Cốc kinh nguyệt an toàn hơn so với miếng lót vệ sinh và tampon không?
Cập nhật vào: Thứ năm - 25/07/2019 00:31
Cỡ chữ
Cốc kinh nguyệt ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở các nước phương Tây, chủ yếu nhờ vào khả năng tái sử dụng của chúng. Nhưng chúng có an toàn như các sản phẩm cho kỳ kinh nguyệt dùng một lần khác không? Và có bao nhiêu người trên toàn cầu thực sự biết về chúng? Một đánh giá mới đã cố gắng đưa ra một số câu trả lời đối với vấn đề này.
Đánh giá mới cho thấy cốc kinh nguyệt là an toàn để sử dụng, nhưng kiến thức về chúng còn thiếu. Cốc kinh nguyệt xuất hiện ít nhất từ năm 1932. L. J. Goodard là người đã được cấp bằng sáng chế cho cốc kinh nguyệt. Giống như hầu hết các cốc kinh nguyệt ngày nay, đó là một vật thể hình chuông mà một người có thể chèn vào ống âm đạo của họ để thu gom máu kinh nguyệt. Ngày nay, các nhà sản xuất chế tạo cho các sản phẩm này từ các vật liệu mềm, dễ uốn, tiệt trùng và dễ làm sạch, chẳng hạn như silicone, cao su, mủ cao su và chất đàn hồi. Cốc kinh nguyệt ngày càng trở nên phổ biến, nhờ vào thực tế là một người có thể tái sử dụng chúng. Chúng cũng bền và có thể tồn tại trong khoảng 10 năm. Nhiều cá nhân xem cốc kinh nguyệt là một sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhiều người cũng cam kết không thải ra môi trường các sản phẩm được làm từ vật liệu nhựa, không thể tái chế, không phân hủy (có trong miếng lót và tam pon dùng một lần) đã dần chuyển sang lựa chọn cốc nguyệt san nhiều hơn. Nhưng liệu chúng có an toàn, kém an toàn hay an toàn hơn các loại băng vệ sinh dùng một lần thông thường hay không vẫn còn là một câu hỏi mở.
Hiện một nhóm nghiên cứu Trường Đại học Y học Nhiệt đới Liverpool (Vương quốc Anh) phối hợp với các nhà nghiên cứu khác từ Vương quốc Anh, Kenya và Ấn Độ, đã tiến hành đánh giá các nghiên cứu y học và tài liệu xám. Đánh giá của họ bao gồm nghiên cứu các tóm tắt hội thảo, báo cáo và luận án tiến sĩ để tìm hiểu thêm về việc sử dụng và sự an toàn của cốc nguyệt san.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét tần suất các trang web và các chương trình giáo dục cung cấp các thông tin về cốc nguyệt san cùng với các sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt khác. Những phát hiện của họ được công bố trên tạp chí The Lancet Public Health gần đây.
Mặc dù thực tế có 1,9 tỷ phụ nữ trên toàn cầu đang trong độ tuổi hành kinh với trung bình 65ngày/một năm phải đối phó với kinh nguyệt, nhưng chỉ có vài nghiên cứu so sánh chất lượng tốt của các sản phẩm vệ sinh, giáo sư Penelope Phillips-Howard nhận xét.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét 43 nghiên cứu với 3.319 người tham gia. Các đoàn hệ đến từ các quốc gia có mức thu nhập khác nhau; cụ thể hơn, 15 nghiên cứu bao gồm đoàn hệ từ các nước thu nhập thấp và trung bình, và 28 nghiên cứu với những người tham gia từ các nước thu nhập cao. Bốn trong số các nghiên cứu này, với tổng số 293 người tham gia, thực hiện so sánh trực tiếp cốc kinh nguyệt với tampon và miếng lót dùng một lần để xem cái nào có khả năng rò rỉ nhất. Ba trong số các nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ rò rỉ là tương tự giữa cốc kinh nguyệt và các sản phẩm khác, trong khi một nghiên cứu cho thấy cốc kinh nguyệt bị rò rỉ ít hơn đáng kể.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng rò rỉ khi sử dụng do nhiều lý do, bao gồm chảy máu nặng bất thường, giải phẫu tử cung duy nhất, sử dụng cốc quá nhỏ, đặt cốc không đúng cách hoặc không thay kịp thời. Có đến 13 nghiên cứu được xem xét cho thấy khoảng 70% số người sử dụng cốc kinh nguyệt trong nghiên cứu rất vui khi tiếp tục sử dụng sản phẩm một khi họ đã làm quen với cách sử dụng chúng một cách chính xác. Việc làm quen sử dụng là phần khiến nhiều người dùng lần đầu tiên thấy khó khăn nhất. Sáu nghiên cứu định tính cho thấy nhiều người tham gia cần sử dụng cốc kinh nguyệt trong nhiều chu kỳ để có thể tự tin sử dụng chúng.
Đánh giá cũng cho thấy thông tin về cốc kinh nguyệt và cách sử dụng chúng thường là thiếu, và nhiều người vẫn không biết rằng những sản phẩm tái sử dụng này thậm chí rất có lợi. Ba nghiên cứu làm việc với đoàn hệ từ các quốc gia có thu nhập cao cho thấy chỉ có 11 đến 33% những người sử dụng sản phẩm kinh nguyệt biết rằng cốc kinh nguyệt có bán trên thị trường. Hơn nữa, trong số 69 trang web giáo dục từ 27 quốc gia cung cấp thông tin về tuổi dậy thì và kinh nguyệt, chỉ có 30% đề cập đến cốc kinh nguyệt.
Cốc kinh nguyệt an toàn khi sử dụng
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét mức độ an toàn sử dụng của cốc kinh nguyệt. Họ cũng phân tích các tác động bất lợi theo như báo cáo của người dùng châu Âu, Bắc Mỹ và châu Phi.
Trong số những người tham gia trong các nghiên cứu có sẵn này, chỉ có năm báo cáo cho thấy người dùng gặp phải hội chứng sốc độc sau khi sử dụng cốc kinh nguyệt. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng không rõ có bao nhiêu người thực sự sử dụng cốc kinh nguyệt. Do đó, họ không thể so sánh tỷ lệ rủi ro giữa cốc kinh nguyệt và các sản phẩm kinh nguyệt dùng một lần.
Bốn nghiên cứu báo cáo rằng sử dụng cốc kinh nguyệt không ảnh hưởng đến hệ thực vật âm đạo. Nghiên cứu kiểm tra ống âm đạo và cổ tử cung sau khi một người sử dụng cốc kinh nguyệt cho thấy sản phẩm này không gây tổn thương mô. Tuy nhiên, có thể có một số rủi ro cho phụ nữ sử dụng dụng cụ tử cung (IUDs) do đó các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được 13 trường hợp bị trật vị trí của IUD sau khi tháo cốc kinh nguyệt sau khi sử dụng. Trong số những người sử dụng cốc kinh nguyệt, năm người báo cáo bị đau, ba người bị vết thương âm đạo, sáu người bị dị ứng và chín người cho biết họ gặp vấn đề về đường tiết niệu.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng: dựa trên các nghiên cứu có sẵn, cốc kinh nguyệt ít nhất là cũng an toàn và đáng tin cậy như các sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt khác, và họ kêu gọi các nhà giáo dục đưa chúng vào bài giảng, cung cấp thông tin cho học sinh.
“Đánh giá có hệ thống này cho thấy cốc kinh nguyệt có thể là một lựa chọn chấp nhận được và là lựa chọn an toàn cho vệ sinh kinh nguyệt ở các nước thu nhập cao, thu nhập thấp và thu nhập trung bình nhưng nó không được biết đến nhiều. Phát hiện của chúng tôi có thể thông báo cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà làm chương trình rằng cốc kinh nguyệt là một lựa chọn thay thế cho các sản phẩm vệ sinh dùng một lần, ngay cả khi nước và các công trình vệ sinh kém”, tác giả nghiên cứu cho biết.
Lời cảnh báo
Đánh giá cũng đưa ra cảnh báo rằng có nhiều nghiên cứu mà các tác giả đã xem xét không đủ chất lượng cao. Nhiều nghiên cứu không có trong các tạp chí đánh giá ngang hàng, những nghiên cứu khác đã quá cũ và báo cáo dữ liệu không chính xác. Các tác giả đánh giá lưu ý cũng lưu ý rằng hầu hết các nghiên cứu đều dựa vào tự báo cáo, điều này có thể dẫn đến sự đánh giá quá cao và không chính xác.
Vì những lý do này và các lý do khác, các nhà điều tra kêu gọi các nhà nghiên cứu tiến hành các nghiên cứu sâu sắc hơn về sự an toàn và mức độ rủi ro của việc sử dụng cốc kinh nguyệt, cũng như về tác động môi trường thực sự và hiệu quả chi phí của chúng.
P.T.T (NASATI), theo https://www.medicalnewstoday.com/articles/325790.php, 19/7/2019