Nghiên cứu nhân nhiễm Cd và Hg trên sò lông (Anadara subcrenata), điệp (Mimachlamys Nobilis) và nghêu lụa (Paphia undulata) trong vùng thu hoạch trọng điểm và giải pháp phòng ngừa
Cập nhật vào: Thứ ba - 05/11/2019 20:05 Cỡ chữ
Nghêu lụa (Paphia undulata), sò lông (Anadara subcrenata), điệp quạt (Mimachlamys nobilis) là những loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao. Một trong những đặc điểm sinh học đặc trưng của các loài này là ăn lọc thụ động, thức ăn chủ yếu tìm thấy trong dạ dày là mùn bã hữu cơ, thực vật phù du và động vật nguyên sinh (Quayle & Newkirk, 1989). Qua nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy chúng khả năng tích tụ các chất ô nhiễm trong cơ thể khá cao.
Nghêu lụa
Thực trạng hiện nay xuất hiện NTHMV trong các vùng thu hoạch trọng điểm ở tỉnh Bình Thuận và tỉnh Kiên Giang đã bị nhiễm KLN ở mức không đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặc dù các cơ quan chức năng đã ghi nhận được và tăng cường giám sát tình trạng nhiễm nhưng vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân. Giải pháp tạm thời cho chế độ sau thu hoạch là tách bỏ một số bộ phận của cơ thể bị nhiễm KLN với nồng độ cao.
Sò lông
Nguồn gây nhiễm KLN vào môi trường và NTHMV ở cửa sông ven biển được đánh giá chủ yếu từ lục địa, do sông tải ra. Hàm lượng các kim loại tìm thấy trong NTHMV là kết quả của quá trình tương tác phức tạp của sự xâm nhập ion hoà tan và thông qua chuỗi thức ăn trong môi trường sống. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu trong nước mới chỉ dừng lại ở đánh giá mức độ tích tụ các KLN trong NTHMV; chưa đề cập đến xác định nguồn, nguyên nhân gây nhiễm KLN vào cơ thể các đối tượng này; do đó cũng chưa đưa ra các giải pháp khắc phục và phòng ngừa nhằm đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhu cầu thị trường nhập khẩu của các nước và tiêu thụ nội địa cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều vùng thu hoạch NTHMV đã và đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ngày một tăng, luôn tiền ẩn sự cố không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu cũng ngày càng nghiêm ngặt hơn. Trong khi đó, các thông tin về mức độ, nguồn, nguyên nhân nhiễm KLN ở các vùng thu hoạch trọng điểm còn hạn chế, chưa phục vụ hiệu quả chương trình giám sát thu hoạch cũng hoạt động của nghề nuôi/khai thác, chế biến và xuất khẩu các đối tượng này.
Đề tài “Nghiên cứu nguyên nhân nhiễm Cd và Hg trên sò lông (Anadara subcrenata), điệp (Mimachlamys nobilis) và nghêu lụa (Paphia undulata) trong vùng thu hoạch trọng điểm và giải pháp phòng ngừa” do ThS. Nguyễn Công Thành, Viện nghiên cứu Hải sản làm chủ nhiệm đã được xây dựng và thực hiện nhằm góp phần giải quyết các vấn đề về cơ sở khoa học và thực tiễn sản xuất nêu trên. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là nhằm xác định được nguồn và nguyên nhân gây nhiễm Cd và Hg trên sò lông (Anadara subcrenata), điệp quạt (Mimachlamys nobilis), nghêu lụa (Paphia undulata) ở những vùng thu hoạch trọng điểm và giải pháp khắc phục.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả đáng chú ý như sau:
· Chất lượng môi trường nước, trầm tích, trầm trích lơ lửng và sinh vật phù du vùng thu hoạch Quảng Ninh, Bình Thuận, Kiên Giang thể hiện rõ phân bố theo mùa, hàm lượng Cd, Hg các tháng mùa mưa cao hơn các tháng mùa khô, đặc trưng của vùng biển ven bờ. Tuy nhiên, mức độ chênh lệch hàm lượng Cd, Hg giữa hai mùa không lớn. Hàm lượng Cd, Hg trong môi trường nước và trầm tích thấp hơn GHCP.
· Hàm lượng Cd, Hg trong TTLL&SVPD trong vùng thu hoạch rất cao, đặc biệt là thông số Cd. Hàm lượng Cd trong TTLL&SVPD cao gấp khoảng hơn 10 nghìn lần so với hàm lượng trong môi trường nước và gấp hơn khoảng hơn 7 lần Cd trong trầm tích. Mức độ tích tụ kim loại Cd, Hg trong TTLL&SVPD ở vùng thu hoạch tỉnh Bình Thuận cao nhất, tiếp đến là vùng Kiên Giang, thấp nhất là vùng Quảng Ninh. Đây là hợp phần mới lần đâu tiên được đánh giá ở vùng thu hoạch NTHMV.
