Khám phá đa dạng di truyền và thành phần lưỡng cư và bò sát ở ven biển đảo phía Nam Việt Nam sử dụng phương pháp DNA và hình thái
- Thứ tư - 16/09/2020 09:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ năm 2016 đến năm 2018, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Ngọc Sang tại Viện sinh học Nhiệt đới đã thực hiện đề tài: “Khám phá đa dạng di truyền và thành phần lưỡng cư và bò sát ở ven biển đảo phía Nam Việt Nam sử dụng phương pháp DNA và hình thái”.
Đề tài tập trung vào 3 mục tiêu chính như sau: thứ nhất là khảo sát và công bố những khu hệ lưỡng cư và bò sát còn ít hoặc chưa được biết đến; thứ hai là mô tả loài mới dựa trên dữ liệu hình thái và trình tự DNA; và thứ ba là nghiên cứu phả hệ hoặc phát sinh chủng loại và đa dạng di truyền của một số loài hoặc nhóm loài có quan hệ họ hàng gần gũi.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí trong nước và quốc tế, ví dụ:
- Bài báo ISI số 1: Một loài cóc bùn mới giống Leptolalax (Anura: Megophryidae) ở bán đảo Sơn Trà, miền trung Việt Nam (A new species of Leptolalax (Anura: Megophryidae) from Son Tra Peninsula, central Vietnam) công bố trên tạp chí Zootaxa năm 2018. Bài báo này công bố một loài cóc bùn mới (giống Leptolalax) ở bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Dữ liệu dùng để mô tả loài mới gồm các đặc điểm hình thái, trình tự DNA từ gene 16S và tiếng kêu. Đây là loài đặc hữu, mới chỉ được ghi nhận tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Tên khoa học của loài mới này là Leptolalax rowleyae.
- Bài báo ISI số 2: Một loài rắn khiếm mới (giống Oligodon, họ Colubridae, bộ Squamata) ở đảo Cù Lao Chàm, miền trung Việt Nam (A new species of the genus Oligodon Fitzinger, 1826 (Squamata: Colubridae) from Cu Lao Cham Islands, central Vietnam) đăng trên tạp chí Zootaxa năm 2017. Bài báo này công bố một loài rắn khiếm mới thuộc giống Oligodon ở quần đảo Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam. Loài rắn này được phát hiện và mô tả dựa trên các đặc điểm hình thái như vảy, răng và ngọc hành (cơ quan sinh dục đực). Đây là loài rắn đặc hữu, không độc, mới chỉ được phát hiện tại Cù Lao Chàm. Tên khoa học của loài được đặt theo tên của nơi phát hiện: Oligodon culaochamensis.
- Bài báo ISI số 3: Một dạng hình thái mới trong nhóm rắn cạp nia nam (Bungarus candidus) ở Việt Nam dựa trên đặc điểm hình thái và phân tử (A new color pattern of the Bungarus candidus complex [Squamata: Elapidae] from Vietnam based on morphological and molecular data) đăng trên tạp chí Zootaxa năm 2017. Bài báo này nói về phát hiện một phân loài mới của loài rắn cạp nia nam (Bungarus candidus) ở Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Về hình thái, phân loài rắn cạp nia này khác biệt với các loài rắn cạp nia từng biết trước đó nhờ vào số khoanh trắng trên thân. Kết quả kiểm tra trình tự DNA từ gene COI trên các mẫu rắn này xác nhận chúng không phải loài mới mà chỉ là một phân loài rắn cạp nia nam.
- Bài báo ISI số 4: Một loài rắn khiếm mới (giống Oligodon) ở Côn Đảo, phía Nam Việt Nam (A new species of kukri snake [Squanata : Colubridae : Oligodon Fitzinger, 1826] from Con Dao Islands, southern Vietnam) đăng trên tạp chí Zootaxa năm 2016. Bài báo này công bố một loài rắn khiếm mới khác (giống Oligodon) được phát hiện ở Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Loài rắn này được mô tả dựa trên các đặc điểm hình thái như vảy, răng và ngọc hành. Ở Côn Đảo, loài này mới chỉ được phát hiện tại đảo Hòn Bà. Các đảo còn lại chưa ghi nhận về loài này. Tên khoa học của nó được đặt theo tên quần đảo nó được phát hiện và mô tả: Oligodon condaoensis. Ngoài loài mới phát hiện, bài báo này cũng phát hiện ở Côn Đảo còn có 13 loài rắn khác.
Bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín
Đa dạng di truyền, phát sinh chủng loại và phân bố theo độ cao của thằn lằn ngón giống Cyrtodactylus ở núi Hòn Bà, tỉnh Khánh Hòa và ghi chú về vảy dưới đuôi của loài C. yangbayensis (Genetic diversity, phylogeny, and altitudinal distribution of geckos genus Cyrtodactylus on Hon Ba Mountain, Khanh Hoa Province, with note on the subcaudals of C. yangbayensis) công bố trên Tạp chí Công nghệ Sinh học năm 2017. Bài báo này được viết bằng tiếng Anh, trình bày kết quả về đa dạng di truyền, phát sinh chủng loại và phân bố theo độ cao của thằn lằn ngón ở núi Hòn Bà (Khánh Hòa). Kết quả phân tích về di truyền từ gene COI cho thấy thằn lằn ngón ở núi Hòn Bà phân ra thành ba dòng (lineage) rõ rệt, một dòng chỉ phân bố ở khu vực đỉnh núi; hai dòng còn lại phân bố lưng chừng và chân núi. Phân tích về phát sinh chủng loại cho thấy dòng trên đỉnh núi thuộc về loài Cyrtodactylus bidoupimontis, loài có phân bố ở Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng) và hai dòng còn lại thuộc về một loài C. yangbayensis. Hai loài này có họ hàng gần gũi với nhau trên cây phát sinh chủng loại. Ngoài ra, bài báo còn cung cấp thông tin quan trọng về dạng vảy dưới đuôi của loài C. yangbayensis dao động về kích cỡ chứ không nhỏ như trong mô tả gốc.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15151) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)