Nghiên cứu tuyển chọn và xây dựng quy trình canh tác hợp lý để phát triển bí đỏ hàng hóa ở các tỉnh miền núi phía Bắc
Cập nhật vào: Thứ sáu - 20/09/2019 03:59
Cỡ chữ
Bí đỏ hay còn gọi là bí ngô có tên khoa học là Cucurbita pepo L., có tên tiếng Anh là Pumpkin là một loại cây thuộc chi Cucurbita và họ bầu bí Cucurbitaceae. Đây là loài cây dễ trồng, không kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau từ ruộng vườn ở vùng đồng bằng đến đất đồi núi và cả đất mặn vùng ven biển, có mặt ở nhiều vùng sinh thái trong cả nước. Cây bí đỏ có thể trồng vào tất cả các vụ trong năm. Bí đỏ được sử dụng làm thực phẩm có thể là nụ, hoa, ngọn và lá non, tuy nhiên, thường thấy nhất là sử dụng phần thịt của quả. Phương thức sử dụng các sản phẩm của bí đỏ cũng rất phong phú như: Nấu canh, làm rau, làm bánh, làm nguyên liệu công nghiệp chế biến... Quả bí đỏ chứa nhiều vitamin và khoáng chất, là một vị thuốc nam trị nhiều bệnh. Ngoài ra, bí đỏ được biết đến như một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về loại cây trồng này, diện tích trồng còn nhỏ lẻ, phân tán và chưa tạo được sự bứt phá về giống. Kỹ thuật canh tác của người dân ở các địa phương chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cổ truyền do chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu hay các quy trình kỹ thuật hướng dẫn cụ thể về cách trồng loại cây trồng này... Vì vậy, việc nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt, thâm canh và chọn tạo những giống bí đỏ có năng suất, chất lượng phù hợp với các vùng sinh thái, đồng thời tạo thành những vùng chuyên canh đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng bí đỏ là rất cần thiết.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tiềm năng lớn về phát triển nông lâm nghiệp. Trong những năm qua, nông lâm nghiệp của vùng có nhiều thay đổi nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển của nhà nước và địa phương Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ dân trí, điều kiện địa lý, giao thông và tập quán canh tác lạc hậu… nên vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là vùng chậm phát triển, tỉ lệ đói nghèo cao nhất nước. Hiện nay, vùng đang phải tập trung giải quyết nhiều lĩnh vực trong phát triển kinh tế như: Vấn đề an toàn lương thực và xoá đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo tồn phát triển nguồn tài nguyên về đa dạng sinh học tiến tới sự phát triển bền vững. Giải quyết vấn đề trên cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, việc phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái và trình độ canh tác của người dân nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập được ưu tiên hàng đầu.
Cây bí đỏ từ lâu đã gắn liền với người dân ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Đặc biệt, từ xưa người dân đã đánh giá cây bí đỏ có khả năng thích ứng rộng, kỹ thuật trồng đơn giản, có thể phát triển tốt trong vụ Xuân và vụ Thu Đông, ít ảnh hưởng của các tác nhân gây hại như: bão, gió và sâu bệnh, đặc biệt, có thể trồng ở những vùng đất khó khăn (đất nghèo dinh dưỡng, thiếu vốn…) mà vẫn cho năng suất. Tuy nhiên, để cây bí đỏ đạt năng suất cao, chất lượng tốt, cần phải đánh giá, lựa chọn được giống bí đỏ mới cũng như quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện từng tiểu vùng sinh thái. Hiện nay, tuy diện tích trồng bí đỏ của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ tiêu dùng tại chỗ. Đây là những thách thức lớn trong phát triển bí đỏ.
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng: năng suất bí đỏ thấp chủ yếu là do chưa có giống tốt phù hợp với điều kiện sinh thái và cơ cấu mùa vụ của từng địa phương, các biện pháp thâm canh tổng hợp chưa được chú trọng đúng mức Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu chọn tạo giống bí đỏ ở Việt Nam chỉ mới coi trọng năng suất quả bí đỏ, những kết quả nghiên cứu về bí đỏ chủ yếu thiên về các biện pháp kỹ thuật và trong công tác chọn giống thiên về năng suất củ để lấy hạt, mà chưa chú ý nhiều đến chọn giống chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hoá (phục vụ ăn tươi, chế biến) Thiếu bộ giống có hàm lượng chất khô, tinh bột, protein, caroten cao phục vụ làm nguyên liệu cho chế biến (bánh kẹo, snack bí đỏ,...).
