“Make in Vietnam” phát huy tối đa sức mạnh nội tại
Cập nhật vào: Thứ sáu - 10/05/2019 07:59 Cỡ chữ
Chia sẻ khẩu hiệu "Make in Vietnam" là nói đến sự sáng tạo, thiết kế và sản xuất đều thực hiện tại Việt Nam, tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ, sáng 9/5/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nếu chỉ lắp ráp thì không thể giải bài toán năng suất lao động.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VNExpress
Lời giải bài toán năng suất lao động
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tăng năng suất lao động, phát triển nhanh, bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình... là câu hỏi đặt ra cho Việt Nam hiện nay. Công nghệ chính là lời giải cho những bài toán này. Sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra cơ hội, thời cơ "có một không hai" cho Việt Nam. Ông nêu ví dụ, các công ty không thể sản xuất, marketing hiệu quả nếu không áp dụng công nghệ. Các công ty công nghệ, sản xuất công nghệ đều là nhân tố quan trọng để phát triển Việt Nam. Vì vậy, phát triển công nghệ là ưu tiên hàng đầu. Năm 2019, Việt Nam sẽ chuyển đổi số nền kinh tế. Chuyển đổi số là tiền đề cho đổi mới sáng tạo với nhân tố không thể thiếu là các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) trong lĩnh vực công nghệ. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam cần các startup công nghệ, bước đầu sử dụng công nghệ để phát triển giải pháp rồi từ đó tạo nên cuộc cách mạnh công nghệ toàn dân. Diễn đàn sẽ đề xuất các giải pháp cho DN công nghệ phát triển, đặt ra các tiêu chuẩn công nghệ cao hơn, không chỉ khuyến khích mà buộc DN phải đổi mới công nghệ.
Cơ chế mở cho DN công nghệ
Là địa phương đang thu hút nhiều DN công nghệ lớn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết nhiều năm qua Hà Nội đã thực hiện cùng lúc nhiều chương trình công nghệ thông tin (CNTT).
TP đã tập trung vào xây dựng mối liên hệ giữa các cơ quan ban ngành, ứng dụng số hoá giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả làm việc với nhân dân và DN. Hà Nội hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu. Bên cạnh đó, Hà Nội thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách như: Chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số; huy động mọi nguồn lực từ DN trên địa bàn; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ; tích hợp và khai thác các dịch vụ số; ứng dụng tối đa các văn bản điện tử; sử dụng hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu số; tăng ứng dụng trên thiết bị di động; chuẩn hoá công nghệ thông tin cho nhân dân; khuyến khích người dân sử dụng công nghệ số. Hiện Hà Nội có 3.530 DN công nghệ thông tin (CNTT) đang hoạt động, doanh thu 244.266 tỷ đồng trong năm 2018. Bên cạnh đó, thành phố đang xây dựng cơ sở dữ liệu, khuyến khích các DN đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng này nhằm tạo ra hệ sinh thái công nghệ. Ứng dụng công nghệ cần có chính sách thiết thực về tài chính để giúp các DN, địa phương ứng dụng CNTT. Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, thời gian tới Hà Nội cần xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng xa lộ thông tin đến mọi ngóc ngách đồng thời khuyến khích DN sản xuất công nghệ mới. Đồng thời đưa các chương trình liên quan đến công nghệ vào giảng dạy từ hệ phổ thông. Chính sách này sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, xóa mù CNTT. "Thành phố sẽ cải cách, tạo cơ chế thông thoáng cho cộng đồng DN, trong đó có các DN công nghệ, phát triển”, ông Chung cam kết và mong Chính phủ có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các địa phương, thí điểm cơ chế đầu tư CNTT, xây dựng, công bố các tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu tại các địa phương.
Thoát bẫy thu nhập trung bình bằng công nghệ
Đó là kinh nghiệm được TS. Yongrak Choi, nguyên thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc, chia sẻ tại Diễn đàn. Ông Yongrak Choi cung cấp những con số quan trọng về kinh tế và công nghệ của Hàn Quốc. GDP năm 2017 là 1.530 tỷ USD gấp 765 lần so với năm 1960. Nền khoa học công nghệ Hàn Quốc cũng phát triển nhanh chóng... Điểm mạnh cốt lõi của Hàn Quốc đó là chuyển mình thành công từ nhập khẩu công nghệ thành quốc gia đi đầu về công nghệ, sở hữu nhiều DN tư nhân lớn mạnh và có năng lực chế tạo, nắm bắt công nghệ. Dẫn chứng điển hình là sự phát triển của những DN tư nhân hàng đầu thế giới như Samsung, Hyundai... Thời gian đầu, Samsung đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ, đầu tư nguồn lực lớn để học hỏi công nghệ. Sau 10 năm phát triển, Samsung trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Hyundai cũng nhập khẩu mạnh mẽ công nghệ của nước ngoài, chịu khó học hỏi công nghệ lõi từ các nước sau đó phát triển công nghệ cho riêng mình. Tập đoàn Posco cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ về đầu tư ban đầu và hạ tầng. Trong vòng 15 năm, DN này đã phát triển nhiều công nghệ tối tân để sản xuất thép. Phát triển lĩnh vực CNTT và truyền thông cũng là động lực tăng trưởng quan trọng của Hàn Quốc, chiếm tỷ trọng 34% trong tổng sản lượng xuất khẩu. Chính phủ đã xác định một số ngành mũi nhọn như viễn thông, bán dẫn, điện thoại di động... Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, IoT, Robot, Blockchain... Xác định các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) là công nghệ lõi của cách mạng 4.0, quốc gia này định vị được phân khúc, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất thông minh... "Động lực tự thân của các DN tư nhân là đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ và thuê ngoài dịch vụ công nghệ, thức đẩy quá trình học hỏi", ông Yongrak Choi nói. Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra nhiều chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư R&D, phát triển nguồn nhân lực, đi đầu trong việc chuyển đổi cấu trúc hệ thống đổi mới...
Theo http://baochinhphu.vn/