ĐH Bách khoa Hà Nội mở ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo: Tạo cái lõi thông minh của các hệ thống
Cập nhật vào: Thứ sáu - 09/08/2019 00:19 Cỡ chữ
Năm học 2019-2020, lần đầu tiên ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo.
PGS.TS Tạ Hải Tùng tại lễ công bố sự kiện AI4VN, Bộ KH&CN, Hà Nội, 31/7/2019. Ảnh: techsignin.com
Ông Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, trả lời phỏng vấn của báo Khoa học và Phát triển về triển vọng của ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo ở Việt Nam và sự chuẩn bị của ĐH Bách khoa Hà Nội về chương trình cũng như cơ sở vật chất cho ngành học mới mẻ này.
Một nỗ lực chuẩn hóa tên gọi các ngành đào tạo
- Xin ông cho biết, vì sao ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định mở ngành mới Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo (KHDL&TTNT)? Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu nhân lực đối với ngành mới này ở Việt Nam hiện nay?
Hiện nay, thế giới đang diễn ra quá trình Chuyển đổi số (Digital transformation) một cách quyết liệt, theo đó mọi tổ chức trong xã hội cần phải tiến hành số hóa, tự động hóa và thông minh hóa. Chuyển đổi số đã không còn là một lựa chọn, mà là một yêu cầu bắt buộc, sống còn để nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm dịch vụ ngày càng tốt hơn, và cuối cùng nâng cao hiệu quả cạnh tranh không chỉ cho tổ chức mà cho cả đất nước. Và có thể nói rằng, KHDL&TTNT là một trong những công cụ quan trọng nhất của quá trình Chuyển đổi số, góp phần chủ yếu tạo ra cái lõi thông minh của các hệ thống.
Ngay tại Việt Nam, các ứng dụng của KHDL&TTNT đã len lỏi vào đời sống hằng ngày, dù ta có thể nhận ra hay không, ví dụ như lọc thư rác, gợi ý mua hàng hóa khi mua bán trực tuyến, gợi ý đặt phòng khi du lịch, lên lộ trình khi tham gia giao thông, dịch tự động, nhận dạng tiếng nói, chữ viết v.v...
Nhưng KHDL&TTNT còn có tiềm năng phát triển nhiều hơn nữa, tham gia sâu hơn vào mọi mặt của đời sống từ nông nghiệp đến công nghiệp, từ giáo dục đến y tế, từ giao thông đến tài chính/ngân hàng... Chính vì vậy, ngành KHDL&TTNT tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới sẽ một triển vọng tươi sáng, và ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ở Việt Nam, Viện John von Neumann của ĐH Quốc gia TPHCM đào tạo thạc sĩ về Khoa học Dữ liệu từ năm 2014. Năm 2018, chương trình cử nhân về Khoa học Dữ liệu của trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐH Quốc gia TPHCM và chương trình thạc sĩ của trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu khởi động.
Để phát triển ngành này, ngoài vấn đề công nghệ, hạ tầng tính toán, thì không thể không nhắc tới đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là lý do tại sao năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định mở ngành KHDL&TTNT theo định hướng đào tạo tinh hoa - Elitech - với kỳ vọng tạo ra các thủ lĩnh công nghệ (techleader), những người không những có thể bắt kịp công nghệ thế giới, mà còn đủ tiềm năng dẫn dắt sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam
- Được biết, bên cạnh mở ngành mới KHDL&TTNT, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng không còn tuyển sinh mã ngành Công nghệ thông tin nữa. Xin được hỏi, sự thay đổi này có tạo ra những xáo trộn gì trong công tác tuyển sinh không, chẳng hạn như gây sụt giảm đầu vào?
Đúng là năm nay liên quan đến lĩnh vực rộng Công nghệ thông tin và Truyền thông nói chung, chúng tôi chỉ tuyển sinh 3 ngành: Khoa học Máy tính, Kỹ thuật Máy tính, và Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo. Việc thay đổi này là để chuẩn hóa và bắt nhịp với các thuật ngữ phổ quát trên thế giới.
Đa phần các đại học lớn trên thế giới hiện đang cung cấp các chương trình đào tạo theo định hướng của 3 ngành này, trong khi, ngành nghề Công nghệ thông tin (Information Technology - IT) trong quan điểm phổ biến của thế giới là nghề mang tính kỹ thuật viên, quản trị và vận hành hệ thống. Các ngành nghề liên quan đến phát triển phần mềm, xây dựng hệ thống thông tin, an toàn thông tin, hệ nhúng, mạng máy tính, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… không nằm trong ngành nghề IT, mà được phân ra thuộc 3 ngành như tôi đã đề cập ở trên.