Để tăng được năng suất và chất lượng bí đỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ngoài việc đánh giá các yếu tố kinh tế xã hội, thị trường để quy hoạch thì cần phải xác định bộ giống tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng địa phương và tiến hành đồng bộ các khâu kỹ thuật then chốt như phân bón, thời vụ, mật độ trồng… cho giống theo mục đích sử dụng nhằm tăng thu nhập và hiệu quả kinh tế của cây bí đỏ. Trước thực tế đó, đề tài "Nghiên cứu tuyển chọn và xây dựng quy trình canh tác hợp lý để phát triển í đỏ hàng hoá ở các tỉnh miền núi phía Bắc" do PGS.TS. Nguyễn Viết Hưng, Khoa Nông học - Đại học Nông Lâm - ĐH Thái Nguyên cùng các đồng nghiệp thực hiện được đánh giá là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Sau đây là một số kết quả nổi bật của đề tài sau một thời gian thực hiện:
1) Đề tài đã tiến hành điều tra đánh giá tình hình sản xuất bí đỏ tại hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Kết quả đã xác định được yếu tố hạn chế đến sản xuất bí đỏ cơ bản là: Biện pháp kỹ thuật áp dụng chưa phù hợp; Người dân còn trồng giống có tiềm năng năng suất và chất lượng không cao.
2) Kết quả xây dựng quy trình canh tác bí đỏ tại Bắc Kạn và Thái Nguyên
- Kết quả nghiên cứu lựa chọn giống: Giống bí đỏ Goldstar 998 có năng suất khá cao (160,39 – 179,52 tạ/ha), khả năng chống chịu cao được lựa chọn đưa ra sản xuất.
- Kết quả nghiên cứu xây dựng biện pháp kỹ thuật cho giống bí đỏ Goldstar 998.
+ Thời vụ trồng: Giống bí đỏ Goldstar 998 có thể trồng từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 đối với vụ Xuân, vụ Thu Đông cần trồng trước 30/9.
+ Thời điểm thu hoạch quả: Giống í đỏ Goldstar 998 thu hoạch ở thời điểm 30 ngày sau ra hoa cho năng suất thực thu và lãi thuần cao.
+ Mật độ trồng: Giống bí đỏ Goldstar 998 có thể trồng từ 6 250 – 7 142 cây/ha (Khoảng cách: 0,6m x 2,5m hoặc 0,7m x 2m), tốt nhất là 7 142 cây/ha.
+ Lượng phân NPK vô cơ: Trên nền 10 tấn phân chuồng/ha, có thể bón từ 80 kg N + 100 kg P2O5 + 80 kg K2O/ha đến 100 kg N + 120 kg P2O5 + 100 kg K2O/ha cho giống bí đỏ Goldstar 998, tốt nhất là bón 80 kg N + 100 g P2O5 + 80 kg K2O/ha.
+ Phân hữu cơ: Có thể sử dụng hữu cơ sinh học NTT thay thế phân chuồng bón cho cho giống bí đỏ Goldstar 998. Lượng phân hữu cơ sinh học NTT tốt nhất bón 3 tấn/ha năng suất đạt.
+ Kết quả thử nghiệm giống và biện pháp kỹ thuật canh tác: Năng suất 2 giống bí đỏ mới trồng ở Thái Nguyên và Bắc Kạn, áp ụng 100% biện pháp kỹ thuật mới đều cho năng suất hiệu quả kinh tế cao.
- Tại Thái Nguyên: giống bí đỏ TLP 868 có năng suất (160,23 tạ/ha) và tỷ suất lợi nhuận là (1,57). Giống Goldstar 998 có năng suất (171,77 tạ/ha) và tỷ suất lợi nhuận là (1,59).
- Tại Bắc Kạn: giống bí đỏ TLP 868 có năng suất (162,48 tạ/ha) và tỷ suất lợi nhuận là (1,57). Giống Goldstar 998 có năng suất (185,58 tạ/ha) và tỷ suất lợi nhuận là (1,62).
3) Kết quả xây dựng mô hình trình diễn và phổ triển kết quả ra sản xuất cho thấy: Đã xây dựng thành công 2 ha mô hình trình diễn (1 ha ở Bắc Kạn và 1 ha ở Thái Nguyên). Kết quả năng suất trung bình trong điều kiện vụ Xuân đạt 177,6 tạ/ha (ở Bắc Kạn), 173,3 tạ/ha (ở Thái Nguyên).
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15054/2018) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.K.L (NASATI)
gọi là, khoa học, có thể, tất cả, sử dụng, thực phẩm, tuy nhiên, nhất là, phương thức, sản phẩm, phong phú, nguyên liệu, công nghiệp, chế biến, khoáng chất, thuốc nam, ngoài ra