Chất ngọt nhân tạo 'không gây hại” cho sức khỏe
Cập nhật vào: Thứ ba - 15/01/2019 11:50 Cỡ chữ
Chất ngọt không đường đã trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận gay gắt trong nhiều thập kỷ. Nó có lợi cho sức khỏe hay tăng nguy cơ rủi ro? Một nghiên cứu gần đây đã làm gay gắt vấn đề thêm một lần nữa bởi nó cho rằng có rất ít bằng chứng về lợi ích hoặc tác hại của chất ngọt không đường.
Khi các bằng chứng chứng minh tác dụng phụ của đường trở nên không thể bác bỏ, một cuộc đua tìm giải pháp thay thế đã bắt đầu.
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã phê duyệt một số chất làm ngọt không đường có độ ngọt hơn đường nhưng có ít hoặc không chứa calo.
Do các hợp chất này, còn được gọi là chất làm ngọt nhân tạo, là những phát minh tương đối mới, nên đã xảy ra nhiều tranh cãi về lợi ích tiềm năng và tác dụng phụ của chúng.
Một số nghiên cứu cho rằng việc thay thế đường tiêu chuẩn bằng chất ngọt không đường có thể giúp giảm cân và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Mặt khác, một số nhà nghiên cứu kết luận rằng, trên thực tế chất làm ngọt không đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và rối loạn chuyển hóa. Chất ngọt không đường cũng có liên quan đến nguy cơ ung thư, mặc dù bằng chứng ủng hộ mối liên quan này là rất ít.
Để có một bức tranh rõ ràng hơn đối với vấn đề này, một nhóm các nhà nghiên cứu gần đây đã tiến hành nghiên cứu các nghiên cứu hiện có để tìm kiếm câu trả lời kết luận. Kết quả của họ được công bố trên tạp chí The BMJ mới đây.
Các nhà khoa học đã đánh giá 56 tài liệu nghiên cứu, do đó nghiên cứu này được xem là nghiên cứu đánh giá toàn diện nhất đối với vấn đề này cho đến nay. Các nghiên cứu mà họ phân tích bao gồm những người tham gia nghiên cứu là người trưởng thành và trẻ em, và họ so sánh mức độ ít và không tiêu thụ chất làm ngọt so sới mức tiêu thụ cao hơn.
Chất ngọt nhân tạo: giúp giảm cân hay kẻ thù?
Họ đã điều tra một loạt các thông số, bao gồm sức khỏe răng miệng, bệnh thận và tim mạch, ung thư, lượng đường trong máu, hành vi, tâm trạng, và quan trọng là chỉ số cân nặng và khối lượng cơ thể (BMI).
Điều đáng ngạc nhiên là, đối với hầu hết các kết quả y tế, dường như không có sự khác biệt đáng kể giữa những người tiêu thụ chất ngọt không đường và những người không.
Các tác giả viết: “Đối với hầu hết các kết quả, dường như không có sự khác biệt về mặt thống kê hoặc lâm sàng giữa lượng những người tiêu thụ chất làm ngọt không đường so với những người không dùng hoặc giữa các liều lượng khác nhau của chất ngọt không đường”.
Trong một số nghiên cứu quy mô nhỏ hơn, họ đã tìm thấy một vài bằng chứng rằng việc sử dụng chất làm ngọt không đường giúp giảm chỉ số BMI và lượng đường trong máu, nhưng nó không hấp dẫn, không đủ mạnh.
Tương tự như vậy, các nhà khoa học đã thấy có sự suy giảm nhẹ cân nặng ở những người tiêu thụ lượng chất ngọt không đường thấp, nhưng bằng chứng cũng không đủ cơ sở.
Chất ngọt nhân tạo giảm nhẹ cân nặng nhưng không ảnh hưởng đến chỉ số BMI ở trẻ em
Khi nhóm nghiên cứu xem xét các nghiên cứu tập trung vào những trẻ béo phì và thừa cân, các kết luận cho thấy không có bằng chứng mạnh mẽ về lợi ích của chất làm ngọt không đường. Họ cũng tìm kiếm các bằng chứng về tác dụng phụ hoặc những biến cố bất lợi liên quan. Ở đây, dữ liệu không có kết luận như nhau nhưng, những tác hại tiềm tàng không thể loại trừ.
Cần nghiên cứu sâu hơn nữa
Trong bài báo của họ, các tác giả nhắc lại rằng bằng chứng họ tìm thấy có chất lượng kém, đánh giá nó là “rất thấp đến trung bình”. Họ kêu gọi cần tiến hành các nghiên cứu quan trọng, dài hạn để đánh giá những ảnh hưởng như thế nào đối với thừa cân và béo phì, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh thận.
Nghiên cứu đã được xuất bản cùng với một bài xã luận được viết bởi Vasanti S. Malik, Trường Đại học y tế công cộng Harvard T.H. Chan, Boston, MA.
Cô viết rằng, mặc dù các phân tích tổng hợp như thế này rất quan trọng và hữu ích, chúng ta vẫn cần thận trọng khi đưa ra kết luận. Không nên bỏ qua các kết quả nghiên cứu chất lượng cao.
“Ví dụ, các thử nghiệm của Ruyter và các đồng nghiệp và của Ebbeling và đồng nghiệp, quy mô lớn nhất và được tiến hành nghiêm ngặt nhất cho đến nay, cung cấp bằng chứng mạnh mẽ rằng việc thay thế đồ uống có đường bằng việc cân nhắc chế độ ăn giúp làm giảm cân nặng ở trẻ em và thanh thiếu niên sau 1 năm theo dõi”, cô viết.
Nhìn chung, Malik đồng ý với các tác giả của nghiên cứu trong việc kêu gọi nghiên cứu thêm. Bà kết luận rằng, các chính sách và khuyến nghị sẽ cần cập nhật thường xuyên để đảm bảo sức khỏe cộng đồng bởi vì chất ngọt không đường hiện phổ biến hơn bao giờ hết. Hiểu được lợi ích hoặc rủi ro - ngay cả khi chúng tương đối nhỏ - rất quan trọng đối với người dân. Cho dù các chất ngọt này giúp giảm nhẹ nguy cơ béo phì hoặc tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thì các nhà nghiên cứu cần khám phá sự thật về nó một cách rõ ràng hơn.
P.T.T (NASATI), theo https://www.medicalnewstoday.com/articles/324103.php, 08/01/2019