Nghiên cứu lựa chọn chủng loại máy canh tác phù hợp với đặc tính đất và đặc điểm đồng ruộng sản xuất lúa, màu tại Đồng bằng Sông Hồng
Cập nhật vào: Thứ ba - 02/06/2020 23:50 Cỡ chữ
Hoạt động của máy trên đồng ruộng với số lượng và tần suất càng lớn sẽ làm nhanh quá trình nén chặt nền ruộng, làm thay đổi đặc tính của đất. Quá trình dài sử dụng CGH không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến tầng đất canh tác, nguyên nhân của sự phát triển NN không bền vững. Ngoài nước đã có những nghiên cứu cho thấy sự nén quá chặt tầng canh tác làm giảm đáng kể các tính chất vật lý và độ phì của đất dẫn đến giảm sản lượng cây trồng...
Đồng thời, các điều kiện đồng ruộng cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng làm việc, năng suất, chất lượng của LHM. Việc lựa chọn sử dụng LH máy trên đồng ruộng phù hợp, đặc biệt đối với các khâu công việc nặng nhọc như làm đất, thu hoạch lúa,... không những phát huy hiệu quả CGH cao mà còn duy trì, cải thiện và không gây ra các tác hại làm ảnh hưởng xấu đối với các đặc tính vật lý và cơ lý của đất.
Hiện nay, mức độ trang bị động lực MNN tăng rất nhanh, dự báo tốc độ CGH sản xuất lúa sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới. Cơ giới hóa đã góp phần đảm bảo tính thời vụ khẩn trương, tăng năng suất, chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch... đồng thời cũng có những tác động xấu đến quá trình sản xuất lúa.
Để lựa chọn hệ thống máy phù hợp, một yêu cầu đặt ra là phải biết được điều kiện đồng ruộng, các mối quan hệ, tác động, ảnh hưởng giữa chúng. Các điều kiện đồng ruộng và một số mối quan hệ mối quan hệ này cũng đã được Viện CĐNN&CNSTH nghiên cứu, tuy nhiên kết quả nghiên cứu này không còn phù hợp hiện nay do điều kiện, đối tượng nghiên cứu quá nhiều thay đổi và đặc tính cơ lý tính cũng thay đổi.
Để CNH, hiện đại hóa nền NN như nhiều nước trên thế giới, chúng ta phải xây dựng các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, SPNN mang tính hàng hóa cao. Muốn vậy phải áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thực hiện cơ khí hóa và tự động hóa. Đáp ứng yêu cầu đó, cần thiết phải tổ chức lại sản xuất, quy hoạch cải tạo lại đồng ruộng, điều tra khảo sát xây dựng bộ số liệu mới về đất đai, đồng ruộng, từ đó lựa chọn loại máy phù hợp theo nguyên tắc “đất chọn máy chứ không phải máy chọn đất”. Có như vậy thì CGH mới hiệu quả, bền vững.
Do vậy, việc nghiên cứu về đặc tính đất, điều kiện đồng ruộng để lựa chọn chủng loại máy động lực, máy canh tác phù hợp và đề xuất giải pháp CGH sản xuất lúa, màu theo hướng hiệu quả, bền vững cho hai vùng ĐBSH và ĐBSCL là rất cấp thiết hiện nay. Do điều kiện kinh phí, trước mắt thực hiện cho vùng ĐBSH.
Nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Trịnh Duy Đỗ để thực hiện nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu lựa chọn chủng loại máy canh tác phù hợp với đặc tính đất và đặc điểm đồng ruộng sản xuất lúa, màu tại Đồng bằng Sông Hồng” với mục tiêu: Đánh giá đúng thực trạng về sử dụng máy động lực, máy canh tác, quy trình canh tác, tổ chức sản xuất CGH phục vụ sản xuất lúa, màu; về đặc điểm, quy mô đồng ruộng; về mức độ tác động của quy trình CGH, của biến đổi khí hậu đến độ chai, cứng của nền ruộng đối với các loại đất điển hình ở những điểm khảo sát thuộc vùng ĐBSH; Xây dựng được bộ số liệu về đặc tính đất và đặc điểm đồng ruộng của một số vùng trồng lúa, màu điển hình tại các điểm điều tra; Phân tích đầy đủ, đánh giá đúng về sự phù hợp của chủng loại máy động lực, máy canh tác đối với đặc tính đất, đặc điểm đồng ruộng ở mỗi vùng; Đề xuất được giải pháp CGH sản xuất lúa, màu theo hướng hiệu quả, bền vững.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Thực trạng cơ giới hóa trong canh tác lúa, màu vùng Đồng bằng sông Hồng
- Về trang bị động lực: Bình quân công suất/ha canh tác lúa mới đạt 2,90 Hp/ha. Trong đó máy kéo chủ yếu là cỡ nhỏ (chiếm tỷ lệ 55,3%). Máy móc, thiết bị có nhiều xuất xứ, đa dạng; công nghệ phần lớn lạc hậu; tỷ lệ máy cũ khá cao; hiệu quả sử dụng bị hạn chế.
