Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học & công nghệ phù hợp nhằm kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng

Vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là vùng lãnh thổ quan trọng vào bậc nhất của Việt Nam, có mật độ dân số cao nhất và có một vị trí chiến lược đối với việc phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước. Vùng ĐBSH bao gồm 10 tỉnh, thành phố, có tổng diện tích 1.486,2 nghìn ha với dân số trên 18,4 triệu người, trong đó khu vực nông thôn vùng ĐBSH chiếm phần lớn diện tích (92,21% diện tích toàn vùng) với gần 13,8 triệu người (74,88% dân số toàn vùng). Công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSH có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phấn đấu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020 của Việt Nam. Mặc dù khu vực nông thôn vùng ĐBSH chiếm phần lớn diện tích, dân số toàn vùng và kinh tế nông nghiệp những năm gần đây duy trì tăng trưởng ổn định khoảng 4,5%, góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn. Tuy nhiên ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng đất chật người đông dẫn đến tình trạng bố trí nhà ở chuồng trại, công trình vệ sinh, giếng nước không hợp lý cùng với việc quản lý yếu kém về chất thải nông nghiệp tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi dẫn đến tình trạng môi trường nông thôn nói chung và môi trường ở các làng nghề, các khu chăn nuôi nói riêng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sự thua kém về phát triển cộng với các vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng sẽ là những rào cản lớn cho sự phát triển bền vững của vùng nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung.

Cả nước hiện có 9,1 triệu tấn chất thải rắn nông thôn, trong đó vùng ĐBSH chiếm tới 22% tổng lượng chất thải rắn. Với 60,7 triệu dân nông thôn (năm 2010), trung bình thải ra 0,3kg/người/ngày thì hàng năm khu vực nông thôn thải ra môi trường 6,6 triệu tấn chất thải, trong đó có 65 chất thải sinh hoạt dễ phân hủy (hữu cơ).

Nếu tính đến cả lĩnh vực chăn nuôi thì hàng năm cả nước thải ra 80,45 triệu tấn chất thải (năm 2008), số lượng rơm rạ chiếm tới 76 triệu tấn, trong đó ĐBSH và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ trọng lớn nhất. Ngoài ra, những chất thải độc hại như bao bì thuốc bảo vệ thực vật cũng tính đến 11 nghìn tấn (2008).

Ô nhiễm nước thải cũng ngày càng nghiệm trọng từ các nguồn: i) Nước thải sinh hoạt; ii) Nước thải chăn nuôi; iii) Nước thải công nghiệp, thủ công nghiệp, làng nghề; iv) Nước mưa chảy tràn. Môi trường nước hiện nay bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là theo các lưu vực sông tiếp xúc với các khu đô thị, khu công nghiệp.

Nhìn chung, vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang ngày càng trở nên nổi cộm không chỉ do những nguyên nhân truyền thống như việc lạm dụng hóa chất nông nghiệp, chất thải sinh hoạt, rác thải chăn nuôi mà ô nhiễm môi trường còn suy thoái trầm trọng hơn do sự phát triển công nghiệp, dịch vụ - du lịch ở vùng nông thôn và sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Ngoài ra, những diễn biến phức tạp của thời tiết (mưa bão, nóng lạnh thất thường) như là biểu hiện của biến đổi khí hậu cũng đã góp phần làm tồi tệ hơn tác động của ô nhiễm môi trường đến con người và sinh thái vùng nông thôn. Bên cạnh đó, do các phong tục, tập quán lâu đời cũng như trình độ, năng lực và nhận thức còn hạn chế, người nông dân đã và đang làm trầm trọng thêm ô nhiễm môi trường của khu vực làm ảnh hưởng không chỉ đến môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển bền vững của cộng đồng. Đề tài do Cơ quan chủ trì đề tài Viện Tài nguyên và Môi trường cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Hoàng Văn Thắng để thực hiện “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học & công nghệ phù hợp nhằm kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Hồng”, vì thế, có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về khoa học và thực tiễn.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Rác thải và nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn đang là vấn đề bức xúc của Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) nói riêng. Kết quả điều tra tại 28 xã thuộc 9 huyện của 3 tỉnh thuộc ĐBSH cho thấy việc phân loại rác tại nguồn hầu như chưa được thực hiện. Việc xử lý rác thải sinh hoạt chưa đồng bộ, phần lớn là chôn lấp hoặc đốt rồi chôn lấp. Việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt mặc dù đã được triển khai nhưng ở mỗi địa phương là khác nhau. Trong khi ở Bắc Ninh và Hà Nam, phần lớn các xã có trạm trung chuyển rác thì ở Nam Định không có hình thức này. Các trạm trung chuyển rác cũng còn nhiều bất cập, chưa hợp vệ sinh và không được vận hành đúng quy trình, gây ô nhiễm cục bộ tại các khu vực này.

Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia (tiêu chí 17) có những tác động tích cực lên môi trường nông thôn, đặc biệt là rác thải và nước thải sinh hoạt. Theo đó, các xã và huyện đạt chuẩn Nông thôn mới đều có các chỉ số môi trường nước thải thấp hơn (bằng hoặc thấp hơn QCVN08:2008 (A2 và B1) so với các xã hoặc huyện chưa đạt chuẩn Nông thôn mới.

Mặc dù có những tác động và hiệu quả tích cực, tiêu chí 17 cũng còn những bất cập nhất định. Trên cơ sở phân tích và đánh giá tiêu chí này, đề tài đã đề xuất các chỉ tiêu chi tiết cho chỉ tiêu 5 của tiêu chí 17 về quản lý rác thải và nước thải gắn với xây dựng nông thôn mới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nông thôn và nông dân vùng ĐBSH.

Trên cơ sở các nghiên cứu, phân tích và đánh giá các mô hình và giải pháp khoa học và công nghệ trên thế giới cũng như tại Việt Nan, đề tài đã lựa chọn được mô hình khoa học và công nghệ tiên tiến phù hợp với đặc điểm và điều kiện của vùng ĐBSH để triển khai thí điểm tại một xã (Xuân Phương) có quy mô trên 6000 dân; Chín nhóm giải pháp khoa học; Các mô hình thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt (1 bãi thải), ủ phân vi sinh (một nhà ủ bốn ngăn), xử lý nước thải sinh hoạt (một bể dung tích 30m3 / ngày đêm) cho nhóm hộ gia đình đã được đánh giá hiệu quả và đề xuất nhân rộng. Các mô hình này được kèm theo bộ hướng dẫn quy trình vận hành các mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, ủ phân vi sinh và xử lý nước thải quy mô nhóm hộ gia đình.

Đề tài đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng địa phương trong công tác quản lý, kiểm soát và xử lý môi trường nói chung, rác thải và nước thải sinh hoạt nói riêng thông qua các buổi phỏng vấn hộ dân, tổ chức hội thảo và tập huấn tại địa bàn; Đã trang bị cho các tổ viên bảo hộ và dụng cụ lao động; Trang bị cho tổ thu gom (do xã quản lý) 1 xe tải chở rác, 8 xe đẩy và 8 thùng đựng rác composit.

Đề tài cũng đã góp phần nâng cao năng lực cho các cán bộ khoa học và quản lý trong lĩnh vực môi trường nông thôn và rác thải, nước thải thông qua việc đào tạo được 2 thạc sĩ và 1 tiến sĩ chuyên ngành khoa học môi trường và công nghệ môi trường.

Đề tài cũng đã công bố được 3 bài báo khoa học trên các tạp chí và kỷ yếu khoa học công nghệ có uy tín trong nước, vượt yêu cầu 1 bài; góp phần đào tạo 1 tiến sĩ và đào tạo 2 thạc sĩ về môi trường và phát triển bền vững.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15851/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)