Cảm biến sợi quang giúp bệnh nhân không bị lở loét do nằm lâu ngày trên giường
- Thứ sáu - 19/08/2022 02:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bệnh nhân phải nằm trên giường lâu ngày có thể bị lở loét do lực tì đè, từ đó tạo thành các vết loét da mãn tính đe dọa tính mạng. Giờ đây, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Nam Úc đã chế tạo được loại cảm biến mới giúp ngăn chặn tình trạng này bằng cách sử dụng ánh sáng tán xạ.
Cảm biến bao gồm các sợi quang mỏng, giá rẻ được gắn trên bề mặt đệm trải giường. Bệnh nhân chỉ cần nằm trên những sợi quang đó, sẽ cảm thấy dễ chịu hơn so với các thiết bị theo dõi bệnh nhân hiện có đeo trên người và ít vấp phải các vấn đề về quyền riêng tư hơn so với các hệ thống camera giám sát bệnh nhân hiện đang được sử dụng.
Ánh sáng đi vào một đầu của mỗi sợi và đi ra ở đầu kia. Thông qua phân tích cách ánh sáng bị ảnh hưởng khi truyền qua sợi quang, có thể biết một người không di chuyển quá lâu trong một thời gian dài. Hơn nữa, nhịp tim và nhịp thở của bệnh nhân cũng được theo dõi, vì họ tự tạo ra các chuyển động cơ thể nhỏ nhưng có thể phát hiện được.
TS. Stephen Warren-Smith cho biết: "Cảm biến sợi quang chúng tôi đang sử dụng, được thiết kế để khi ánh sáng truyền từ đầu vào đến đầu ra, nó thực sự di chuyển dọc theo nhiều con đường khác nhau bên trong sợi quang. Các con đường này đều có độ dài khác nhau, dẫn đến tạo nên các dạng ánh sáng phức tạp ở đầu ra. Hiệu ứng là do giao thoa quang học, rất giống với dạng đốm mà bạn nhìn thấy khi chiếu con trỏ laser lên tường. Khi sợi quang bị thay đổi về mặt vật lý như uốn cong và kéo dài, đầu ra trông giống vết lốm đốm này thay đổi khá nhanh nên có thể được sử dụng làm cảm biến".
Công nghệ này khi được cải tiến thêm, có thể được dùng để cảnh báo cho y tá về tình trạng một bệnh nhân đã nằm một vị trí quá lâu và cần được lật lại. Ngoài ra, cảm biến còn cung cấp các dấu hiệu quan trọng đang diễn biến xấu đi mà không cần bệnh nhân phải được nối với điện cực, vòng theo dõi hoặc máy thở.
TS. Warren-Smith cho rằng: “Theo dõi các dấu hiệu quan trọng liên tục, không rõ nét thông qua các cảm biến gắn trên đệm, là giải pháp tốt hơn nhiều cho cả bệnh nhân và y tá”. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Biomedical Optics.
N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/medical/optical-fiber-sensors-bed-sores/, 11/8/2022