Chiến lược nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19: Những giải pháp căn cơ
Cập nhật vào: Thứ hai - 14/06/2021 20:09 Cỡ chữ
Chúng ta có giải pháp nào cho đại dịch trước mắt cũng như chuẩn bị ứng phó cho những nguy cơ đại dịch trong tương lai? Đáp án cho những câu hỏi đó phần nào đã xuất hiện trong những ngày vừa qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 tại Việt Nam ngày 7/6 vừa qua. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chỉ trong vòng vài ngày, hai dấu ấn lớn đã góp phần định hình chiến lược vaccine đại dịch COVID-19 của Việt Nam, đó là sự ra đời của Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 vào tối ngày 5/6/2021 và buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 vào sáng ngày 7/6/2021. Dù chưa thể chắc chắn được thời điểm Việt Nam có thể chặn đứng được đại dịch nhưng ở thời điểm này, chúng ta có thể thấy được cơ sở của thành công, đó là tinh thần chủ động của các nhà phát triển và sản xuất vaccine trong nước; nỗ lực của các nhà quản lý trong tháo gỡ khó khăn; quyết tâm của chính phủ khi tạo dựng một cơ chế mới đầu tư cho phát triển và chuyển giao công nghệ vaccine thông qua Quỹ mới được thành lập…
Sản xuất bằng được vaccine phòng chống COVID-19
Cũng như nhiều quốc gia khác, để thoát khỏi đại dịch, Việt Nam chỉ có một cách làm duy nhất là tiêm chủng và tỉ lệ dân số được tiêm chủng phải là từ 70% mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Do đó, quyết tâm của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp với các nhà khoa học, đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 tại Việt Nam là phải sản xuất bằng được vaccine phòng chống COVID-19 để chủ động đảm bảo an toàn sức khỏe của cho người dân trước sự tấn công của dịch bệnh.
Ở đây, câu chuyện sản xuất vaccine của Việt Nam được chia làm hai nhánh, một là vaccine do các nhà sản xuất trong nước phát triển và sản xuất như Nanogen, Vabiotech, IVAC và Polyvac, hai là vaccine do các công ty trong nước đón nhận chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài và chủ động sản xuất. Đây là giải pháp có phần khác so với năm 2020 với bối cảnh dịch bệnh chưa lâm vào trạng thái thách thức như hiện nay. Khi đó, bên cạnh nỗ lực phát triển vaccine của các nhà sản xuất nội thì các nhà quản lý ngành hướng đến việc đàm phán với các tổ chức quốc tế và các công ty nước ngoài để có thể nhập một lượng lớn vaccine về Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng cấp bách, khó lường của dịch bệnh với các biến thể mới, độ mở của các bản quyền vaccine và khả năng liên kết sản xuất vaccine liên quốc gia đã khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam, có thể tiếp cận được công nghệ. Đây chính là cơ hội để Việt Nam quyết định thúc đẩy sản xuất vaccine bằng chính công nghệ mình đã làm chủ và bằng chính công nghệ có được thông qua liên kết.
Nếu nhìn vào thực tại, cả hai hướng này đều hứa hẹn khả năng cung cấp đủ lượng vaccine cần thiết để Việt Nam đạt được tỉ lệ 70% dân số được tiêm chủng.
Ở hướng thứ nhất là sản xuất vaccine bằng chính công nghệ mình đã làm chủ, hai công ty là Nanogen và IVAC đang tiến về đích, trong đó Nanogen hứa hẹn với việc bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba - giai đoạn quyết định để được Bộ Y tế phê duyệt và cấp phép sử dụng vaccine NanoCovax. Dù chưa từng sản xuất vaccine nhưng với năng lực tích lũy hơn 20 năm về các dược phẩm và sinh phẩm trên công nghệ protein tái tổ hợp, Nanogen đã có được cú bứt phá cần thiết để chủ động tạo ra được NanoCovax. Dù vẫn còn cả một chặng đường nữa mới có thể chứng minh hiệu quả bảo vệ, khả năng sinh miễn dịch trên người tiêm… nhưng ở giờ phút này, Nanogen đã thực sự cảm thấy tự hào về nỗ lực của mình. Trên trang web của công ty, họ đã kịp “khoe” vaccine “made in Vietnam” đã được cập nhật trên cơ sở dữ liệu của WHO.