· Trong trầm tích, các dạng tồn tại F1, F2, F3 của Cd tại vùng thu hoạch ở Bình Thuân > Kiên Giang > Quảng Ninh; chỉ có dạng tồn tại F2 của Hg tại ở vùng thu hoạch Bình Thuận > Kiên Giang > Quảng Ninh. Tổng dạng tồn tại F1, F2, F3 của Cd trong TTLL&SVPD cao hơn tổng dạng F1, F2, F3 của Cd trong môi trường trầm tích. Chỉ số RAC của Cd ở vùng nuôi của Bình Thuận ở mức rủi ro cao - rất cao, Kiên Giang ở mức trung bình - cao, Vân Đồn - Quảng Ninh ở mức rủi ro trung bình. Đây cũng là nguồn tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm ngược trở lại môi trường nước và sinh vật đáy.
· Biến động hàm lượng Cd, Hg trong TTLL&SVPD tăng dần từ trong sông ra cửa sông và vùng thu hoạch, thể hiện xu thế người lại với ion hoàn tan trong môi trường nước. Từ nguồn dữ liệu khảo sát trong sông và trạm mở rộng ở vùng thu hoạch cùng với số liệu ở vùng thu hoạch cho thấy nguồn gây ô nhiễm môi trường vùng thu hoạch là nguồn lục địa theo các sông/rạch đưa ra.
· Mức độ tích tụ kim loại Cd trong nghêu lụa, sò lông và điệp quạt thể hiện rõ và cao hơn Hg. Mức độ tích tụ Cd trong điệp quạt cao nhất tiếp đến là sò lông và thấp nhất là nghêu lụa. Theo bộ phận cơ thể, mức độ tích tụ Cd, Hg theo thứ tự sau: Dạ dày > màng áo > mang > chân > cồi (đối với điệp quạt). Theo vùng thu hoạch, nghêu lụa và sò lông ở vùng thu hoạch tỉnh Bình Thuận nhiễm Cd cao nhất, tiếp đến là vùng Kiên Giang và thấp nhất là vùng Vân Đồn - Quảng Ninh, tương ứng với chỉ số RAC.
· Mức độ nhiễm Hg trên 3 đối tượng nghiên cứu thấp hơn Cd, chỉ bắt gặp một số điểm thu mẫu có hàm lượng vượt GHCP. Mức độ nhiễm Hg vượt GHCP chủ yếu chỉ bắt gặp ở vùng thu hoạch tỉnh Bình Thuận. Theo bộ phận cơ thể, dạ dày có hàm lượng Hg cao nhất, tiếp đến là màng áo, mang, chân và cồi (đối với điệp quạt).
· Kết quả thí nghiệm ghi nhận sự tích tụ Cd, Hg dạng ion trong môi trường nước ở nồng độ 5mg/l đối với điệp quạt và 10mg/l đối với nghêu lụa và sò lông. Đối với lô thí nghiệm ở nồng độ Cd, Hg là 5mg/l và có bổ sung thức ăn thì ghi nhận được rõ hiện tượng nhiễm trên cả 3 đối tượng. Các lô thí nghiệm với thức ăn bị nhiễm Cd, Hg sau 6 ngày - 111 - đều cho thấy sự tích tụ trên nghêu lụa, sò lông, điệp quạt. Khả năng tự đào thải của 3 đối tượng nghiên cứu rất thấp, mức độ đào thải chỉ thể hiện rõ ở lô thí nghiệm đào thải từ thí nghiệm nhiễm thức ăn.
· Từ kết quả hàm lượng Cd, Hg ở hiện trường vùng thu hoạch và kết quả của các lô thí nghiệm tích tụ cho thấy, nguồn và nguyên nhân nhiễm Cd trên sò lông, điệp và nghêu lụa chủ yếu từ nguồn thức ăn là TTLL&SVPD. Mức độ nhiễm lớn nhất ở Bình Thuận, tiếp đến Kiên Giang và thấp nhất là Quảng Ninh, tương ứng với thứ tự RAC của Cd trong trầm tích ở 3 vùng nghiên cứu này.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15117/2016) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.K.L (NASATI)
nhuyễn thể, giá trị, kinh tế, sinh học, thụ động, thức ăn, chủ yếu, dạ dày, hữu cơ, thực vật, phù du, động vật, nguyên sinh, nghiên cứu, nhà khoa học, thế giới, khả năng, tích tụ, ô nhiễm, cơ thể