Hội nghị tổng kết dự án và trao đổi về phát triển chiếu sáng LED ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 16/12/2019 20:27 Cỡ chữ
Ngày 11/12/2019, Trung tâm Phát triển Công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị tổng kết dự án và trao đổi về phát triển chiếu sáng LED ở Việt Nam. Tham dự hội nghị có nhiều nhà khoa học, các chuyên gia cố vấn, các doanh nghiệp trong ngành Chiếu sáng đã đồng hành với Dự án.
Các nhà khoa học, chuyên gia và các nhà sản xuất tọa đàm về tương lai phát triển của thị trường chiếu sáng LED tại Việt Nam
Công nghệ chiếu sáng LED có thể giảm mức sử dụng năng lượng từ 50% đến 80% so với đèn Florescent (FL), đèn phóng điện cường độ cao (HID) và đèn sợi đốt truyền thống. Điều này góp phần quan trọng để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững cho quốc gia.
Dự án đã hỗ trợ xây dựng và phát triển chính sách, quy định, tiêu chuẩn, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bền vững công nghệ chiếu sáng Led. Lộ trình phát triển ngành công nghiệp chiếu sáng LED tại Việt Nam đến năm 2025 đã được xây dựng và chuyển giao cho các ban, ngành, bộ có liên quan. Đây là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, công phu do một tập thể các nhà khoa học, các nhà sản xuất và khai thác các thiết bị chiếu sáng, các nhà hoạch định chính sách phát triển công nghệ tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến. Lộ trình đã đưa ra những dự đoán về sự tiến bộ của công nghệ LED, sự phát triển của thị trường chiếu sáng LED ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam và các đề xuất nên phát triển công nghệ LED cho chiếu sáng tại Việt Nam. Dự án đã soạn thảo 03 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cho các sản phẩm chiếu sáng LED, đã chuyển giao cho Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam.
Chương trình chứng nhận và dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm chiếu sáng LED do Dự án nghiên cứu, đề xuất đã được Bộ Công Thương chấp nhận và được Chính phủ công bố tại Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg. Dự án cũng đã cung cấp phần mềm quản lý nhiệt ANSYS Icepak dùng để thiết kế các bộ tản nhiệt và phần mềm thiết kế các bộ nguồn điều khiển cho đèn LED; tổ chức các khóa đào tạo hướng dẫn sử dụng hai phần mềm trên tại các trung tâm R&D và các xưởng sản xuất của hai nhà máy. Đã có 10 Dự án trình diễn hệ thống chiếu sáng LED trong nhà và ngoài trời đã hoàn thành. Theo tính toán, tác động gián tiếp từ hỗ trợ kỹ thuật của Dự án trong 10 năm tới là: Năng lượng tiết kiệm cộng dồn: 150.534 MWh - vượt mức so với chỉ tiêu đặt ra ban đầu 3.000 MWh; lượng giảm khí CO2 cộng dồn : 130.197 ktonnes - vượt mức so với chỉ tiêu đặt ra ban đầu 1.000 ÷ 5.154 ktonnes.
Phát biểu tại Hội nghị, Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Năm 2014, trước dự án LED khởi động, các công ty Việt Nam đã sản xuất chưa tới 1% thị phần đèn LED trong nước và ngày nay họ chiếm 49% thị phần trong nước, với khoảng 15.000 nhà bán lẻ LED được chứng nhận. Điều đó có nghĩa là quá trình chuyển đổi LED mở ra nhiều lợi ích cho chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo bà Caitlin Wiesen, khi chuyển đổi thị trường LED trong nước, nhà sản xuất đèn LED vừa và nhỏ có thể cần hỗ trợ giúp họ đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về tiêu chuẩn sản phẩm. Hỗ trợ kỹ thuật để nâng cấp hệ thống quản lý sản xuất và kinh doanh và cơ sở hạ tầng sẽ là chìa khóa, cũng như các cơ chế tài chính sáng tạo phù hợp với thị trường này.
NASATI