Ngành nghề của sinh viên khi tốt nghiệp nếu chuẩn hóa theo tên gọi phổ quát trên thế giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các em làm việc ở nước ngoài, cũng như học tiếp lên cao theo các chương trình sau đại học ở các nước tiên tiến. Chính vì vậy, năm nay chúng tôi đã quyết định chuẩn hóa tên gọi các ngành đào tạo.
Sự thay đổi này có gây lúng túng một chút cho các thí sinh, vốn dĩ đã quá quen thuộc với cụm từ “công nghệ thông tin”, tuy nhiên, chúng tôi đã rất chủ động qua nhiều kênh kịp thời tư vấn và giải đáp thắc mắc của các em. Và tình hình hiện tại rất khả quan, qua số liệu đăng ký mà chúng tôi nắm được, hầu hết các em đã hiểu và lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực và đam mê của mình.
Chất lượng quan trọng hơn số lượng
- Sinh viên ngành KHDL&TTNT sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng gì và khi ra trường, các em sẽ phù hợp với những công việc nào, thưa ông?
Về cơ bản, KHDL&TTNT không phải là một lĩnh vực mới. Trước đây, lĩnh vực này nằm trong ngành Khoa học Máy tính, và đã được ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo từ vài chục năm. Tuy nhiên, trong khoảng một thập kỷ trở lại đây khi năng lực tính toán của các hệ thống, thiết bị phát triển nhanh chóng, các kỹ thuật/công nghệ xử lý dữ liệu và trí tuệ nhân tạo có các bước đột phá cơ bản, và đặc biệt sự phổ biến của các hệ thống IoT, cùng sự gia tăng chóng mặt của các tài nguyên số hóa… đã tạo ra nguồn dữ liệu khổng lồ, tất cả các yếu tố này dẫn đến sự phát triển “bùng nổ” của lĩnh vực KHDL&TTNT, đưa lĩnh vực này đủ sức đứng riêng, và dần tách khỏi Khoa học Máy tính để hình thành một ngành mới.
Học về KHDL&TTNT, các em sẽ được cung cấp các kiến thức chuyên ngành về Toán, về các kỹ thuật/công nghệ xử lý dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (xử lý ngôn ngữ tự nhiên, biểu diễn tri thức, suy luận tự động, học máy/học sâu, thị giác máy tính, robot…), cũng như các kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành trong một số lĩnh vực (phân tích tài chính, kinh doanh…) để có thể trở thành các nhà khoa học dữ liệu (data scientist) tương lai.
Sinh viên công nghệ thông tin ĐH Bách khoa Hà Nội thử nghiệm Robot do các em thiết kế. Ảnh: soict.hust.edu.vn
Triển vọng nghề nghiệp của các data scientist hiện tại được đánh giá rất tươi sáng. Các chuyên gia này có thể tự phát triển các hệ thống xử lý dữ liệu, và trí tuệ nhân tạo, nhưng cũng có thể làm việc sâu về nghiệp vụ tại các tổ chức như: bộ phận phân tích kinh doanh, đánh giá hành vi của khách hàng, tối ưu tổ chức dựa trên dữ liệu…
- Tại cuộc họp báo công bố sự kiện AI4VN mới đây, ông cho biết 40 sinh viên của khóa đầu sẽ được chọn từ khoảng 900 hồ sơ. Theo ông, mức cạnh tranh đầu vào này nói lên điều gì?
Đối với một chương trình mới, chúng tôi chỉ tuyển khoảng 40 em để đảm bảo chất lượng, và với gần 900 hồ sơ đã đăng ký thì phải nói đây là một thành công ngoài mong đợi. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của các thí sinh đối với một lĩnh vực mới mẻ và nhiều tiềm năng phát triển.
- Bên cạnh đào tạo chương trình tiến tiến, ĐH Bách khoa Hà Nội có ý định tổ chức chương trình đào tạo chuẩn ở ngành KHDL&TTNT không?
Do KHDL&TTNT là ngành khá đặc thù, nhu cầu nguồn nhân lực sẽ cần các chuyên gia sâu hơn là số lượng, vì vậy, ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định đào tạo theo chương trình Elitech, với định hướng đào tạo tinh hoa: chương trình cập nhật, dạy bằng tiếng Anh, với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Đặc biệt, sinh viên được học thông qua trải nghiệm, học thông qua giải quyết vấn đề, tham gia vào các phòng thí nghiệm, làm việc với các thầy cô và nhà khoa học từ sớm.
Tuy nhiên, bên cạnh các chương trình Elitech, Trường vẫn duy trì và phát triển các chương trình đào tạo chuẩn, theo các ngành rộng hơn.