Một công đoạn sản xuất vaccine NanoCovax. Nguồn: vietnambiz
Dù chậm hơn Nanogen một nhịp nhưng IVAC cũng có những bước tiến vững chắc dựa trên nền tảng công nghệ sản xuất vaccine đại dịch và vaccine cúm mà họ đã làm chủ 10 năm nay. Đó chính là nền tảng để họ chủ động nghĩ đến việc cùng với các đối tác quốc tế trong liên minh hợp tác mà họ tham gia hơn 10 năm qua phát triển và sản xuất vaccine. COVIVAC, sản phẩm mà họ có trong tay với lô thử nghiệm đầu tiên vào cuối năm 2020, cũng đang rất hứa hẹn. Cũng như Nanogen và các nhà sản xuất khác, cách làm của họ thật bài bản và minh bạch: đăng ký với WHO các thông tin về công nghệ, thành phần, liều lượng, cách dùng, số liều, khoảng cách thời gian giữa các liều, các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và tiền lâm sàng…; cập nhật kết quả thử nghiệm lâm sàng trên ClinicalTrials.gov - một trang web do Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ thuộc Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ điều hành.
Ở hướng thứ hai là tiếp nhận công nghệ của nhà sản xuất nước ngoài, liên kết sản xuất, các công ty Việt Nam cũng đang ở thế chủ động. Vào cuối năm 2020 - thời điểm chưa có chủ trương của chính phủ, Polyvac đã tính đến trường hợp này khi vừa song song với việc phát triển vaccine COVID-19, vừa liên hệ với Quỹ Đầu tư trực tiếp (DIRF) và Viện Gamalaya Nga - nơi nghiên cứu và sản xuất vaccine Sputnik V, để đi đến khả năng phối hợp sản xuất, nhập khẩu và phân phối vaccine này tại Việt Nam, theo thông tin họ cung cấp với báo chí. Sự nhanh nhạy của Polyvac đã đem lại cho họ một nước đi thông minh: tháng 12/2020, họ đã ký thỏa thuận với Nga và được ủy quyền đăng ký, nhập khẩu, phân phối vaccine Sputnik V tại Việt Nam; sản xuất vaccine Sputnik V và xuất khẩu. Giờ đây, cùng với VABIOTECH - một đối tác mới của DIRF tại Việt Nam trong việc gia công đóng gói vaccine Sputnik V để xuất khẩu kể từ tháng bảy tới, Polyvac đang trở thành nơi có thể cung cấp vaccine COVID cho người dân Việt Nam.
Chuẩn bị năng lực cho tương lai
Qua nhiều cuộc trao đổi với các nhà nghiên cứu và các nhà sản xuất vaccine ở Việt Nam, có thể thấy một điều, đó là sau đại dịch này, nguy cơ về những loại bệnh truyền nhiễm bất cứ lúc nào cũng có thể bùng phát thành dịch trong tương lai. “Có thể thấy từ năm 1918 đến nay, thế giới đã trải qua bốn đại dịch cúm kinh hoàng”, PGS. TS Lê Văn Bé (IVAC) cho biết.
Nguy cơ rủi ro trong tương lai cũng từng được Tổ chức Liên chính quyền về nền tảng chính sách khoa học cho đa dạng sinh học và sinh thái (IPBES), Liên Hiệp Quốc, nhận định qua một báo cáo do 22 chuyên gia hàng đầu trên thế giới thực hiện và công bố vào tháng 10/2020: ước tính có khoảng 1,7 triệu virus chưa được phát hiện đang tồn tại trên động vật có vú và các loài chim, 540.000-850.000 loại virus trong đó có thể lây nhiễm sang người và gây ra bệnh tật. Các chuyên gia còn thống kê, trung bình mỗi năm có năm loại bệnh mới lây nhiễm từ động vật sang người, và tất cả đều có nguy cơ bùng nổ thành đại dịch.