- Về mức độ cơ giới hóa: Cơ giới hóa mới chủ yếu cho cây lúa và tập trung ở khâu làm đất, tưới, vận chuyển, tỷ lệ CGH các khâu công việc khác chưa nhiều;
- Quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ, có sự khác biệt giữa các vùng, cây trồng, có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển CGH;
- Tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn.
- Chính sách khuyến khích phát triển CGH: chưa đồng bộ, còn tản mạn, chưa kết hợp với nhau tạo thành các gói chính sách. Việc thực hiện các chính sách còn nhiều hạn chế.
- Về điều kiện đồng ruộng: Diện tích lô thửa phần lớn nhỏ hẹp và manh mún; Quy hoạch, cải tạo đồng ruộng chưa tốt...; Nhiều loại đất trên nhiều loại địa hình, nhiều thành phần cơ giới đồng thời cơ lý tính của mỗi loại đất cũng rất khác nhau, phụ thuộc nhau và luôn biến động theo thời tiết, mùa vụ... là những trở ngại không nhỏ để phát triển CGH Tuy nhiên, hiện nay có nhiều nhân tố tác động tích cực đến phát triển CGHNN trong giai đoạn tới, đó là xu thế thúc đẩy phát triển theo quy mô sản xuất lớn: Sự chuyển dịch lao động nông thôn; Tích tụ ruộng đất, tăng quy mô sản xuất…
Ảnh hưởng, tác động quá trình cơ giới hóa và biến đổi khí hậu đến một số tính chất cơ lý đất, độ chai cứng nền ruộng:
Quá trình CGH có ảnh hưởng, tác động đến một số tính chất đất, độ chai cứng nền ruộng. Mức độ ảnh hưởng, tác động của chúng tùy theo loại đất, phương thức làm đất, quy trình làm đất… Biến đổi khí hậu có tác động đến một số tính chất đất, độ chai cứng nền ruộng: làm cho đất bị khô cứng hơn, tuy nhiên diễn ra chậm. Trong phạm vi đề tài, chưa đủ cơ sở để đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến độ chai cứng đất vì để làm được điều này, cần phải được nghiên cứu sâu ở nhiều yếu tố và trong thời gian dài.
Về xây dựng bộ số liệu Đề tài đã xây dựng được bộ dữ liệu về các thông số đặc trưng của tính chất cơ lý đất ở một số vùng điển hình cho 4 nhóm đất chính trồng lúa, màu vùng ĐBSH gồm: Nhóm đất mặn (M), Nhóm đất phèn (S), Nhóm đất phù sa (P) và Nhóm đất xám và đất xám bạc màu (B, X). Giá trị mỗi tính chất của chúng tùy thuộc loại đất, thành phần đất, độ sâu tầng canh tác và thời điểm xác định. Nói chung, khoảng dao động giá trị các cơ lý tính đất rất rộng.
Về xây dựng quy trình CGH và lựa chọn chủng loại máy phù hợp. Đề tài đã xây dựng được quy trình cơ giới hóa một số khâu canh tác sản xuất lúa, màu phù hợp với vùng ĐBSH, cụ thể: Quy trình CGH khâu làm đất; Quy trình CGH khâu gieo trồng và Quy trình CGH khâu thu hoạch Đã lựa chọn được những luận cứ khoa học cho việc lựa chọn hệ thống máy động lực, máy công tác phù hợp với đặc tính đất, đặc điểm đồng ruộng sản xuất lúa, màu ở vùng ĐBSH. Các phương pháp trên đã được kiểm chứng với điều kiện đất đai, kích thước lô thửa điển hình ở vùng ĐBSH. Các kết quả tính toán lý thuyết đảm bảo độ chính xác cần thiết và phù hợp với nhiều tài liệu khác đã công bố.
Về đề xuất các giải pháp phát triển cơ giới hóa hiệu quả, bền vững cho vùng Đồng bằng sông Hồng Ngoài các giải pháp của các đề tài nghiên cứu chuyên sâu đã đưa ra, đề tài đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm mục tiêu sử dụng hiệu quả CGH một số khâu công việc có khối lượng lớn và nặng nhọc trên đồng ruộng cho vùng ĐBSH là: làm đất, gieo trồng và thu hoạch là: - Giải pháp xây dựng quy trình cơ giới hóa và lựa chọn, ứng dụng công nghệ, thiết bị phù hợp với điều kiện đồng ruộng - Giải pháp về tổ chức quản lý, sử dụng cơ giới - Giải pháp về quản lý, quy hoạch cơ giới hoá.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15320/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)