AIST: Cầu nối giữa hạt giống công nghệ sáng tạo và thương mại hoá kết quả nghiên cứu của Nhật Bản
Cập nhật vào: Thứ ba - 22/10/2019 05:27 Cỡ chữ
Có thể nói, viện nghiên cứu quốc qia AIST là mô hình viện nghiên cứu còn thiếu ở Việt Nam để gắn kết những thành quả nghiên cứu với ứng dụng thực tiễn trong các doanh nghiệp. Ở AIST, các nhà nghiên cứu có sứ mệnhquan trọng trong việc thương mại hoá các thành quả nghiên cứu, đem lại lợi ích cho xã hội, nhưng vẫn có cơ hội tiến hành những nghiên cứu cơ bản, thoả mãn đam mê của nhà khoa học. Điều này giúp cho những kỹ thuật mới, công nghệ mới sẽ được đều đặn được sản sinh ra tại AIST và đồng thời những ứng dụng của các công nghệ này cũng được triển khai triệt để trong công nghiệp và xã hội.
Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia Nhật Bản (National Institute of Advanced Industrial Science and Technology, AIST) được thành lập năm 1876, là một trong những viện nghiên cứu quốc gia lớn nhất tại Nhật Bản, với gần 2.000 các nhà nghiên cứu cơ hữu, 50 nhà nghiên cứu có hạn định, 700 cán bộ hành chính, 1.300 cán bộ kỹ thuật. AIST có quan hệ hợp tác nghiên cứu mở với hơn 500 các nhà nghiên cứu và khoảng 2.000 doanh nghiệp và trường đại học, thu hút hơn 500 nhà nghiên cứu quốc tế. AIST có 22 viện nghiên cứu, 20 trung tâm nghiên cứu trên khắp các vùng miền của Nhật Bản từ Hokaido đến Kyushu - là cầu nối giữa hạt giống công nghệ sáng tạo và thương mại kết quả nghiên cứu của Nhật Bản.
1. AIST đào tạo các nhà nghiên cứu với tâm thái luôn hướng về xã hội: Với các nhà khoa học, AIST đào tạo họ tâm thái luôn hướng về xã hội để tìm đề tài nghiên cứu, phát triển nghiên cứu đến giai đoạn gần với sản phẩm nhất có thể, và tinh thần sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp để phát triển công nghệ. Những đội ngũ nhà khoa học, nhà nghiên cứu như vậy rất cần thiết cho Việt Nam khi muốn xây dựng nền kinh tế dựa vào công nghệ. Để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và xã hội, “Lực lượng đặc nhiệm - các nhà nghiên cứu của AIST có nguyên tắc cơ bản là họ theo đuổi “quy trình nghiên cứu đầy đủ” - tích hợp tất cả các giai đoạn nghiên cứu: từ nghiên cứu cơ bản đến sản xuất”. Do đó, lực lượng này thiết lập một Điều lệ AIST - coi đây như những nguyên tắc cơ bản nhất của những người làm khoa học tại AIST.
Để góp phần hiện thực hóa mong muốn quốc gia của Nhật Bản - làm sống lại ngành công nghiệp và nền kinh tế khu vực, AIST coi mình là chủ thể tiên phong, đóng vai trò cốt lõi trong việc xây dựng một hệ thống quốc gia cần thiết cho Nhật Bản để tiếp tục tạo ra sự đổi mới, phù hợp với cấu trúc và hạt giống công nghệ của ngành công nghiệp và nhu cầu khu vực.
Với mục tiêu “khoa học vị nhân sinh”, hướng tới phát triển một xã hội bền vững, AIST tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ: "công nghệ xanh - hiện thực hóa một xã hội phồn vinh nhưng cũng phải thân thiện với môi trường” và "công nghệ cuộc sống - hiện thực hóa xã hội an toàn, an sinh”, hướng tới phát triển một xã hội siêu thông minh dựa trên những công nghệ tân tiến nhất bao gồm: công nghệ Internet vạn vật, công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot. Trong nỗ lực của mình, AIST tạo ra không chỉ những đổi mới công nghệ, mà còn cả giá trị kinh tế và xã hội, để giải quyết các vấn đề xã hội.
2. AIST xây dựng thương hiệu và hình ảnh quốc gia thông qua việc nâng hạng các chỉ số đánh giá quốc tế về KH&CN: Để thu hút và hợp tác với nhiều Tập đoàn công nghệ lớn trên nhiều lĩnh vực với quy mô toàn cầu, AIST không chỉ chú trọng vào vào việc gia tăng các Bằng sáng chế (patent) mà còn đề cao việc hợp tác, chuyển quyền sử dụng (licence) nhằm thúc đẩy việc phổ biến công nghệ, nâng cao hiệu quả đầu tư nghiên cứu - triển khai, hạn chế độc quyền, thúc đẩy việc tạo ra công nghệ mới, đem lại lợi ích cho cả chủ sở hữu công nghiệp, người được chuyển quyền sử dụng và toàn xã hội nói chung. Theo WIPO, AIST là tổ chức nghiên cứu đứng số 1 tại Nhật Bản về số bằng sáng chế. Năm 2014, AIST có 117.345 đơn đề nghị bảo hộ sở hữu trí tuệ, có số bằng sáng chế đã được cấp phép là 9.685 bằng sáng chế (gần gấp đôi của 3 tổ chức nghiên cứu ở các vị trí kế cận là JST, ĐH Tohoku, DDH Tokyo cộng lại). Điểm nổi bật ở đây là các sáng chế của AIST thường có số lượng trích dẫn chuyển tiếp của nhà phát minh và chỉ số tổng quát cao. Những kết quả này ngụ ý rằng, AIST có đóng góp vào kho kiến thức chung bằng cách tạo ra và phổ biến công nghệ. Mặt khác, AIST chú trọng việc áp dụng bằng sáng chế chung với các công ty tư nhân. Điều này cũng ngụ ý rằng, AIST có đóng góp cho các hoạt động kinh doanh của công ty đối tác bằng sự hợp tác nghiên cứu của mình.
