Nghiên cứu mã vạch DNA một số loài cá có giá trị sinh thái và kinh tế ở vùng ven biển Việt Nam

Ở Việt Nam, ngành thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tốc độ tăng trưởng cao, tỷ trọng trong GDP ngày càng lớn. Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu đã đạt tổng doanh thu 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2017. Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng liên tục về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thì ngành thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều áp lực: từ quy hoạch, khai thác, môi trường, nuôi trồng và phát triển theo hướng không bền vững, đã và đang làm giảm sự đa dạng, cạn kiệt nguồn lợi và mất cân bằng sinh thái. Trong bối cảnh như vậy, việc nghiên cứu nhằm đề ra các giải pháp phát triển ngành kinh tế thủy sản theo hướng bền vững lâu dài là hết sức quan trọng.

Sự đa dạng các loài cá trong khai thác thủy sản là rất lớn, có nhiều loài cá đã và đang được khai thác nhưng chưa được xác định tên (Worm và Branch, 2012). Trong khi đó, cá cũng là nhóm động vật có tính đa dạng lớn về mặt hình thái và có sự thích nghi sinh học nên phần lớn các nghiên cứu về phân loại học dựa trên phương pháp hình thái so sánh cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với các trường hợp thiếu mẫu chuẩn đối chứng, các loài gần gủi về hình thái, loài mới, loài có kích thước bé, mẫu ở giai đoạn phát triển khác nhau… Tuy nhiên, với tiến bộ trong sinh học phân tử, gần đây công cụ mã vạch di truyền (DNA barcoding) dựa trên trình tự nucleotide của một vùng gen tiêu chuẩn với kích thước ngắn, là công cụ mạnh mẽ và hữu ích trong nghiên cứu phân loại sinh vật (Hebert và cs., 2003) và đã có những ứng dụng quan trọng trong ngành thủy sản. Ví dụ, mã vạch di truyền làm công cụ hữu ích trong việc định danh ấu trùng và cá con, phục vụ công tác xác định bãi giống, bãi đẻ của các động vật thủy sản, phân loại xác định loài mới…. Ngoài ra, mã vạch DNA đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong công tác kiểm định tên các loài cá khai thác, thương mại và các sản phẩm từ cá. Đảm bảo được tính xác thực tên của các loài cá thương mại, ngăn chặn được các gian lận thương mại, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Hơn nữa, việc định loại sai tên loài cũng ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nghề thủy sản, đặc biệt là trong quy hoạch bảo tồn, nuôi trồng thủy sản. Do vậy, việc kết hợp giữa phương pháp hình thái so sánh và mã vạch di truyền (DNA barcoding) trong phân loại cá là rất cần thiết, đặc biệt là phát huy tối đã mặt ưu điểm của mỗi phương pháp nhằm khắc phục các mặt hạn chế của mỗi phương pháp nhằm đưa ra được kết quả chính xác và đạt được tính hiệu quả cao về mặt kinh tế và mặt thời gian.

Mặt khác, việc xây dựng cơ sở dữ liệu mã vạch di truyền cũng như bộ mẫu vật của cá biển Việt Nam sẽ có ý nghĩa lớn trong công tác phân loại học, kiểm định sản phẩm thương mại từ cá, góp phần xác định các cơ sở khoa học cho quản lý và khai thác hợp lý nguồn lợi cá ở biển Việt Nam.

Từ những lý do trên, Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Việt Nam) và phía đối tác Đài Loan là Khoa Hải dương học, Trường Đại học Quốc gia Sun Yat Sen cùng Chủ nhiệm đề tài TS. Phạm Thế Thư đã thống nhất hợp tác thực hiện nhiệm vụ "Nghiên cứu mã vạch DNA một số loài cá có giá trị sinh thái và kinh tế ở vùng ven biển Việt Nam" trong khuôn khổ chương trình hợp tác về Khoa học và Công nghệ theo Nghị định thư giữa hai nước Việt Nam - Đài Loan. Với mục tiêu xây dựng được bộ mã vạch để định loại một số loài cá có giá trị sinh thái và kinh tế phân bố trong hệ sinh thái rạn san hô và rừng ngập mặn ở vùng ven biển miền Bắc, miền Nam Việt Nam.

Từ các kết quả nghiên cứu của Nhiệm vụ, có thể đưa ra một số kết luận ban đầu như sau:

1. Kết quả về thiết lập bộ mã vạch DNA: Nhiệm vụ đã xác định được tổng số có 1789 mã vạch di truyền DNA của các gen COI, Cyt b, D-loop và 16S từ tổng số 4068 mẫu cá thu ở ba vùng ven biển Việt Nam (Miền Bắc - Hải Phòng, Quảng Ninh; Miền Trung - Ninh Thuận; Miền Nam - Cà Mau, Kiên Giang) của tổng số 505 loài cá thuộc 288 giống, 120 họ và 47 bộ đã được xác định. Trong đó, 59 loài là ghi nhận mới cho hệ cá biển Việt Nam và có 51 loài đang ở dạng “sp”.

2. Kết quả về thiết lập bộ mẫu vật cá: Nhiệm vụ đã thiết lập được 1 bộ mẫu vật của 21 loài cá phân bố trong hệ sinh thái Rừng ngập mặn cửa sông và Hệ sinh thái Rạn san hô được thu từ vùng ven biển Miền Bắc (Quảng Ninh - Hải Phòng) và Miền Nam (Cà Mau - Kiên Giang). Bộ mẫu vật cá ngâm trưng bày đảm bảo về chất lượng và đúng theo quy chuẩn của Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.

3. Kết quả về Thết lập cơ sở dữ liệu mã vạch di truyền DNA: Nhiệm vụ đã thiết lâp thành công được 1 cơ sở dữ liệu mã vạch di truyền DNA cá biển Việt Nam với tổng số 1764 mã vạch của các gen COI, Cyt b, 16S và D-loop; có thể ứng dụng trong việc đối chiếu so sánh trong phân loại cá, truy xuất nguồn gốc cá và các sản phẩm từ cá biển Việt nam.

4. Kết quả về phuơng pháp phân loại cá bằng mã vạch DNA: Phương pháp mã vạch di truyền DNA đã sử dụng thành công trong nhiệm vụ được mô tả rõ ràng có thể ứng dụng cho việc phân loại cá biển Việt Nam. Trong đó, kỹ thuật mã vạch gen COI ty thể là một công cụ đã được công nhận rộng rãi.

5. Kết quả về Đề xuất biện pháp quản lý nguồn lợi cá bền vững: Từ các tư liệu đã có và các kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ, các đề xuất quản lý, khai thác bền vững nguồn lợi cá đã được đưa ra.

6. Kết quả về đào tạo: Nhiệm vụ đã đào tạo được 1 thạc sĩ, hỗ trợ đào tạo 1 NCS và 1 Thạc sĩ; các cán bộ tham gia phía Việt Nam còn được các chuyên gia phía Đài Loan đào tạo thông qua các hoạt động trực tiếp của nhiệm vụ.

7. Kết quả về công bố: Nhiệm vụ đã công bố 3 bài báo quốc tế, 2 bài báo trong nước, 1 sách song ngữ Anh - Việt, đã gửi đăng 1 bài báo quốc tế và 2 bài báo trong nước; đã có 2 bài trình bày tại hội nghị quốc tế.

8. Kết quả về hợp tác quốc tế: Nhiệm vụ đã thực hiện 2 đoàn ra (4 lượt cán bộ), tiếp 2 đoàn vào (8 lượt cán bộ), hỗ trợ thêm 2 đoàn vào (1 đoàn Đài Loan; 1 đoàn Nhật Bản), duy trì và phát triển tốt các mối quan hệ quốc tế hiện có và mối quan hệ mới.

9. Kết quả khác: từ cơ sở hoạt động của nhiệm vụ, cơ quan chủ trì đã phát triển và xây dựng thành công 3 nhiệm vụ HTQT nghiên cứu theo hướng mã vạch di truyền và sinh học phân tử 2019-2020 với đối tác Nga, Nhật Bản, Đài Loan; và xây dựng 1 phòng thí nghiệm trọng điểm nghiên cứu đa dạng sinh học và môi trường biển với hệ thống các trang thiết bị cho hướng sinh học phân tử là 8 tỉ đồng năm 2019.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16484/2019) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Đ.T.V (NASATI)