Biến đổi khí hậu có thể gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp máu toàn cầu
Cập nhật vào: Thứ hai - 19/05/2025 13:08
Cỡ chữ
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health, biến đổi khí hậu đang đe dọa đến nguồn cung cấp máu an toàn trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sunshine Coast (UniSC) và Hội Chữ thập đỏ Ôxtrâylia nêu rõ các vấn đề về sức khỏe, sự lây lan bệnh truyền nhiễm và thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến khả năng hiến máu của mọi người và đồng thời có thể làm tăng nhu cầu về máu.
TS. Elvina Viennet, đồng tác giả nghiên cứu tại UniSC, nêu rõ điều này đe dọa đến sự an toàn và nguồn cung cấp các sản phẩm máu cứu người quan trọng cho phẫu thuật, chăm sóc chấn thương, quản lý bệnh mãn tính và cứu sống người trong các tình huống khẩn cấp.
TS. Viennet cho rằng: “Nhiệt độ ấm hơn và các thảm họa tự nhiên như nắng nóng, lũ lụt, lốc xoáy và cháy rừng dự kiến sẽ xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Ngoài hạn chế khả năng di chuyển của con người, những sự kiện này còn làm gián đoạn việc lưu trữ, an toàn và vận chuyển máu, vốn có thời hạn sử dụng ngắn. Chúng tôi đã có trải nghiệm gần đây với cơn bão nhiệt đới Alfred ở Ôxtrâylia, khi một sự kiện thời tiết khắc nghiệt lần đầu tiên đã làm giảm đáng kể nguồn cung cấp máu quốc gia”.
Theo PGS. Helen Faddy, một trong số các tác giả, đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét trên quy mô toàn cầu về cách biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến từng giai đoạn của chuỗi cung ứng máu, dựa trên đánh giá toàn diện về các nghiên cứu quốc tế. Trong khi nhiều nghiên cứu đã khám phá những tác động rộng hơn của biến đổi khí hậu đến sức khỏe, nghiên cứu mới tìm hiểu đầy đủ mức độ rủi ro - từ sức khỏe của người hiến tặng và công tác hậu cần thu thập cho đến quá trình xử lý, lưu trữ và phân phối sản phẩm. Những phát hiện này cho thấy biến đổi khí hậu có thể tác động đến một số bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường máu và cản trở mọi người hiến máu.
TS. Faddy chia sẻ: “Ví dụ, dự báo về lượng mưa tăng và nhiệt độ ấm hơn ở một số khu vực nhất định như Ôxtrâylia, có thể làm trầm trọng thêm các bệnh do muỗi lan truyền như sốt xuất huyết, sốt Tây sông Nin và sốt rét, và có khả năng khiến chúng lây lan sang các khu vực mới. Đồng thời, sự thay đổi về tỷ lệ mắc bệnh và tần suất thiên tai sẽ làm tăng nhu cầu truyền máu do các tình trạng như biến chứng khi mang thai, bệnh tim mạch và bệnh hồng cầu hình liềm. Chúng ta cũng có thể gặp khó khăn hơn trong việc tìm đúng loại máu cho bệnh nhân. Trong bối cảnh mực nước biển dâng cao làm tăng tỷ lệ di cư, cần có nhiều người hiến máu từ các dân tộc khác nhau và tăng số lượng người hiến máu". Ngoài ra, tình trạng sức khỏe chưa được xác định rõ và bệnh liên quan đến nhiệt độ, cũng có thể ảnh hưởng đến người hiến tặng, nhân viên và tình nguyện viên.
Nghiên cứu nhấn mạnh nhu cầu giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng máu truyền thống và cần có các chiến lược thích ứng giúp phản ứng nhanh với những thách thức do khí hậu gây ra. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị chính phủ và các dịch vụ cung cấp máu có thể chuẩn bị những công cụ quan trọng như hệ thống cảnh báo sớm, kiểm soát bệnh tật, các biện pháp linh hoạt về tiêu chuẩn hiến máu và vận chuyển máu trong trường hợp khẩn cấp, chuẩn bị bệnh viện và mở rộng các dịch vụ thu gom để có thể vận chuyển máu hiến tặng nhanh chóng.
N.P.D (NASTIS), theo Medicalxpress, 5/2025