Tiêm một mũi vắc-xin HPV duy nhất cũng được bảo vệ tương tự như nhiều mũi
Cập nhật vào: Thứ tư - 08/01/2020 12:17
Cỡ chữ
Một nghiên cứu mới của nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas ở Houston (UTHealth) cho thấy chỉ một liều vắc-xin HPV cũng có thể ngăn ngừa khỏi nhiễm trùng từ virus gây ung thư tiềm tàng này. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên JAMA Network Open mới đây.
Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), hàng năm có khoảng 34.800 ca chẩn đoán ung thư mới do virus papilloma ở người (HPV). Virus này được cho là chiếm hơn 90% các ca ung thư cổ tử cung và hậu môn, hơn 60% các ca ung thư dương vật và khoảng 70% các ca ung thư miệng.
Phó giáo sư, tiến sỹ Ashish A. Deshmukh, Trường Y tế Công cộng UTHealth cho biết: “Trong khi kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ một liều tiêm duy nhất cũng có hiệu quả như hai hoặc ba mũi tiêm theo khuyến nghị hiện nay, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để mọi người chỉ dựa vào một liều vắc-xin bảo vệ duy nhất”.
“Độ bao phủ vắc-xin HPV chưa đến 10% trên toàn cầu do tỷ lệ hấp thụ vắc-xin kém ở nhiều quốc gia. Để đảm bảo các bé trai và bé gái nhận được liều vắc-xin đầu tiên là một thách thức lớn đối với một số quốc gia và phần lớn các thanh thiếu niên không thể hoàn thành lịch tiêm chủng theo khuyến nghị do thiếu các cơ sở hạ tầng chuyên sâu cần thiết để lưu trữ và bảo quan vắc-xin”, Deshmukh nói.
Nếu các thử nghiệm lâm sàng đang triển khai cung cấp những bằng chứng liên quan đến lợi ích lâu dài của phác đồ một mũi tiêm duy nhất thì những tác động của chiến dịch liều đơn này có thể sẽ giảm đáng kể tình trạng mắc ung thư do vius này trên toàn cầu.
Mặc dù những người tham gia nghiên cứu chỉ bao gồm phụ nữ, CDC khuyến nghị phác đồ hai mũi tiêm cho tất cả trẻ em thực hiện bắt đầu trước 15 tuổi hoặc ba mũi tiêm nếu bắt đầu ở độ tuổi từ 16 đến 26. Vắc-xin thế hệ mới nhất có thể bảo vệ chống lại gần 90% các trường hợp nhiễm HPV gây ung thư. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng hiện tại là rất nhỏ, có hơn một nửa số người trong độ tuổi tiêm chủng ở Hoa Kỳ không được tiêm vắc-xin chống lại bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến này.
“Phác đồ tiêm chủng vắc-xin HPV hiện tại có thể gây khó khăn cho mọi người. Nếu một liều được chứng minh là có hiệu quả phòng ngừa thì phác đồ vắc-xin sẽ được đơn giản hóa. Điều này sẽ giúp cải thiện tỷ lệ chủng ngừa ở các thanh thiếu niên”, phó giáo sư, tiến sĩ Kalyani Sonawane, Trường y tế công cộng UTHealth cho biết.
P.T.T (NASATI), theo https://medicalxpress.com. 27/12/2019