Bình Định: Giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ
Cập nhật vào: Thứ ba - 25/06/2019 21:24 Cỡ chữ
Mới đây, tại TP Quy Nhơn, Sở KH&CN Bình Định tổ chức Hội thảo khoa học "Đánh giá trình độ công nghệ, tốc độ đổi mới công nghệ và đề xuất giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Định", trên cơ sở đề tài nghiên cứu của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN. Dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ngành, viện nghiên cứu. Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CNcho biết: Để thực hiện Thông tư số 04/2014/TT-BKHCN của Bộ KH&CN về hướng dẫn, đánh giá trình độ công nghệ sản xuất tại địa phương để tổng hợp, xây dựng cơ sở dự liệu chung toàn quốc. Sở KH&CN đã giao cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thực hiện đề tài "Đánh giá trình độ công nghệ, tốc độ đổi mới công nghệ và đề xuất giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Định".
Báo cáo tại Hội thảo là TS Trịnh Minh Tâm - Phó Viện trưởng Viện đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ KH&CN) với các chuyên đề: Đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ một số nhóm ngành công nghiệp, đề xuất các giải pháp đổi mới công nghệ, Tốc độ đổi mới công nghệ của tỉnh Bình Định, giai đoạn 2015 - 2017 và giới thiệu Cơ sở dữ liệu hiện trạng trình độ công nghệ. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 90 doanh nghiệp thuộc 7 nhóm ngành: nông sản thực phẩm đồ uống, gỗ giấy, may mặc da giày, khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vậtliệu xây dựng, lọc hóa dầu dược phẩm, linh kiện điện tử…Kết quả khảo sát điều tra trong 90 doanh nghiệp thì có 6,5% doanh nghiệp có trang thiết bị công nghệ từ các nước phát triển, 9% doanh nghiệp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn ISO 14001,26% doanh nghiệp có hệ thống quản lý được có chứng chỉ ISO 9001, HACCP, GMP…
Cũng theo nhóm nghiên cứu, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của tỉnh Bình Định giai đoạn (2015-2017) đạt 12,62%, cho thấy Bình Định có tốc độ đổi mới công nghệ tăng so với giai đoạn trước và xấp xỉ so với mặt bằng chung cho cả nước. Chương trình hành động của Tỉnh ủy xác định mục tiêu phấn đấu bảo đảm tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp giai đoạn (2016- 2020) đạt từ 12 đến 15%.
Đề tài nghiên cứu giúp có cái nhìn tổng quan và định hướng cho việc đề xuất, xây dựng chiến lược, khuyến khích các doanh nghiệp có định hướng đúng trong quá trình đổi mới công nghệ, cải tiến dây chuyền công nghệ sản xuất, phát triển sản phẩm mới, góp phần đưa KH&CN thành động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của tỉnh Bình Định.
(Sở KH&CN Bình Định)