Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133 nền kinh tế
Cập nhật vào: Thứ sáu - 27/09/2024 11:17 Cỡ chữ
Ngày 26/9/2024 tại Geneva (Thụy Sỹ), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024 (Global Innovation Index 2024 - GII) lần thứ 17. Theo đó, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133 nền kinh tế, và được đánh giá là một trong sô ít quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại Lễ công bố GII 2024.
Tổng giám đốc WIPO Darren Tang phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo GII 2024
GII 2024 của WIPO cho thấy hiệu suất đổi mới sáng tạo (ĐMST), xếp hạng ĐMST của 133 quốc gia, cũng như 100 cụm khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới. Chủ đề đặc biệt của năm nay, "Giải phóng tiềm năng của khởi nghiệp/doanh nghiệp xã hội", khám phá mối liên hệ giữa ĐMST và doanh nghiệp xã hội, cũng như tác động mà điều này mang lại cho thế giới của chúng ta.
Khái quát Báo cáo GII 2024
Trong bài phát biểu về GII 2024, ông Daren Tang, Tổng giám đốc WIPO, nhận định năm 2023 là một năm "u ám" với sự suy giảm trong chi tiêu cho R&D, ấn phẩm khoa học và đầu tư vốn mạo hiểm. Ông cảnh báo điều kiện tài chính thắt chặt sẽ cản trở đầu tư ĐMST trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn có "tia sáng" từ những đột phá trong Khoa học kỹ thuật số và Khoa học sâu, cùng với sự cải thiện trong các chỉ số kinh tế - xã hội như giảm nghèo và tăng năng suất lao động. Báo cáo cung cấp một cái nhìn toàn diện về tình hình ĐMST toàn cầu, tập trung vào 4 giai đoạn chính trong chu kỳ ĐMST: đầu tư KH&CN; tiến bộ công nghệ; áp dụng công nghệ; và tác động xã hội - kinh tế của ĐMST.
WIPO cũng nhận thấy sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Indonesia, Brazil, Trung Quốc, và Ấn Độ. Ngoài ra, WIPO nhấn mạnh ĐMST xã hội với 11 triệu doanh nghiệp xã hội toàn cầu, đóng góp 2 nghìn tỷ USD vào GDP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thường nằm ngoài chính sách ĐMST truyền thống. Ông Daren Tang khẳng định GII 2024 đưa ĐMST xã hội vào trọng tâm, giúp giải phóng tiềm năng của lĩnh vực này trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Khái quát xếp hạng GII 2024
Trong bảng xếp hạng GII 2024, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Singapore và Vương quốc Anh đứng đầu. Trung Quốc đứng thứ 11, là nền kinh tế có thu nhập trung bình duy nhất nằm trong top 20. Việt Nam đứng thứ 44, tiếp tục cải thiện vị trí kể từ năm 2013.
Các quốc gia phát triển như Canada, Ireland, Luxembourg tiếp tục thăng hạng, trong khi một số quốc gia thu nhập trung bình như Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng có những bước tiến quan trọng. Đặc biệt, các quốc gia như Ấn Độ và Rwanda tiếp tục dẫn đầu nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, với Việt Nam và Philippines mới gia nhập top 3 của nhóm này.
Một phần quan trọng của Báo cáo là xếp hạng 100 cụm khoa học và công nghệ lớn nhất thế giới. 5 cụm lớn nhất đều nằm ở Đông Á, bao gồm Tokyo-Yokohama (Nhật Bản), Thâm Quyến-Hồng Kông-Quảng Châu (Trung Quốc), Bắc Kinh (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc) và Thượng Hải-Tô Châu (Trung Quốc). Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu với 26 cụm trong top 100, tiếp theo là Hoa Kỳ với 20 cụm và Đức với 8 cụm. Các cụm ở São Paulo (Brazil), Cairo (Ai Cập), Bengaluru và Mumbai (Ấn Độ), Tehran (Iran), Kuala Lumpur (Malaysia) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) là những cụm duy nhất từ các nền kinh tế thu nhập trung bình nằm ngoài Trung Quốc.
