Nghiên cứu xây dựng quy định về yêu cầu kỹ thuật đo lường cho các máy đo địa vật lý (địa chấn, xạ và điện) trong điều tra cơ bản địa chất và thăm dò khoáng sản
Cập nhật vào: Thứ hai - 08/06/2020 01:53 Cỡ chữ
Các thiết bị đo địa vật lý là các thiết bị đo lường được thiết kế phục vụ cho công tác đo đạc các trường vật lý cho ứng dụng khảo sát thăm dò địa chất, tìm kiếm khoáng sản. Ở các nước có nền khoa học cơ bản và công nghệ phát triển cao, công tác chế tạo thiết bị đo địa vật lý cũng rất phát triển, đi kèm với việc chế tạo mỗi thiết bị là quy trình công nghệ hiệu chuẩn, kiểm định tương ứng.
Trong lĩnh vực địa chất khoáng sản, từ trước đến nay, công tác hiệu chuẩn máy đo địa vật lý sử dụng trong công tác điều tra cơ bản địa chất và thăm dò khoáng sản được thực hiện trên cơ sở các Tiêu chuẩn ngành về Quy trình kiểm định. Các Tiêu chuẩn này được xây dựng trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước cơ bản phù hợp với các thiết bị địa vật lý do Liên bang Xô Viết (trước đây) và Nga (sau này) sản xuất. Các Tiêu chuẩn ngành này trong các năm qua đã góp phần tốt cho công tác quản lý Nhà nước về đo lường trong lĩnh vực địa chất khoáng sản, đảm bảo chất lượng cho việc áp dụng tổ hợp các phương pháp địa vật lý trong khảo sát địa chất cơ bản, thăm dò tài nguyên khoáng sản, khảo sát địa chất công trình, địa chất môi trường, tai biến địa chất... phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước.
Hiện nay, các máy đo địa vật lý với công nghệ chế tạo từ vật liệu điện tử, công nghệ tin học, truyền thông đã phát triển rất nhanh và tiến xa so với yêu cầu kỹ thuật của các bộ Tiêu chuẩn nghành về kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị đo địa vật lý đang áp dụng. Rất nhiều thiết bị đo địa vật lý mới nhập về nhưng không nhập quy trình, thiết bị kiểm định, hiệu chuẩn tương ứng, cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị được giao kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị đo địa vật lý cũng chưa kịp xây dựng hoặc không đủ trình độ để xây dựng quy trình kiểm định và hiệu chuẩn cho các thiết bị đo này (ví dụ : khí phóng xạ RAD-7, AB-5, máy địa chấn biển, địa chấn đa kênh, rađa xuyên đất...). Hàng năm các đơn vị sử dụng máy phải tiến hành các thủ tục tạm xuất - tái nhập gửi đến nước sản xuất để hiệu chuẩn và kiểm định rất tốn kém.
Do đó việc triển khai đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ xây dựng quy định về yêu cầu kỹ thuật đo lường cho các máy đo địa vật lý trong điều tra cơ bản địa chất và thăm dò khoáng sản" là rất cần thiết. Đề tài được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ quản Liên đoàn Vật lý địa chất cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài KS. Hoàng Hải Hà. Sản phẩm của đề tài là cơ sở quan trọng tin cậy cho cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản và các lĩnh vực khác có liên quan có sử dụng thiết bị đo địa vật lý quản lý, đánh giá chất lượng tài liệu đo đạc.
Đề tài được nghiên cứu với mục tiêu:
- Đánh giá được những bất cập về các yêu cầu kỹ thuật đo lường của hệ thống các quy định về hiệu chuẩn, kiểm định thiết bị đo địa vật lý đang áp dụng trong lĩnh vực địa chất khoáng sản;
- Ban hành được quy định về yêu cầu kỹ thuật đo lường cho các máy đo địa vật lý trong điều tra cơ bản địa chất và thăm dò khoáng sản phù hợp với công nghệ hiện nay.
- Áp dụng thử nghiệm để xây dựng TCVN cho máy đo khí phóng xạ RAD7, máy điện phân cực kích thích ELREC PRO, máy thăm dò địa chấn SERCEL 428LITE
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Mặc dầu khối lượng công việc của Đề tài rất lớn, thời gian thực hiện gặp không ít những khó khăn, nhưng tập thể tác giả đã hoàn thành các hạng mục của công việc được giao: Viết và trình duyệt Đề tài, thu thập tài liệu liên quan đến Đề tài, hoàn thành 46 chuyên đề và hoàn thành 03 hộp tín hiệu điện tử hể hiệu chuẩn các máy thăm dò điện, từ, địa chấn cùng với chương trình phần phần điều khiển. Các phần mềm và hộp tín hiệu này cho phép mở rộng khả năng hiệu chuẩn cho các máy điện, từ, địa chấn có tính năng tương tự.
Tất cả 03 loại máy đo trên đã được đo thử nghiệm, hiệu chỉnh ở trong phòng Kiểm định máy (VILAS-009), đo hiệu chuẩn thử nghiệm với mẫu máy thực tế.
Các dự thảo về yêu cầu kỹ thuật đo lường cho máy đo địa vật lý và dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam về hiệu chuẩn máy đo khí phóng xạ Radon RAD7, máy thăm dò điện đa kênh ElrecPro, máy địa chấn Sercel 428 Lite đã được xây dựng và lấy ý kiến. Quy định về yêu cầu kỹ thuật đo lường cho các máy đo địa vật lý trong điều tra cơ bản địa chất và thăm dò khoáng sản đang được làm thủ tục ban hành.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15323/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)