Lần đầu tiên thử nghiệm thành công vắc-xin vi rút Marburg trên người
Cập nhật vào: Thứ ba - 14/02/2023 12:43 Cỡ chữ
Kết quả đầy hứa hẹn đã được công bố từ thử nghiệm trên người lần đầu tiên loại vắc xin nhắm vào vi rút Marburg gây chết người.
Được coi là một chủng vi-rút có khả năng gây ra đại dịch. Đây là vắc-xin Marburg đầu tiên chuyển sang Giai đoạn thử nghiệm 2 trên người.
Thuộc cùng một họ vi rút Filoviridae với Ebola, Marburg cũng gây chết người như người anh em họ nổi tiếng hơn của nó, mặc dù nó ít độc hơn một chút. Virus này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1967, với một số đợt dịch bùng phát gây ra bệnh xuất huyết chết người ở châu Âu. Các nghiên cứu về bộ gen sau đó đã truy tìm được nguồn gốc của nó từ Uganda và Kenya.
Kể từ khi nó xuất hiện, đã có hơn chục đợt bùng phát trong 50 năm qua, bùng phát lần đầu tiên ở Ghana vào năm ngoái. Tỷ lệ gây tử vong của Marburg rất đáng sợ, lên tới 90%, đã khiến các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo về khả năng gây đại dịch lớn của loại virus này trong tương lai.
Daniela Manno, Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn, trong bài xã luận gần đây trên The Lancet cho biết: “Các đợt bùng phát vi-rút Marburg trước đây ở Cộng hòa Dân chủ Congo (1998-2000) và Ăng-gô-la (2004-05) đã chứng minh rằng trong các bối cảnh cụ thể như ở những khu vực xung đột với cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, các đợt bùng phát rất có thể không kiểm soát được trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, cướp đi sinh mạng của hàng trăm con người. Một đợt bùng phát virus Marburg lớn có thể xảy ra chỉ là vấn đề thời gian”.
Không giống như Ebola, căn bệnh có cả phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng và vắc-xin hiệu quả, hiện không có liệu pháp hoặc vắc-xin nào được phê duyệt cho bệnh do vi-rút Marburg gây ra. Điều này đã khiến tổ chức từ thiện vắc-xin toàn cầu Gavi xác định Marburg là mối lo ngại lớn về đại dịch trong tương lai.
Vắc xin Marburg mới này, được đặt tên là (cAd3-Marburg), sử dụng vec tơ adenovirus để cung cấp glycoprotein Marburg. Các nghiên cứu trên các loài linh trưởng được công bố vào năm ngoái cho thấy một liều vắc-xin duy nhất cũng đã tạo ra phản ứng miễn dịch bảo vệ kéo dài đến một năm ở động vật.
Một thử nghiệm trên người Giai đoạn 1 gần đây đã ghi danh 40 người trưởng thành khỏe mạnh nhận vắc-xin thử nghiệm. Nhóm thuần tập cho thấy vắc-xin được dung nạp tốt mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng. Phản ứng miễn dịch đáng kể cũng được phát hiện ở 95% đối tượng, vẫn kéo dài ở 70% toàn bộ thời gian theo dõi trong 48 tuần.
Chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã đầu tư vài triệu USD để thúc đẩy nghiên cứu vắc-xin Marburg này. Các thử nghiệm tiếp theo trên người hiện đang được lên kế hoạch thực hiện ở Ghana, Kenya, Uganda và Hoa Kỳ.
P.T.T (NASATI), theo https://newatlas.com/medical/human-trial-experimental-marburg-virus-vaccine-reports-success/, 2/2/2023