Nghiên cứu dự báo hạn hán và giải pháp quản lý sử dụng nước hợp lý phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên
Cập nhật vào: Thứ ba - 26/05/2020 05:17 Cỡ chữ
Hán hán là một trong những nguyên nhân chính làm giảm diện tích gieo trồng, giảm năng suất và sản lượng cây trồng, giảm thu nhập của người sản xuất, cũng như tăng giá thành sản xuất và giá cả lương thực; thiếu nước do hạn hán, khiến các nhà máy thủy điện gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành. Việt Nam nằm ở vành đai phía tây của Thái Bình Dương chịu nhiều tác động của các hiện tượng El-Nino và La Nina với gần 3000km bờ biển. Từ nhiều năm nay, ở nước ta đã xảy ra nhiều đợt hạn hán gây ra thiệt hại nặng nề, đe doạ nghiêm trọng tới phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của nhân dân. Khu vực Tây Nguyên hiện có 51.403 ha cây trồng bị thiếu nước và hạn hán (lúa 14.624 ha, cà phê 34.396 ha, cây trồng khác là 2.291 ha). Thiệt hại theo ước tính cũng lên đến nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, còn chưa tính đến các chi phí cho phòng chống hạn như điều tiết nước hồ chứa, làm đập tạm, làm các trạm bơm dã chiến, tiết kiệm nước, thu trữ nước, thực hiện các giải pháp chống hạn khác cùng tiêu tốn của nhà nước và các địa phương từ vài trăm đến nghìn tỷ đồng (MARD 2016). Mặc dù, Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng trong việc thực hiện các giải pháp quản lý hạn nhiều năm qua, tuy nhiên những cố gắng này là chưa đủ để đảm bảo ứng phó có hiệu quả với những tác động trước mắt và tiềm tàng của hạn hán.
Bên cạnh đó, thế giới đã và đang ứng dụng mô hình “quản lý rủi ro” tức là chủ động quản lý hạn hán, thay vì mô hình “quản lý sự cố” thụ động như trước đây, và hiện tại Việt Nam cũng đang dần dần tiếp cận theo phương pháp quản lý này. Vì thế nhu cầu cấp thiết đặt ra là làm sao phải xây dựng được một khung quản lý hạn hán tổng hợp trong đó bao gồm từ cảnh báo, dự báo sớm, xây dựng kịch bản, đánh giá thiệt hại, xây dựng danh sách lựa chọn & ưu tiên các giải pháp tổng hợp giảm thiểu những tác động của hạn hán, và đặc biệt tác động của hạn hán đối với cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do đó nhóm nghiên cứu do ThS. Vũ Hải Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đứng đầu đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu dự báo hạn hán và giải pháp quản lý sử dụng nước hợp lý phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” nhằm tập trung nghiên cứu xây dựng khung quản lý hạn hán tổng hợp cho vùng Nam Trung Bộ và kế hoạch hành động ứng phó cho tỉnh Bình Định và các công cụ hỗ trợ, giám sát, quản lý hạn hán và kiểm kê nguồn nước nhằm chủ động ứng phó và giảm thiểu hạn hán cũng như hỗ trợ điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp với khả năng nguồn nước.
Sau một thời gian triển khai thực hiện (từ 01/2015 đến 06/2017), nhóm nghiên cứu cơ bản đáp ứng được mục tiêu của đề tài với các kết quả nghiên cứu chính đã đạt được như sau:
1. Đề tài đã đề xuất được một Khung quản lý hạn tổng hợp với nội dung bao gồm 4 Hợp phần chính và 10 nhiệm vụ ưu tiên tương ứng với các hợp phần chính của Khung Quản lý hạn hán và các hoạt động tương ứng cung như cơ chế chung phối hợp hành động giữa các đơn vị (ở các cấp Trung ương và địa phương) liên quan trong từng giai đoạn của hạn hán.
2. Đề tài đã đề xuất được Kế hoạch hành động ứng phó với hạn hán của tỉnh Bình Định với nội dung bao gồm:
+ Kế hoạch hành động hằng năm nhằm ứng phó với hạn hán với các hoạt động ứng phó theo từng giai đoạn (trước, trong và sau hạn hán) tương ứng với từng cấp độ RRTT do hạn hán (4 cấp độ) và trách nhiệm của các bên liên quan;
+ Các nhiệm vụ ưu tiên trung và dài hạn nhằm quản lý hạn hán với 3 nhóm nhiệm vụ chính và các hoạt động tương ứng với từng nhiệm vụ.
+ Đề xuất được các giải pháp tổ chức thực hiện cũng như phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị liên quan của tỉnh Bình Định nhằm quản lý triển khai thực hiện và giám sát có hiệu quả các hoạt động ứng phó, quản lý RRTT do hạn hán trong các lĩnh vực có liên quan đến cấp và sử dụng nước.
+ Đề xuất được Danh mục các công trình thủy lợi cần sửa chữa, nâng cấp và xây mới giai đoạn 2016-2020;
3. Xây dựng, thiết lập và tính toán nhận định khả năng hạn hán theo chỉ số PDSI bằng việc sử dụng mô hình khí hậu vùng (RegCM) với số liệu dự báo khí hậu (CFS), từ đó nhận định nguy cơ hạn hán cho từng tỉnh/thành phố vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên hạn hán.
4. Đã thiết lập được một khung hệ thống nhằm giám sát cả 3 loại hạn: Khí tượng, thủy văn và nông nghiệp đặt trên website tiện cho quản lý, theo dõi và truy xuất số liệu.
5. Các công cụ nền tàng về thủy văn, thủy lực, xâm nhập mặn và cân bằng nước cũng như dự báo mưa đã được xây dựng thí điểm cho tỉnh Bình Định. Các công cụ này đảm nhận nhiệm vụ kiểm đếm nguồn nước với mưa dự báo được cung cấp và đưa ra các kết quả để phân tích và báo cáo.
6. Các công cụ được sử dụng khai thác triệt để số liệu vệ tinh giúp vượt qua khó khăn cả về thời gian và không gian của số liệu quan trắc theo cách thông thường. Sản phẩm giám sát và dự báo mưa dung tích hồ là sẽ là 3 nguồn cung cấp thông tin quan trọng cho hệ thống công trình thủy lợi ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
7. Xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu (website: www.vndroughtportal.com) cung cấp các thông tin, hoạt động hỗ trợ chủ động quản lý hạn hán cho các vùng ở Việt Nam (bước đầu đã áp dụng thí điểm cho tỉnh Bình Định).
Khung quản lý hạn hán tổng hợp đã được xây dựng trên cơ sở khoa học vững chắc, căn cứ vào các luật định, thể chế chính sách liên quan của Việt Nam, tuy nhiên cần phải được triển khai áp dụng vào thực tế tại các địa phương khác để có thể kiểm nghiệm và hiệu chỉnh các nội dung của từng hợp phần chính để đáp ứng được nhiệm vụ cấp bách là ứng phó và giảm thiểu tác động của hạn hán đối với Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15435/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)