Quảng Nam: Phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương bằng KH&CN
Cập nhật vào: Thứ năm - 23/05/2019 16:21 Cỡ chữ
Xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN hướng vào hỗ trợ phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực của tỉnh như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ô tô, máy kéo nông nghiệp... từ đó tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
Người dân Quảng Nam tham gia phiên chợ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Hồ Quang
Đây là một trong những nội dung chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018 - 2025 của UBND tỉnh Quảng Nam và bộ KH&CN.
Đầu tư cho khoa học phục vụ trực tiếp sản xuất
Vốn từ một tỉnh thuần nông, chủ yếu tự cấp tự túc lương thực, Quảng Nam những năm gần đây đã phát triển nhanh, trở thành một tỉnh công nghiệp dịch vụ, đặc biệt là hiện nay, các doanh nghiệp hàng đầu trong tỉnh đều là doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Phạm Viết Tích, giám đốc sở KH&CN Quảng Nam, trong sự phát triển đó có sự đóng góp không nhỏ của KH&CN hiện qua việc tập trung nghiên cứu các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, mô hình, giải pháp phát triển kinh tế với nhanh và bền vững; xây dựng một số mô hình sản xuất phù hợp với từng vùng sinh thái; hình thành và phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong bảo tồn, lai tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; đưa công nghệ mới vào bảo quản, chế biến nông sản đồng thời các nghiên cứu cũng hướng tới bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu dược liệu; ứng dụng công nghệ bào chế, sản xuất từ dược liệu quý của tỉnh như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, sa nhân, ba kích, đẳng sâm…
Ông Đinh Văn Thu, phó bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh, đã đánh giá cao sự quan tâm hỗ trợ của bộ KH&CN thời gian qua trong việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là hướng đến phát triển nông thôn miền núi, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển sản phẩm có lợi thế của tỉnh và giải quyết các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh, trong đó, có thể kể đến là các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia về nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam, các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực cơ chí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ do THACO và các doanh nghiệp thuộc khu Kinh tế mở Chu Lai...
Chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực
Trên cơ sở thực tế phát triển của Quảng Nam, chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đề nghị bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động KH&CN có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường phối hợp với tỉnh xây dựng, tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ KH&CN, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn để góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm hàng hoá, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hiệu quả của nền kinh tế.
Trên tinh thần đó, ngày 18.1.2018, bộ KH&CN và tỉnh Quảng Nam đã ký kết chương trình, phương hướng hoạt động giai đoạn 2018 - 2025. Cụ thể, bộ KH&CN sẽ hỗ trợ tỉnh Quảng Nam xây dựng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trọng tâm trong Chương trình phối hợp bằng nguồn kinh phí từ các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ KH&CN cử cán bộ phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ sở KH&CN và các đơn vị liên quan thuộc tỉnh tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai ký kết Chương trình phối hợp giữa lãnh đạo bộ KH&CN và tỉnh Quảng Nam, là thể hiện sự quyết tâm của cả hai bên trong chỉ đạo điều hành hoạt động KH&CN thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với các nội dung phối hợp đã được hai bên xem xét cụ thể, bám sát vào tình hình thực tiễn.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh kỳ vọng: “Chương trình phối hợp này sẽ góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh Quảng Nam, và sẽ là kinh nghiệm thực tiễn triển khai nhân rộng ra các địa phương trên toàn quốc”.
5 Nội dung chính được Bộ KH&CN và UBND tỉnh Quảng Nam ký kết
1. Xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN hướng vào hỗ trợ phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực của tỉnh như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ô tô, máy kéo nông nghiệp... từ đó tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh.
2. Xây dựng các chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn. Tập trung xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng chuỗi giá trị từ nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá nông sản.
3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường nông thôn. Xây dựng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, để giải quyết các vấn đề về môi trường trong chăn nuôi, xử lý rác thải sinh hoạt một cách có hiệu quả.
4. Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học các hệ sinh thái đặc hữu vùng ven biển, nhằm đề ra giải pháp quy hoạch, bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh, góp phần phục vụ du lịch, phát triển kinh tế.
5. Đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN cho nghiên cứu phát triển và kiểm nghiệm chất lượng sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam.
Căn cứ các nội dung trong Chương trình phối hợp này, hai bên sẽ triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động cụ thể; sơ kết đánh giá giữa giai đoạn (năm 2021) và tổng kết khi Chương trình kết thúc (năm 2025).