Ở vị trí một quốc gia nhiệt đới gió mùa, Việt Nam cũng thuộc nhóm các quốc gia có nguy cơ cao bùng phát các bệnh truyền nhiễm, không riêng gì COVID-19 hay cúm gia cầm. Do đó, cách làm căn cơ mà các nhà quản lý hướng đến sẽ không chỉ là những vấn đề hiện hữu của dịch COVID mà còn cả khả năng ứng phó những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Điều gì sẽ làm nên những năng lực ấy, khi ở thời điểm này, chúng ta còn chưa có thể mường tượng được ra một cách rõ ràng những virus nguy hiểm trong tương lai? Các nhà chuyên môn đều cho rằng, họ cần được thực hiện một cách liền mạch các nghiên cứu, các dự án để có thể nắm bắt được những hiểu biết cơ bản về các loại virus, các dịch bệnh do chúng gây ra và những loại dược chất, sinh phẩm có thể giúp con người vượt qua. Những gì mà các nhà nghiên cứu và sản xuất ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Học viện Quân y, Viện Pasteur TPHCM, VABIOTECH, IVAC, Nanogen, Việt Á… có thể làm được trong hai năm 2020 và 2021 là họ đã tích lũy được năng lực trong nhiều năm trời. “Nhiệm vụ lớn nhất của chúng tôi là nghiên cứu để có được hiểu biết về các virus cúm có khả năng gây bệnh cho người và vật nuôi. Để có thể làm được các nhiệm vụ của mình trong đại dịch COVID ở các quy mô như xây dựng chương trình ứng phó, hướng dẫn các tuyến cấp tỉnh, huyện áp dụng theo quy trình đã định, chúng tôi đã học hỏi kinh nghiệm qua các dịch SARS, A/H1N1… cũng như những kiến thức rút ra từ những nghiên cứu dài hơi do Bộ Y tế và Bộ KH&CN tài trợ”, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết.
Quan điểm của họ hoàn toàn trùng khớp với các đồng nghiệp quốc tế. Mei Hong, giáo sư hóa học ở MITvà mới phát hiện ra protein vỏ E của virus SARS-CoV-2 là một kênh đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng tự sao chép của virus và mô phỏng đáp ứng với tổn thương của tế bào vật chủ, cho rằng “ngay cả khi đại dịch kết thúc thì những nghiên cứu như thế này vẫn quan trọng bởi nó giúp xã hội nhận ra và ghi nhớ rằng nghiên cứu khoa học cơ bản về các protein của virus hay vi khuẩn phải được tiếp tục thực hiện một cách đúng đắn. Nhờ đó, chúng ta có thể chuẩn bị cho các đại dịch khác. Nếu chúng ta không làm gì cả thì chi phí về nhân lực và kinh tế sẽ ở mức rất cao”.
Về cơ bản, những gì các nhà khoa học và nhà sản xuất mong chờ cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ. Trong buổi làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống COVID-19, Thủ tướng đã nhấn mạnh đến việc xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine, đồng thời phải có cơ chế, chính sách để tập hợp các nhà khoa học, để họ có động lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vaccine; khuyến khích cả về vật chất và tinh thần để các nhà khoa học duy trì điều này lâu dài, ổn định. Đầu tư cho khoa học chính là giải pháp căn cơ để Việt Nam có thể có đủ năng lực sẵn sàng ứng phó trong tương lai.
Ở vị trí một quốc gia nhiệt đới gió mùa, Việt Nam cũng thuộc nhóm các quốc gia có nguy cơ cao bùng phát các bệnh truyền nhiễm, không riêng gì COVID-19 hay cúm gia cầm. Do đó, cách làm căn cơ mà các nhà quản lý hướng đến sẽ không chỉ là những vấn đề hiện hữu của dịch COVID mà còn cả khả năng ứng phó những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Trong số các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể mà thủ tướng Phạm Minh Chính giao, cho các bộ ngành, đáng chú ý:
Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine; báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thể chế, tài chính, con người, quy trình thử nghiệm, đánh giá và cấp phép vaccine; làm tốt công tác dự báo để cân đối cung cầu, điều tiết về mặt vĩ mô, tránh lãng phí nguồn lực; xây dựng kế hoạch chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 trong thời gian tới.
Bộ KH&CN đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, trong đó có vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ… Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung các cơ chế về tài chính. Các bộ, ngành khác chủ động, tích cực phối hợp hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thanh Nhàn (Báo Khoa học và Phát triển)