Trường hiện đang có định hướng đào tạo tích hợp 4+1.5, nghĩa là dừng ở 4 năm các em sẽ có bằng cử nhân (sẵn sàng để làm việc), nhưng nếu học tiếp một năm rưỡi chuyên sâu trong các chương trình thạc sĩ khoa học, các em sẽ nhận bằng Thạc sĩ. Và một lựa chọn theo đuổi ngành KHDL&TTNT đối với các ngành chuẩn của Trường là các em có thể lựa chọn tích hợp Thạc sĩ KHDL&TTNT để trở thành các data scientist.
- Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông đã chuẩn bị nhân lực, chương trình và cơ sở vật chất như thế nào cho việc mở ngành học mới này?
Với định hướng Elitech như đề cập ở trên, chúng tôi đã cập nhật chương trình hiện đại, được chủ trì xây dựng bởi GS Hồ Tú Bảo - một chuyên gia rất uy tín trên thế giới về lĩnh vực này. Chương trình cũng có sự góp sức của các nhà khoa học uy tín khác ở trong và ngoài nước, cũng như sự tham gia của các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo đến từ khối doanh nghiệp.
Tới đây, tham gia vào giảng dạy sẽ có sự giúp sức của các giáo sư, nhà khoa học không chỉ giới hạn trong trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mà còn đến từ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán, các trường đại học lớn trên thế giới có hợp tác lâu dài với Viện… Viện cũng đang xúc tiến ký thỏa thuận đào tạo song bằng (double-degree) với một số trường đại học uy tín trên thế giới để các em sinh viên có cơ hội học chuyển tiếp tại châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản… lấy bằng của cả 2 trường, và tạo ra cơ hội phát triển rộng mở.
Ngoài ra, từ nhiều năm nay, Viện đã xây dựng và duy trì một hệ thống hàng chục phòng lab với các chủ đề nghiên cứu liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực, cũng như đang cùng với Trường vận hành các hệ thống siêu máy tính, máy tính song song với năng lực tính toán hàng đầu Việt Nam và khu vực, và không thể không kể tới đội ngũ hàng chục tiến sĩ, nhà khoa học trẻ vừa trở về từ các nước tiên tiến, những người luôn tận tụy và hết lòng vì sinh viên.
Với tất cả các nền tảng vững chắc từ chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, và đặc biệt con người, chúng tôi tự tin sẽ cung cấp cho các em một chương trình đào tạo có chất lượng hoàn toàn tương đương các nước trong khu vực.
- Đào tạo các “global citizen” là một sứ mệnh lớn lao của trường đại học
Cũng tại lễ công bố sự kiện AI4VN, ông còn cho biết, mới đây, một công ty về năng lượng tái tạo của Nhật Bản đến Viện của ông, ban đầu chỉ định tuyển 2 kỹ sư phát triển sản phẩm trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong vận hành mạng lưới điện thông minh nhưng rốt cuộc đã tuyển được tới 12 kỹ sư với mức lương 6.000 USD/tháng. Ông có coi đào tạo cho nước ngoài sử dụng là chảy máu chất xám không?
Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng đào tạo ra các “global citizen” (công dân toàn cầu) là một trong những sứ mệnh lớn lao của trường đại học. Thế giới phẳng, thế giới hội nhập, cần con người với những kỹ năng toàn cầu, và nếu chất lượng đào tạo của chúng ta đủ tốt để các em có thể đến được mọi nơi trên thế giới phát triển năng lực thì đó là điều rất mừng.
Cũng như chúng tôi trong giai đoạn học tập và làm việc ở nước ngoài trước đây, có đi đâu thì vẫn nghĩ mình là người Việt, vẫn mong muốn đóng góp cho đất nước theo cách này hay cách khác. Và trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, đóng góp cho đất nước không phải chỉ là làm việc ở trong nước. Các em ra ngoài, tiếp cận với công nghệ mới, đặc biệt tác phong, thái độ, kỷ luật và quan trọng nhất là cách tổ chức công việc khoa học ở nước ngoài sẽ là điều rất có ích trong tương lai.
Chúng tôi hiện có chương trình đào tạo kỹ sư CNTT Việt-Nhật (HEDSPI), đến nay đã hơn chục khóa tốt nghiệp, và phải đến hơn 60% các em làm việc ở Nhật và các nước khác. Hiện tại, các em đang phát triển sự nghiệp rất tốt. Nhiều em sau một giai đoạn làm việc ở Nhật đã về Việt Nam mở công ty, kết nối thị trường 2 nước và có các bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự phát triển CNTT ở Việt Nam. Trong đó có thể kể đến một cái tên nổi bật đó là RIKKEI Soft, thành lập từ 2012 và đến giờ đã tạo ra gần 1.000 việc làm, đem lại nguồn thu ngoại tệ không nhỏ cho đất nước.
Trân trọng cảm ơn ông.
Theo KH&PT