Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)- Khuyến cáo cho TP.HCM”
Cập nhật vào: Thứ hai - 30/09/2019 16:23 Cỡ chữ
Sáng 25/9/2019, UBND TP. Hồ Chí Minh và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)- Khuyến cáo cho TP.HCM”. Hội thảo nhằm mục tiêu thực hiện chương trình Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo.
Tham dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong; Giám đốc World Bank tại Việt Nam Ousmane Dione; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy; các chuyên gia, các trường đại học, doanh nghiệp, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông; Sở KH&CN, Đại học quốc gia TP.HCM; cùng với gần 400 khách mời chuyên gia trong nước và quốc tế (trong đó có các chuyên gia của Microsoft) và đại diện Chính phủ Singapo.
Lãnh đạo TP.HCM và khách mời tham dự hội thảo
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong, từ năm 2015, Thành phố đã đưa các dự án ứng dụng AI vào Chương trình kích cầu với mức hỗ trợ lãi suất mỗi dự án lên tới 100 tỷ đồng. Cùng với đó, Thành phố đã tích hợp một số lĩnh vực ứng dụng AI vào Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Điều này được kỳ vọng như một hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là nền tảng để triển khai thành công đề án đô thị thông minh trên địa bàn thành phố. Việc ứng dụng AI vào sản xuất và đời sống còn chậm và kém so với các đô thị trên thế giới. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguồn nhân lực chưa sẵn sàng để đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những điểm nghẽn “kìm hãm” việc nghiên cứu, ứng dụng AI trên địa bàn TP.HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Những kết quả của Hội thảo là cơ sở quan trọng để Thành phố xây dựng Hệ sinh thái ứng dụng AI, thành lập Trung tâm ứng dụng AI trong thời gian tới cũng như tiếp nhận thông tin đa chiều để xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy công nghệ số, trong đó có AI. Cụ thể, đưa AI vào Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; xác định AI là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn cần triển khai nghiên cứu; phát triển Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” với mục tiêu xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn dựa trên tri thức của người Việt; phê duyệt Chương trình KH&CN trọng điểm KC4.0 và Kế hoạch triển khai “Nghiên cứu và phát triển công nghệ AI đến năm 2025”. Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, các dự án nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI đã được triển khai, tập trung tại các trường đại học, viện nghiên cứu như Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); một số trường thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM; Viện John von Neumann; Học viện Kỹ thuật quân sự; Học viện Bưu chính Viễn thông… Cùng với đó, các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, CMC, VNG, VinGroup và các công ty, doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ cũng đều đầu tư nghiên cứu phát triển các hệ thống thông minh trên nền tảng AI.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố hệ thống lại kế hoạch và chiến lược quốc gia về AI của khoảng 10 nước trên thế giới, tiến hành so sánh các mục tiêu, giải pháp để xem sự thống nhất cũng như các ưu tiên riêng của từng nước; qua đó xây dựng Chương trình nghiên cứu, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030.
Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, ngoài Ban Chỉ đạo về đô thị thông minh kiêm chức năng của Ban Chỉ đạo Chương trình nghiên cứu, ứng dụng và phát triển AI, thành phố cần lập thêm Hội đồng Tư vấn về AI với các chuyên gia trong và ngoài nước… Cùng với đó, thành phố có chương trình làm việc với các nhóm chuyên gia để phản biện hoàn chỉnh, đồng thời xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, bởi đây cũng là một phần của Chương trình Quốc gia. Trên cơ sở chương trình, thành phố phải xây dựng mô hình hệ sinh thái về AI, đảm bảo mô hình phải tự “nuôi dưỡng,” đào tạo nhân lực tại chỗ; cung cấp giải pháp thương mại hóa ngay tại thành phố, phục vụ người dân và chính quyền. Từ đó, hệ sinh thái của thành phố sẽ kết nối với cả nước; tham gia vào hệ sinh thái toàn cầu, tận dụng khả năng đào tạo, nghiên cứu quốc tế để phát triển. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần sớm có Đề án số hóa tài nguyên của thành phố, tài nguyên về hồ sơ nhà nước, hồ sơ dữ liệu của các ngành; cụ thể hóa cấu phần đào tạo nhân lực cho AI; nghiên cứu hình thành Trung tâm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo của thành phố, trước mắt ưu tiên đặt tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các trường thành viên. Ngoài ra, thành phố có thể đặt hàng, lựa chọn các doanh nghiệp lớn để hợp tác hình thành trung tâm này.
Tại Hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận các vấn đề về mô hình và mức độ ứng dụng AI tại thành phố; sự liên kết, tương tác tứ giác của cuộc cách mạng 4.0: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà đầu tư tài chính; hệ sinh thái ứng dụng AI, nghiên cứu và ứng dụng AI gắn liền với 3 mũi nhọn là công tác nghiên cứu và đào tạo - nắm bắt công nghệ - đổi mới sáng tạo; sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, tổ chức tài chính; sự sẵn sàng của thành phố.
Các tham luận của chuyên gia trong và ngoài nước cũng đưa ra giải pháp xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI tại TP.HCM như: Ứng dụng AI trong hướng tới đô thị thông minh; Tương lai công nghệ và đổi mới sáng tạo cho thành phố thông minh; AI trong lĩnh vực công, từ xu hướng đến ứng dụng thực tiễn; Phát triển AI 2020-2030: Tầm nhìn và chiến lược; Vai trò của nghiên cứu trong việc phát triển AI tại Việt Nam; Cơ hội và thách thức trong tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo của ngành Y tế TP.HCM; Áp dụng AI cho quản lý quy hoạch đô thị - Phân tích ảnh viễn thám cho TP. HCM…
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã đặt ra vấn đề về các thách thức của TP. HCM như tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đang càng làm trầm trọng thêm những mối quan ngại về giao thông, tình trạng ngập lụt, chất lượng môi trường cũng như những bất cập về cơ sở hạ tầng. Thành phố đang tìm cách cải thiện dịch vụ công, quy trình hoạch định chính sách và thu hút đầu tư tư nhân. AI có thể là giải pháp cho một số thách thức này nếu có môi trường thuận lợi và phù hợp. Các doanh nghiệp và thành phố thông minh sẽ có cơ hội thành công nếu biết cách nắm bắt AI. Ba yếu tố chính đảm bảo thành công của AI cho Thành phố bao gồm: đặt kỳ vọng một cách rõ ràng và thực tế về các lĩnh vực và cách thức áp dụng AI; đảm bảo môi trường thuận lợi cho AI thành công trên thực tế, đặc biệt liên quan đến vấn đề truy cập và tích hợp dữ liệu cần thiết để giải quyết các thách thức của thành phố; cần đảm bảo rằng chúng ta hiểu và quản lý mọi rủi ro chính liên quan đến AI.
NASATI
chí minh, ngân hàng, thế giới, phối hợp, tổ chức, hội thảo, quốc tế, kinh nghiệm, nghiên cứu, ứng dụng, trí tuệ, nhân tạo, khuyến cáo, mục tiêu, thực hiện, chương trình, xây dựng, giai đoạn