Nghiên cứu sản xuất tinh bò Blanc - Bleu - Belge (BBB) thuần đông lạnh dạng cọng rạ và thử nghiệm phương pháp phân tách tinh phân giới

Chăn nuôi bò thịt là nghề truyền thống của người nông dân Việt Nam. Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi bò thịt ở nước ta có nhiều thay đổi đáng kể, Việt Nam hiện có hơn 5,6 triệu bò thịt, với tỷ lệ bò lai chiếm 62% đạt tốc độ tăng trưởng vào khoảng 2,6%/năm. Sản lượng thịt bò ước đạt trên 320 nghìn tấn/năm. Tuy vậy, thị phần thịt bò so với tổng sản lượng thịt cả nước chiếm chưa tới 10%, trong khi trên thế giới, thị phần thịt bò thường chiếm khoảng 30-40%.

Để nâng cao sản lượng, năng suất chăn nuôi bò thịt, bò sữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu đưa tỷ lệ giống bò lai đạt trên 70% vào năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu này, trong những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã cho nhập nhiều giống bò đực cao sản như bò Brahman, Charolais, Simmental, Limousin và gần đây là bò Blanc - Bleu - Belge (BBB) từ Bỉ, Senepol từ Mỹ, Úc nhằm nhanh chóng nâng cao tỷ lệ bò lai, cải tạo chất lượng đàn bò thịt, bò sữa và nâng cao sản lượng thịt bò, sữa bò đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Bò BBB là giống bò thịt đặc biệt của thế giới được tạo ra từ nhiều giống bò địa phương của Bỉ và bò Shorthborn từ năm 1919. Đây là một trong nhiều thành công lớn của công tác di truyền và tạo giống mới của Bỉ. Sau hơn 50 năm nghiên cứu tạo giống bò, BBB là giống bò thịt đặc biệt có cơ bắp phát triển siêu trội, hệ hống cơ đôi, ngoại hình đẹp, khả năng sử dụng thức ăn tốt, thịt thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao, và bò BBB rất hiền lành.

Nguồn tinh bò đực giống BBB hiện nay hoàn toàn từ tinh bò nhập ngoại, do vậy không chủ động được nguồn cung và khá tốn kém. Việc tìm kiếm giải pháp công nghệ chủ động sản xuất tinh bò BBB trong nước từ bò đực BBB thuần nhập nội hoặc sinh ra qua chọn lọc bò sinh từ cấy phôi, với quy trình công nghệ phù hợp điều kiện môi trường sống tại Việt Nam sẽ giúp cho việc chủ động áp dụng thụ tinh nhân tạo với tinh bò BBB cao sản, chất lượng cao được sử dụng để phối giống, lai tạo ra một đàn bò hướng thịt có số lượng mong muốn phục vụ thương mại chi phí nhập khẩu.

Xuất phát từ các yêu cầu thực tế, nhóm nghiên cứu của Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội do ThS. Bùi Đại Phong làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sản xuất tinh bò Blanc - Bleu - Belge (BBB) thuần đông lạnh dạng cọng rạ và thử nghiệm phương pháp phân tách tinh phân giới”. Đề tài tập trung nghiên cứu quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng bò BBB thuần để khai thác tinh đông lạnh dạng cọng rạ, phối tinh để tạo đàn bê lai F1. Ngoài việc thử nghiệm và ứng dụng công nghệ tiên tiến phân tác tinh trùng giới tính XY sẽ nâng cao khả năng thụ tinh nhân tạo có định hướng giới tính mang lại hiệu quả cao khi phát triển đàn bò hướng thịt.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đã đạt được những kết quả như sau:

1. Đã xây dựng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng bò đực giống BBB thuần tại VN. Bò được nuôi dưỡng đảm bảo khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh, phát triển cân đối, thích nghi điều kiện khí hậu Việt Nam;

Khẩu phần ăn của Bò đực giống BBB thuần nhập nội có mật độ dinh dưỡng trong 1kg VCK:ME 2.5 Mcal, CP 15,14% là phù hợp. Bổ sung trứng gà cho bò đực ngày khai thác tinh sẽ hiệu quả tốt;

