Giúp sinh viên tự chế tạo vệ tinh
Cập nhật vào: Thứ tư - 20/02/2019 11:13 Cỡ chữ
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ phối hợp cùng các trường đại học giúp sinh viên chế tạo vệ tinh siêu nhỏ tại trường, thay chỉ vì chỉ dạy lý thuyết là chính như hiện nay. Đây cũng là hướng đào tạo về công nghệ vũ trụ ở nhiều trường đại học thế giới.
Đội FIMO đến từ trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội giới thiệu vệ tinh do các bạn tự chế tạo trong cuộc thi Cansat năm 2017 của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam
Sinh viên chế tạo vệ tinh 1 kg
Ý tưởng trên đang được Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội bàn bạc tìm cách triển khai.
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), để có thể phát triển công nghệ vũ trụ - biểu tượng sức mạnh công nghệ cao của mỗi quốc gia, Việt Nam cần đội ngũ cán bộ trình độ cao. Những năm qua, VNSC chú trọng đào tạo nhân lực thông qua việc cử các đoàn cán bộ học tập tại Nhật Bản, chính là đội ngũ lần lượt chế tạo vệ tinh PicoDragon, MicroDragon. Tuy nhiên, đội ngũ này còn khá mỏng so với yêu cầu phát triển của ngành công nghệ mới mẻ này.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn chia sẻ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói, vũ trụ là một trong năm không gian (cùng với đất, nước, trời, không gian mạng) chúng ta cần chiếm lĩnh. Muốn chiếm lĩnh không gian vũ trụ trong 10-20 năm tới không có cách nào khác là phải phát triển công nghệ vũ trụ, trong đó đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực.
“Công nghệ vũ trụ không giống như các ngành khác. Ngành này đòi hỏi sự đầu tư dài hạn với kinh phí lớn, tầm nhìn chiến lược. Chúng ta đang có nền tảng nhất định để thúc đẩy công nghệ vũ trụ. Vì vậy không nên bỏ lỡ cơ hội này”, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC).
Hiện nay, công nghệ vũ trụ được một số trường đào tạo song mới dừng ở mức bộ môn, chưa phải ngành đào tạo chính. Việc đào tạo vẫn tập trung nhiều ở lý thuyết mà chưa có thực hành do thiếu nhân lực và cơ sở hạ tầng. Để đào tạo sinh viên chế tạo vệ tinh, mấy năm qua, VNSC tổ chức cuộc thi Cansat (cuộc thi chế tạo vệ tinh trong vỏ lon nước) dành cho đối tượng học sinh, sinh viên. Ở cuộc thi này, các em có cơ hội tìm hiểu về quy trình chế tạo vệ tinh, được hướng dẫn và thực hành thiết kế, chế tạo, và thử nghiệm vệ tinh Cansat.
Vệ tinh Cansat của các đội tham gia sẽ được đưa lên độ cao khoảng 200m bằng tên lửa mô hình sử dụng nhiên liệu rắn, rồi thả ra để thu thập dữ liệu, truyền về trạm mặt đất. Cuộc thi là cơ hội để sinh viên bước đầu làm quen với công nghệ vũ trụ, làm quen với việc quản lý các dự án phát triển thiết bị không gian và khuyến khích sinh viên phát triển các ý tưởng nghiên cứu khoa học. Dù vậy, theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, việc làm cansat mới chỉ là bước tiếp cận với công nghệ vệ tinh ở mức sơ khai. Để đào tạo sinh viên không cách nào tốt hơn là tạo cơ hội cho các em được làm vệ tinh. Đây cũng là hướng đào tạo tại nhiều trường đại học danh tiếng thế giới.
“Khi kết hợp với các trường, chúng tôi đặt mục tiêu không chỉ dạy mà phải làm ra sản phẩm. Đội ngũ cán bộ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, những người được đào tạo bài bản tại Nhật Bản, có thể làm chủ công nghệ vệ tinh 50kg sẽ là những người hướng dẫn sinh viên. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam hoàn toàn tự tin có thể chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm làm vệ tinh 1kg, 5kg, 10kg tại các trường đại học”, PGS Phạm Anh Tuấn chia sẻ. Ông cho biết thêm, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang đề xuất và tìm kiếm nguồn kinh phí để thiết kế, chế tạo một vệ tinh 50kg nữa ở Việt Nam.
Việt Nam cần chiến lược phát triển vũ trụ đến 2050
Nói về những khó khăn trong đào tạo, PGS.TS Phạm Anh Tuấn chia sẻ, Việt Nam đang thiếu một chiến lược phát triển vũ trụ dài hơi. Ở những quốc gia có công nghệ vũ trụ phát triển như Mỹ, Nhật Bản, người ta đặt ra chiến lược phát triển vũ trụ kéo dài hàng chục năm, ở giai đoạn này thì làm gì, giai đoạn sau làm gì. Việt Nam mới có chiến lược đến 2020, sau năm nay, chúng ta chưa có lộ trình phát triển tiếp như thế nào.
Vì chưa có lộ trình phát triển, tương lai chưa rõ ràng nên ngành này chưa thu hút được sinh viên. Chính những cán bộ được đào tạo bài bản ở Nhật Bản, những người nắm giữ công nghệ vệ tinh của Việt Nam cũng cảm thấy lo lắng. Khi có chiến lược rõ ràng, chúng ta sẽ quay trở lại để tập trung vào đào tạo bao nhiêu, đào tạo như nào.
Sau phóng vệ tinh MicroDragon, có thể coi Việt Nam đang thuộc nhóm những nước đứng đầu ASEAN về công nghệ chế tạo vệ tinh. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, chúng ta còn đi rất chậm và kém rất xa. Để làm được một vệ tinh siêu nhỏ như NanoDragon, là vệ tinh thuộc lớp nano, có khối lượng khoảng 4-6 kg ở Việt Nam, từ lúc lên ý tưởng đến khi được phê duyệt, thiết kế, chế tạo thử nghiệm và phóng lên vũ trụ phải mất đến gần chục năm. Nếu xây dựng chiến lược 10-20 năm, có khi chỉ kịp làm một - hai vệ tinh là kết thúc, khó thúc đẩy ngành công nghệ vũ trụ phát triển. “Ứng dụng của vệ tinh có những cái nhìn thấy ngay được, có những cái không nhìn thấy được nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng”, ông Tuấn nói.
Nguồn: Báo Tiền Phong