Về chỉ số ĐMST 2024 của Việt Nam
Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào ĐMST tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53 (đầu vào ĐMST gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp). Đầu ra ĐMST tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36 (đầu ra ĐMST gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo).
Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 39. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là: Trung Quốc (xếp hạng 11), Malaysia (xếp hạng 33), Thổ Nhĩ Kỳ (xếp hạng 37), Bulgari (xếp hạng 38), và Thái Lan (xếp hạng 41). Còn lại tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các nước có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.
Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam). Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST. Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột 2 về Nguồn nhân lực và nghiên cứu.
Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao, Xuất khẩu công nghệ cao và Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại). Đây là lần đầu tiên chỉ số Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới. Có 3 chỉ số thuộc nhóm 10 quốc gia dẫn đầu thế giới cũng được WIPO đánh giá là điểm mạnh của Việt Nam gồm: Tốc độ tăng năng suất lao động (xếp hạng 3); Số lượng ứng dụng điện thoại thông minh được tạo ra (xếp hạng 7) và Phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải/tổng chi nghiên cứu và phát triển (xếp hạng 9).
Trong GII 2024, Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể. Về hạ tầng, Việt Nam xếp hạng 56, tăng 14 bậc nhờ chỉ số sử dụng năng lượng các-bon thấp (46) và các chỉ số liên quan đến năng lượng khác. Trình độ phát triển thị trường cũng tăng 6 bậc lên 43, với sự cải thiện trong các thương vụ đầu tư mạo hiểm và tín dụng nội địa. Trình độ phát triển doanh nghiệp tăng 3 bậc, đứng đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao. Đầu ra tri thức và công nghệ, Việt Nam xếp hạng 44, với nhiều chỉ số quan trọng tăng hạng, đặc biệt là xuất khẩu công nghệ cao. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cải thiện các chỉ số về thể chế, giáo dục và hạ tầng ICT để phát triển bền vững hơn.
Trong bảng xếp hạng GII giai đoạn 2014-2024, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể. Từ vị trí 71 vào năm 2014, Việt Nam đã leo lên hạng 44 vào năm 2024. Mặc dù thứ hạng này chỉ tăng nhẹ so với vài năm trước (46 vào năm 2023), Việt Nam vẫn giữ vững trong top 50, điều này phản ánh nỗ lực trong việc thúc đẩy ĐMST.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. So với các nước ASEAN khác, Singapore vẫn dẫn đầu, liên tục giữ vị trí cao nhất và đứng thứ 4 vào năm 2024. Malaysia và Thái Lan đều giữ vị trí tương đối ổn định trong nhóm 30-40, trong khi Philippines và Indonesia có sự cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây.
Phát biểu ghi hình tại sự kiện công bố Báo cáo GII 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ĐMST là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của các nước trong quá trình phát triển nhanh và bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong quá trình ĐMST, Việt Nam xác định quan điểm phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, người dân phải thực sự được hưởng thụ thành quả của ĐMST.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo GII 2024
Theo Thủ tướng, ĐMST tác động đến toàn dân, toàn diện và toàn cầu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, vì vậy chúng ta phải có cách tiếp cận toàn cầu, cách tiếp cận toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong quá trình thúc đẩy tiến trình ĐMST. Thủ tướng khẳng định: Việt Nam xác định giáo dục đào tạo, KH&CN là quốc sách hàng đầu trong đó lấy ĐMST, vừa là động lực, vừa là nguồn lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển và góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần thúc đẩy để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng được hạnh phúc và ấm no. Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, trong đó có WIPO cũng như là các nhà khoa học, các chuyên gia đến hợp tác giúp đỡ Việt Nam trong quá trình thúc đẩy ĐMST phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững.
P.A.T (theo GII 2024, WIPO)