin về khoa học, công nghệ thông qua nhiều hoạt động chung giữa đôi bên. Đó có thể là các cuộc triển lãm, giới thiệu về sáng chế, về công nghệ mới; là những đợt đào tạo về quản trị công nghệ, quản trị sản xuất cho các doanh nghiệp Việt; hoặc những hội nghị, hội thảo được mở ra theo mối quan tâm của giới doanh nghiệp trong nước về đổi mới, chuyển giao công nghệ v.v…
Thực tế, KITECH là gương mặt đại diện không quá xa lạ của nhà quản lý lĩnh vực công nghiệp - công nghệ tại Hàn Quốc. Tổ chức này ngay từ năm 2001 đã đặt mối hợp tác với nhiều bộ ngành, địa phương, hội nghề nghiệp tại Việt Nam… Tuy nhiên, ở MOU được ký kết chính thức lần này, cơ quan phía Nam của Bộ KH&CN đang “dấn thêm” những bước đi xa hơn vai trò quản lý truyền thống của mình.
Theo đó, phía Việt Nam sẽ nắm phần chủ động trong lựa chọn công nghệ muốn tiếp nhận theo định hướng phát triển kinh tế của đất nước, cũng như đối tượng doanh nghiệp cần được hỗ trợ tiếp cận công nghệ.
Để Ghi nhớ không chỉ là …ghi nhớ!
Điều mà những người quan tâm e ngại lúc này là làm sao có được cơ chế tài chính đủ mạnh để tiếp thêm “năng lượng” cho mối hợp tác công nghệ lâu dài Việt - Hàn, để các “Ghi nhớ” không chỉ đơn giản là “ghi lại” rồi “để đó”.
Bởi hiện tại, theo PGS. TS Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác Phía Nam (Bộ KHCN) - các hoạt động triển khai MOU, dù bằng cách này hay cách khác đều cần có kinh phí thực hiện. Tất nhiên, KITECH có thể tài trợ nhưng phần “đối ứng” của phía Việt Nam để triển khai hoạt động cũng rất quan trọng. “Việc này hơi khó, nguồn lực cho MOU này một phần đang dựa vào ‘vận dụng’ kế hoạch thường xuyên của Cục, phần còn lại phải đến từ nguồn xã hội hóa. Mà đúng ra để triển khai tốt hơn nữa thì phải có nguồn kinh phí được quy hoạch riêng”, nhà quản lý ngành khoa học, công nghệ phía Nam tâm tư.
Quan trọng hơn, MOU trên còn mở ra cơ chế để Việt Nam có thể đề nghị KITECH giúp doanh nghiệp Việt tìm kiếm đối tác, tìm kiếm công nghệ - thẩm định trình độ công nghệ… Và tất cả những hoạt động ấy khó mà chỉ trông chờ vào sự tài trợ đơn phương từ phía Hàn Quốc.
Hiện tại, kinh phí để tổ chức các đoàn làm việc giữa đôi bên hay triển khai các hoạt động theo MOU đều chủ yếu do phía KITECH “gánh vác”. “Hợp tác với KITECH không chỉ là để tiếp nhận tri thức về công nghệ. Nếu phía Việt Nam được trang bị nguồn lực tốt hơn để thực hiện các hội nghị luân phiên, các sự kiện quảng bá cho công nghệ ‘made-in-Vietnam’ tại thị trường Hàn Quốc thì đấy mới thực sự là ước mơ to lớn mà chúng tôi muốn hướng tới”, Cục trưởng Phạm Xuân Đà kỳ vọng.
Được biết, các sự kiện triển khai mối hợp tác theo MOU trên cho năm 2019 đã thực sự được khởi động từ trước đó - khi Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN cùng KITECH vừa hoàn thành đợt “nâng tầm” đầu tiên về quản trị chất lượng cho 100 SMEs tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Những chương trình cho các sự kiện tiếp theo cũng đang được gấp rút chuẩn bị. Trước mắt, dự kiến tháng 7 tới sẽ có một sự kiện trình diễn công nghệ. Sau đó là đến những đợt “tập dợt” cho các nhà quản trị doanh nghiệp Việt về công nghệ khuôn mẫu, về quản trị sản xuất…
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