Bò đực giống áp dụng phương thực nuôi nhốt tại chuồng, kết hợp với chế độ vận động 2h/ngày trong đó thời gian vận động cưỡng bức khoảng 1 giờ. Thức ăn cho bò phải được phối trộn thành hỗn hợp TRM bò ăn ngon hơn, lượng thức ăn thu nhận nhiều hơn nên số lượng và chất lượng liều tinh sản xuất được tốt hơn;

Cần có các giải pháp về chuồng trại và nuôi dưỡng để giảm stress nhiệt cho bò ôn đới nhập nội, nhiệt độ môi trường tốt nhất từ 10-25 độ C.

2. Đã xây dựng quy trình huấn luyện, khai thác tinh bò đực giống BBB thuần tại Việt Nam, tinh nguyên khai thác đạt các chi tiêu, V≥5ml, A≥70%, C≥0.8 tỷ/ml, K≤20%;

Tuổi huấn luyện tốt nhất từ 6-22 tháng tuổi;

Thời gian huấn luyện và khai thác tốt nhất: mùa hè từ 6h đến 9h sáng, mùa đông từ 7h đến 10h sáng. Khai thác tinh 2 lần/tuần cho kết quả tốt nhất. Nhiệt độ âm đạo giả tốt nhất là 39.0 độ C - 40 độ C.

3. Bò đực giống BBB thuần nhập nội được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm TTNT ứng dụng công nghệ cao thuộc Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội đạt chỉ tiêu số lượng và chất lượng tinh đạt tiêu chuẩn giống gốc quốc gia theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thông.

4. Đã xây dựng quy trình sản xuất tinh bò đực giống BBB thuần đông lạnh dạng cọng rạ tại Việt Nam với chất lượng tương đương với chất lượng tinh đông lạnh cọng rạ nhập ngoại.

5. Đã xây dựng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bê lai phù hợp với điều kiện Việt Nam, tăng trọng đàn bê lai từ sơ sinh đến 12 tháng đạt 800-900g/con/ngày.

Tỷ lệ thụ thai ở lần phối đầu của tinh bò cọng rạ sản xuất trong nước đạt 75,55%, của tinh bò BBB đông lạnh nhập ngoại là 74.55%.

Bò cái lai Zebu khi phối tinh bò đực BBB sinh sản bình thường. Bò đẻ thường không phải can thiệp bằng mổ đẻ. Các chỉ tiêu sau đẻ như khối lượng bê sơ sinh bình quân 29,7kg, thời gian động dục lại sau đẻ 47,8 ngày. Thời gian có chửa lại 130,3 ngày, tỷ lệ thụ thai lần phối đầu 75%, thời gian mang thai 277,9 ngày. Bê lai sinh ra từ phối tinh bò BBB nhập ngoại có khối lượng và tăng trọng cao hơn bê phối bằng tinh sản xuất trong nước tuy nhiên cao hơn không đáng kể.

6. Đã xây dựng phương pháp tác giới tính X, Y từ tinh bò đực giống BBB thuần tại Việt Nam với hoạt lực phân tách đạt ≥ 70%, tinh trùng sau phân tách vẫn còn khả năng thu tinh in vitro và tỷ lệ phôi đực tạo ra đạt ≥ 65%.

Nhóm đề tài kiến nghị áp dụng các kết quả nghiên cứu, quy trình của đề tài vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện, khai thác và sản xuất tinh bò đực giống BBB, chăm sóc nuôi dưỡng đàn bê lai F1 BBB. Đồng thời cho ứng dụng mở rộng sản xuất ở quy mô lớn hơn (vùng, cả nước). Tiếp tục mở rộng và cải tiến phương pháp phân tác tinh trùng bò theo hướng nâng cao tỉ lệ X/Y hơn nữa. Hoàn thiện phương pháp phân tách để có thể nâng thành quy trình.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18088/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI)