Nghiên cứu đánh giá diễn thế phục hồi hệ sinh thái rừng và đề xuất giải pháp bảo tồn tại khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai

Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai được thành lập năm 2011 với tổng diện tích gần một triệu hecta trải rộng trên 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông và Lâm Đồng. Vùng lõi của khu DTSQ Đồng Nai là 2 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích là 173.073 ha, gồm Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá (Khu BTTN-VH) Đồng Nai. Không chỉ lớn về diện tích, Khu DTSQ Đồng Nai chứa đựng những giá trị bảo tồn quý giá ở cấp quốc gia và quốc tế. Khu BTTN-VH Đồng Nai là nơi duy nhất ở Việt Nam hiện còn gìn giữ được hệ sinh thái rừng mưa cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) đặc hữu của châu Á. Vườn quốc gia Cát Tiên đã từng là một trong hai sinh cảnh duy nhất trên thế giới còn ghi nhận sự tồn tại của tê giác java (Rhinoceros) (UBND tỉnh Đồng Nai, 2010).

Tuy nhiên, tài nguyên rừng với nhiều gỗ quý ở Đồng Nai lại là nơi khai thác gỗ và lâm sản tập trung để phục vụ cho nhu cầu xây dựng đất nước. Chỉ trong chưa đầy hai thập kỉ, hàng triệu khối gỗ của các loài quý hiếm và hàng vài chục triệu cây tre nứa đã bị lấy ra khỏi rừng. Rất nhiều diện tích rừng ở Đồng Nai cũng đã bị chuyển đổi sang các mục đích canh tác nông nghiệp, phát triển công nghiệp và đất ở. Độ che phủ của rừng ở giai đoạn này lại giảm thêm một mức nghiêm trọng.

Tương tự ở Đồng Nai, rừng ở các tỉnh có địa hình bằng phẳng như Bình Dương, Bình Phước hầu hết đã bị chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp như Cao su hoặc cây gỗ mọc nhanh như Keo.

Xuất phát từ thực tiễn, sự cần thiết phải hiểu biết các tác động của người dân đến rừng để có các giải pháp nhằm hài hoà giữa phát triển sinh kế, kinh tế và các mục tiêu bảo tồn, đề tài “Nghiên cứu đánh giá diễn thế phục hồi hệ sinh thái rừng và đề xuất giải pháp bảo tồn tại khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai” do TS. Trần Lâm Đồng, Viện Nghiên cứu Lâm sinh cùng các đồng nghiệp đã được thực hiện nhằm một số một tiêu, bao gồm:

- Đánh giá, lựa chọn và sắp xếp được các loại diễn thế phục hồi hệ sinh thái rừng thành các nhóm đặc trưng;

- Đề xuất được các giải pháp bảo tồn và khả năng chuyển các hệ sinh thái rừng phục hồi sang các hình thức bảo tồn khác nhau khi cần thiết.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã đạt được một số kết quả đáng chú ý như sau:

Hầu hết diện tích rừng tự nhiên ở Khu DTSQ Đồng Nai đang trải qua diễn thế phục hồi sau những tác động trong quá khứ như bom đạn, rải chất độc hoá học, khai thác v.v. Sử dụng kết hợp 4 phương pháp xác định diễn thế, đề tài đã xác định được 13 giai đoạn diễn thế đang tồn tại, trong đó có 11 giai đoạn của hai kiểu rừng chính trong khu vực: RTX và RNRL. Các giai đoạn này được sắp xếp vào 8 chuỗi diễn thế phản ánh nguồn gốc và giai đoạn phát triển hiện tại của chúng. Các chuỗi diễn thế được phân định chủ yếu dựa trên sự khác biệt về tổ thành có kiểm chứng qua cấu trúc và chỉ số khác biệt thực vật (NDVI).

Các chuỗi diễn thế tự nhiên của RTX hiện gồm 3 giai đoạn đang tồn tại. Tổ thành của thảm thực vật biến đổi theo giai đoạn diễn thế và theo khu vực phân bố địa lý của chúng. Ở Khu BTTN-VH Đồng Nai, càng ở giai đoạn diễn thế cao, cấu trúc và độ đa dạng của rừng càng cao và rừng có xu hướng chiếm ưu thế bởi các loài cây họ Dầu như Chò chai và Dầu song nàng. Các giai đoạn diễn thế của rừng tự nhiên cây gỗ lá rộng thường xanh đều là sinh cảnh chủ đạo cho hầu hết các lớp động vật nhưng phổ biến nhất là Chim. Tầng đất của RTX ở các giai đoạn diễn thế cũng có xu hướng dày hơn so với đất ở một số kiểu rừng khác.

Các chuỗi diễn thế tự nhiên của RNRL có 4 giai đoạn đang tồn tại. Giai đoạn đầu của các chuỗi diễn thế này thường chiếm ưu thế cao bởi Thành ngạnh, Thẩu tấu, Nhàu nhuộm v.v. Trong quá trình diễn thế phục hồi, tổ thành của RNRL chuyển dịch dần từ ưu thế Thành ngạnh sang ưu thế Bằng lăng. Tuy vậy, hiện trạng tái sinh và các lớp cây kế cận của rừng Bằng lăng ở trạng thái cao đỉnh không cho thấy căn cứ để phỏng đoán rằng giai đoạn phát triển tiếp theo của chúng sẽ tiếp tục chiếm ưu thế bởi loài này.

Ngưỡng xác định mức độ phục hồi trong bộ tiêu chí xác định mức độ phục hồi rừng được xây dựng từ dữ liệu lớn nên có cơ sở khoa học và tính ứng dụng cao. Các giải pháp phục hồi được đề xuất cho cả rừng chưa và đã đạt mức độ phục hồi để đáp ứng cho các mục tiêu quản lý khác nhau. Theo đó, các diện tích rừng ở giai đoạn E1, SD1 và E3, SD3 là hiện đang cần nhất những tác động để đảm bảo chiều hướng diễn thế phục hồi của chúng. Các rừng có giá trị bảo tồn cao ở vùng đệm là những rừng có gía trị đặc biệt và có xu hướng đã đạt ngưỡng phục hồi nên cần được bảo tồn bằng hình thức phù hợp. Các hình thức bảo tồn cũng được đề xuất dựa trên hiện trạng và diện tích rừng.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng chưa có đủ căn cứ để phân chia hai giai đoạn của rừng hỗn giao cây gỗ với tre nứa vào bất kỳ chuỗi diễn thế nào. Rừng hỗn giao cây gỗ với tre nứa là loại rừng chiếm diện tích rất lớn trong Khu DTSQ Đồng Nai. Tồn tài này một phần là do yếu tố khách quan như không có OTC cố định hoặc kỹ thuật để biết được sự thay đổi của thực vật trong thời gian dài hơn. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần triển khai thiết lập 28 OTC cố định để theo dõi lâu dài động thái của các kiểu rừng điển hình ở Khu DTSQ Đồng Nai như đề tài đã đề xuất.

Hiện trạng phục hồi rừng bằng trồng cây bản địa ở Khu BTTN-VH Đồng Nai là một minh chứng cho thấy tiềm năng cao của phương pháp này trong việc phục hồi lại rừng trên các diện tích bị ảnh hưởng nặng bởi chiến tranh hoặc bị khai thác trắng. Hầu hết các thành phần trong hệ sinh thái của rừng trồng cây bản địa không còn trồng xen hiện đang dần phục hồi. Trong bối cảnh này và khi không có tác động của con người, các rừng trồng cây bản địa sẽ phục hồi thành các rừng tự nhiên trong thời gian đủ dài.

Ý tưởng của chính sách giao đất, giao rừng khuyến khích trồng rừng cây bản địa kết hợp với một số loài cây trồng khác để cho hiệu quả kinh tế là rất phù hợp. Hiện trạng phát triển của cây bản địa khá tốt nhưng đa dạng sinh học ở các rừng này không được thúc đẩy phát triển. Tác động mạnh của con người 234 khiến cho các loài động vật, đặc biệt lớp Chim, gần như thiếu vắng. Tầng đất ở các kiểu rừng trồng cũng có thể bị bào mòn do kiểu canh tác này mang lại. Đặc biệt, đây là các chuỗi diễn thế nhân tạo có sự tác động nhiều nhất của con người nhưng hiện vẫn tồn tại những mâu thuẫn lớn đòi hỏi yêu cầu của chính sách giao khoán cần được xem xét lại cho phù hợp.

Một số cách tiếp cận và khung lý thuyết xây dựng trong đề tài là nguồn tài liệu tham khảo tốt cho các nghiên cứu sau như: cách tiếp cận xác định các giai đoạn diễn thế; cách tiếp cận xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ phục hồi rừng; khung lý thuyết xác định các biện pháp phục hồi và bảo tồn rừng; và cách tiếp cận nghiên cứu liên ngành giữa các lĩnh vực. Bên cạnh đó, bản đồ diễn thế, chương trình quản lý số liệu, sổ tay hướng dẫn xác định mức độ phục hồi rừng và sổ tay hướng dẫn nhận biết các loài thực vật là những công cụ giúp nhà quản lý ở Khu DTSQ Đồng Nai quản lý rừng ở tầm vĩ mô.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15717/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.K.L (NASATI)