Hội thảo “Kết nối các nguồn lực thông tin KH&CN quốc tế phục vụ thương mại hóa kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp”
Cập nhật vào: Thứ sáu - 03/05/2019 16:12 Cỡ chữ
Ngày 03/5/2019, tại Hà Nội, Cục Thông tin khoa KH&CN quốc gia phối hợp với Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) tổ chức Hội thảo “Kết nối các nguồn lực thông tin KH&CN quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp”.
TS. Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, phát biểu khai mạc Hội thảo
Tham dự Hội thảo có TS Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia; GS Masaaki Tanaka, Đại học Tokyo, Nhật Bản; GS Trần Đặng Xuân, Đại học Hiroshima, Nhật Bản; GS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu Toán Cao cấp Việt Nam; TS Lê Hoài Quốc, Khu Công nghệ cao Sài Gòn; các nhà khoa học trẻ thuộc Mạng lưới học thuật Việt Nam tại Nhật Bản; lãnh đạo, đại diện cho các doanh nghiệp, Tập đoàn Vingroup, CMC, FPT, Công ty Tiến Nông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Đắc Hiến đánh giá cao nỗ lực hợp tác của các Trường Đại học Nhật Bản, sự tâm huyết của các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực KH&CN, và những nỗ lực vì sự phát triển của KH&CN Việt Nam của các nhà khoa học trẻ và các doanh nghiệp. Theo TS. Trần Đắc Hiến, thông tin KH&CN luôn là yếu tố quan trọng phục vụ nghiên cứu khoa học và hoạch chính sách của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Hội thảo được tổ chức với kỳ vọng tạo ra sự kết nối giữa các nhà khoa học của Nhật Bản với giới khoa học và các doanh nghiệp Việt Nam, phục vụ thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Nội dung của chương trình tập trung vào 4 chủ đề lớn gồm trí tuệ nhân tạo, vi mạch, thành phố thông minh và nông nghiệp công nghệ cao. Đây là một bước tiến quan trọng cho sự hợp tác và phát triển KH&CN Việt-Nhật, đồng thời là một cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng như trong khu vực, mở ra một tương lai mới cho ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất.
Quang cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các diễn giả đã trình bày một số tham luận: Điện tử học spin- Hướng đi mới của điện tử và công nghệ thông tin; Xây dựng thành phố thông minh tại Hồ Chí Minh; Phát triển chuyển đổi số - Kết nối trường đại học và ngành công nghiệp tại Việt Nam; Sử dụng nông nghiệp công nghệ cao để cải thiện thu nhập của nông dân ở Việt Nam; Nông nghiệp công nghệ cao (Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp công nghệ cao; Thực phẩm Việt Nam và xử lý phụ phẩm tôm ở Việt Nam; và Nông nghiệp công nghệ cao từ quan điểm của doanh nghiệp)…
GS Masaaki Tanaka (Đại học Tokyo, Nhật Bản) trình bày tham luận tại Hội thảo đề cập tổng quan những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực điện tử học và chất bán dẫn sắt từ và triển vọng trong tương lai
Về việc xây dựng Thành phố thông minh tại TP HCM, theo TS. Lê Hoài Quốc, Khu công nghệ cao Sài Gòn, phát triển thành phố thông minh hiện đang được coi là phát triển chiến lược quan trọng tại TP HCM nhằm đạt được sự phát triển bền vững và cải thiện mức sống của người dân. TS. Lê Hoài Quốc đã đề xuất về các nhu cầu liên quan đến kiểm soát lũ lụt, giao thông thông minh, an toàn môi trường, y tế thông minh, an toàn thực phẩm và an ninh là những vấn đề quan trọng nhất ở TP HCM. Tại Hội thảo, TS. Lê Hoài Quốc giới thiệu về những khu đô thị đổi mới bao gồm Quận 2, Quận 9 và huyện Thủ Đức là cơ sở để phát triển thành phố thông minh tại TP HCM và giới thiệu các hoạt động gần đây về phát triển công nghệ Micro-Electro-Mechanical Systems (MEMS) với các ứng dụng của nó cho thành phố thông minh tại Khu công nghệ cao Sài Gòn - một trung tâm cốt lõi của khu đô thị đổi mới.
Liên quan đến chủ đề phát triển trong chuyển đổi kỹ thuật số - Kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp tại Việt Nam, GS. Hồ Tú Bảo (Học viện Toán cao cấp Việt Nam) đã đưa ra phương pháp giải quyết một số vấn đề về phát triển của Việt Nam, chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt là cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ số và nguồn nhân lực. Đồng thời GS. Hồ Tú Bảo đã chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm về sự hợp tác giữa các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Một chủ đề lớn khác cũng được bàn thảo tại Hội thảo là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để cải thiện thu nhập của nông dân ở Việt Nam. Theo GS. Trần Đăng Xuân (Đại học Hiroshima, Nhật Bản), năm 2017, đóng góp của nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp ở Việt Nam vào GDP của cả nước là 15,34%, nhưng dân số trong lĩnh vực này chiếm hơn 40%. Cả hai con số này được dự đoán sẽ giảm trong một tương lai gần. Rõ ràng, cần hướng tới nông nghiệp công nghệ cao và phát triển chuỗi giá trị để giảm chi phí, tăng sản lượng và đạt chất lượng sản phẩm tốt hơn tại Việt Nam. Hiện tại, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã đóng góp khoảng 25% tổng giá trị nông sản, đó là một cơ hội đáng kể cho sự tăng trưởng. Mặc dù nhiều nỗ lực đã được dành cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhưng rất ít sản phẩm từ nông nghiệp của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cần tăng số lượng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học và công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến bằng cách cải thiện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ các quốc gia có kinh nghiệm như Israel, Nhật Bản và Hàn Quốc, điều này sẽ giúp Việt Nam sản xuất được nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao hơn.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nông nghiệp công nghệ cao cũng đang là xu hướng đáng quan tâm. TS. Đặng Quốc Thuyêt (Tổ chức nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm quốc gia, Nhật Bản) cho biết sự phát triển của AI đã mang lại cơ hội lớn cho sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao. Tại Hội thảo, TS. Đặng Quốc Thuyết đã giới thiệu ngắn gọn về ứng dụng của các thuật toán AI để giải quyết các vấn đề, sử lý môi trường, ứng dụng cho máy móc nông nghiệp thông minh. Các nghiên cứu điển hình bao gồm đánh giá phân tích đa biến về chất lượng sản phẩm nông nghiệp và học sâu (Deep learning) cho thị giác máy tính (Computer Vision) đối với robot nông nghiệp thông minh trong công nghệ sau thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tiên Nông, nông nghiệp công nghệ cao là một phương thức canh tác, không phải mục tiêu của ngành nông nghiệp. Mục tiêu của ngành nông nghiệp xuyên suốt là sản xuất ra nông sản năng suất cao, chất lượng tốt, bảo vệ môi trường, cân bằng xã hội – đó cũng là nội hàm của khái niệm phát triển bền vững. Do đó, lựa chọn công nghệ để áp dụng trong sản xuất nông nghiệp phải dựa trên mục tiêu phát triển bền vững và thực tế của từng khu vực để triển khai một cách phù hợp, đồng bộ, tránh những hiện tượng phát triển ồ ạt theo phong trào hoặc cách hiểu từng phần về nông nghiệp công nghệ cao như hiện nay dễ dẫn đến những tác động tiêu cực không mong muốn.
Hội thảo cũng là dịp để một số tổ chức nghiên cứu tại Nhật Bản và Việt Nam giới thiệu các nguồn lực về thông tin KH&CN và đổi mới sáng tạo, đồng thời công bố các kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh và nông nghiệp công nghệ cao của các nhà khoa học trẻ người Việt Nam đang làm việc và học tập tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, các công ty công nghệ tại Nhật Bản. Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp các giải pháp hữu ích cho nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Mong muốn của VanJ là đưa nguồn lực tri thức trẻ người Việt đang học tập và làm việc tại Nhật Bản, đưa công nghệ và kinh nghiệm Nhật Bản về Việt Nam. Thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức tin tưởng mối quan hệ hợp tác giữa NASATI với VANJ và các Tập đoàn, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam sẽ có những bước tiến mới trong thời gian tới.
Đ.T.V (NASATI)