3. AIST tạo ra cầu nối giữa khoa học và công nghiệp - khoảng trống rất lớn hiện nay ở Việt Nam: Với các nhà làm chính sách, AIST là đơn vị để triển khai các dự án cấp nhà nhà nước trong đó có liên kết với doanh nghiệp, trường Đại học. Các nhà khoa học tại AIST cũng là lực lượng cố vấn quan trọng trong việc xây dựng hoạch định chính sách của quốc gia về KH&CN và cả kinh tế vì AIST trực thuộc Bộ Công thương Nhật Bản. Với doanh nghiệp, AIST là nơi họ tìm kiếm các giải pháp công nghệ cho các vấn đề bế tắc gặp phải trong quá trình sản xuấtcũng như tìm kiếm các nhà nghiên cứu, nhà khoa học có chuyên môn cao để hợp tác nghiên cứu tạo ra các công nghệ mới phục vụ lợi ích của họ. Để các nhà nghiên cứu chuyên tâm vào công việc của mình và sau khi các “hạt giống công nghệ” được nghiên cứu khả thi và chuyển sang các ngành công nghiệp, AIST sẽ hỗ trợ quá trình này thông quá các bộ phận hành chính chuyên nhiệm cho vấn đề này. Điểm đặc biệt trong mô hình tổ chức của AIST là có một đội Cố vấn khởi nghiệp (Chuyên gia kinh doanh). Đây được coi là “Lực lượng đặc nhiệm thứ hai” của AIST - giống như các CEO, CTO để thực hiện quá trình giúp các nhà khoa học vượt qua “thung lũng tử thần” giữa nghiên cứu và công nghiệp, qua đó giúp thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Trao đổi với đoàn công tác của Cục Thông tin KH&CN quốc gia, Bộ KH&CN Việt Nam, các cán bộ của AIST cho rằng: “Hơn bao giờ hết, chúng tôi tập trung vào phát triển nhân sự và cố gắng thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu bằng cách hợp tác chặt chẽ với các trường đại học và tổ chức nghiên cứu ở Nhật Bản và nước ngoài. Chúng tôi cũng tập trung mạnh vào việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu cùng với các công ty”.
4. Các trung tâm nghiên cứu trọng điểm là các đơn vị có thời hạn (thường là 7 năm) với các mục tiêu nghiên cứu rõ ràng. AIST phân bổ ngân sách và nhân sự cho các trung tâm nghiên cứu theo hướng ưu tiên cho thế mạnh nghiên cứu của mình và tập trung cho việc giải các bài toán nóng và hóc búa của xã hội. Các trung tâm nghiên cứu này cũng đặt mục tiêu duy trì tiềm năng kỹ thuật của AIST và phát triển các lĩnh vực công nghệ mới. Như vậy, dựa theo kết quả nghiên cứu và nhu cầu xã hội, AIST sẽ có thể quyết định nhanh chóng sự tồn tại hay không của một trung tâm nghiên cứu.
5. Thúc đẩy “đổi mới mở”, kết nối nghiên cứu cơ bản với ngành: AIST đã tạo ra nhiều kết quả đóng góp cho ngành công nghiệp, đóng vai trò trung tâm và phối hợp với Chính phủ và các ngành kinh tế của Nhật Bản để tạo ra các “hạt giống đầy triển vọng”, phát triển các công nghệ vượt trội và thực hiện quốc tế hóa nghiên cứu, thiết lập đường dẫn đến thị trường, tăng cường mạng lưới hợp tác quốc tế, hướng tới việc hình thành một trung tâm đổi mới sáng tạo mở về KH&CN ở trong khu vực và trên thế giới.
GS.TS Hara Shiro giới thiệu về Minimal Fab
Cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản khác, AIST cũng đang tích cực “xuất khẩu” công nghệ của mình sangcác nước trên thế giới, trong đó các nước Đông Nam Á ngày càng trở thành đối tác quan trọng của AIST. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam chủ động tiếp nhận chuyển giao công nghệ và triển khai hợp tác nghiên cứu với Nhật Bản để có thể “dùng công nghệ thế giới giải quyết các vấn đề địa phương”. Một ví dụ cụ thể là mô hình Minimal Fab - dây chuyển sản xuất bán dẫn, vi mạch do GS.TS Hara Shiro nghiên cứu phát triển.
Ngoài ra, để tôn vinh các thành tựu khoa học AIST và góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo của xã hội, AIST xây dựng và mở cửa tự do Bảo tàng Địa chất và Quảng trường Khoa học trong khuôn viên trung tâm tại Tsukuba. Tại đây, công chúng có thể thấy các công nghệ đáng tự hào của AIST và các robot mới nhất của Nhật Bản như: robot trị liệu, robot khủng long, Tyrannosaurus, robot hình người nhỏ Choromet và nhiều loại robot khác.
Trần Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia
có thể, mô hình, nghiên cứu, thành quả, ứng dụng, thực tiễn, doanh nghiệp, thương mại, lợi ích, xã hội, cơ hội, tiến hành, cơ bản, đam mê, nhà khoa học, kỹ thuật, công nghệ, sinh ra, triển khai, triệt để