Trung Quốc phát triển robot thông minh lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm virus corona
Cập nhật vào: Thứ sáu - 13/03/2020 04:58
Cỡ chữ
Nhóm nghiên cứu Trung Quốc dẫn đầu là Zhong Nanshan, chuyên gia hô hấp hàng đầu đã phát triển được một hệ thống robot thông minh mới lấy mẫu bệnh phẩm họng bằng bông tăm được chứng minh có hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng, sau khi 80 mẫu được lấy với tỷ lệ thành công trên 95%. Các nhà phân tích cho rằng robot sẽ giữ cho nhân viên y tế không bị nhiễm bệnh và cải thiện chất lượng mẫu.
Theo Chinanews.com, hệ thống robot lấy mẫu bao gồm một cánh tay robot có hình uốn lượn, một ống nội soi hai mắt, một thiết bị truyền dẫn không dây và thiết bị đầu cuối tương tác giữa người và máy tính. Hệ thống đã được sử dụng để thu thập mẫu bệnh phẩm trên bệnh nhân nhiễm COVID-19 vào ngày 8/3 vừa qua.
Cánh tay giống như con rắn được đưa vào vùng hầu họng rất khéo léo và chính xác. Ống nội soi hai mắt cung cấp cho bác sỹ các góc nhìn giải phẫu 3D có độ nét cao. Theo phương thức hợp tác từ xa giữa người và máy, robot có thể hoàn tất việc lấy mẫu nhanh chóng và nhẹ nhàng.
Hệ thống robot đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng vào ngày 28/2 trên 20 bệnh nhân tại Viện Sức khỏe hô hấp Quảng Châu thuộc Bệnh viện Liên kết đầu tiên của Đại học Y Quảng Châu, khoảng một tháng sau khi dự án bắt đầu. Không có hiện tượng viêm họng, xuất huyết hoặc phản ứng bất lợi khác xảy ra trên 20 người tham gia thử nghiệm.
Theo một giáo sư y khoa tại trường Đại học Bắc Kinh cho biết, so với tăm bông mũi hoặc tăm bông miệng thì tăm bông họng là phương tiện chính xác nhất để kiểm tra viêm phổi do virus corona vì cổ họng gần với hệ hô hấp hơn.
Trong khi đó, một số nhà phân tích lưu ý rằng trong quá trình lấy mẫu bệnh phẩm họng theo cách truyền thống, nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân nên có nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Bên cạnh đó, các kỹ năng làm việc và trạng thái tâm lý của nhân viên y tế sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác và chất lượng của kết quả lấy mẫu bằng tăm bông họng.
Robot tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, sẽ làm giảm khả năng nhiễm bệnh của nhân viên y tế. Ngoài ra, sử dụng robot cũng có thể giảm bớt gánh nặng của nhân viên y tế trong giai đoạn bận rộn và robot được vệ sinh và khử trùng triệt để hơn so với tiếp xúc trực tiếp với bác sĩ.
Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn chưa được biết và đáng được quan sát hơn như hiệu quả thực tế của hệ thống vì họng của mọi người có hình dạng và kích cỡ khác nhau. Người ta cũng không biết liệu robot có thể được đưa vào sử dụng hàng loạt hay mức độ điều chỉnh và độ thông minh của nó đến đâu.
N.P.D (NASATI), theo https://www.globaltimes.cn/content/1182175.shtml, 10/3/2020
nghiên cứu, chuyên gia, hô hấp, hàng đầu, phát triển, hệ thống, thông minh, chứng minh, hiệu quả, lâm sàng, tỷ lệ, thành công, phân tích, nhân viên, y tế, nhiễm bệnh, bao gồm, cánh tay, thiết bị, máy tính, sử dụng