Nghiên cứu ứng dụng chất tạo màng sinh học nhằm kéo dài thời gian bảo quản quýt
Cập nhật vào: Thứ tư - 26/06/2019 10:30
Cỡ chữ
Đề tài “Ứng dụng saponin kết hợp với chitosan và axit axetic tạo màng sinh học, nhằm kéo dài thời gian bảo quản và giữ được các đặc tính đặc trưng của quả quýt tỉnh Cao Bằng” do PGS. TS. Nguyễn Văn Lợi (Viện Công nghệ HaUI - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) làm chủ nhiệm đã đạt được những kết quả tích cực và có tính ứng dụng cao.
Vườn quýt tại xã Quang Hán
Sau 2 năm triển khai thực hiện (12/2017 - 11/2019), đề tài đã đáp ứng được mục tiêu và nội dung đề ra, cụ thể: xác định phương pháp tạo màng phù hợp để bảo quản quả quýt; biến đổi chất lượng của quả quýt Cao Bằng trước và trong quá trình bảo quản; xây dựng quy trình công nghệ bảo quản quả quýt Cao Bằng bằng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic ở điều kiện bình thường với nông độ chế phẩm là 1,5% và thời gian nhúng là 2 phút; xây dựng mô hình bảo quản quýt bằng màng sinh học (quy mô 0,75 tấn/mẻ bảo quản tại xã Quang hán, huyện Trà Lĩnh), kết quả cho thấy sau 6 tuần bảo quản quả quýt vẫn giữ được các đặc tính, đặc trưng, bên cạnh đó đưa ra được 6 giải pháp, ứng dụng nhân rộng kết quả nghiên cứu của đề tài; tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ thuật và 1 hội thảo khoa học về quy trình công nghệ bảo quản quả quýt bằng màng sinh học.
Mới đây, Sở KH&CN Cao Bằng đã tổ chức họp Hội đồng khoa học đánh giá nghiệm thu đè tài. Cơ quan chủ trì và nhóm thực hiện đề tài đã nghiêm túc triển khai thực hiện và hoàn thành các nội dung theo Hợp đồng đã ký kết, kết quả của đề tài là cơ sở để chính quyền địa phương tiếp tục đầu tư, áp dụng giải pháp đối với những loại rau quả khác tại địa phương. Hội đồng cũng đề nghị nhóm tác giả bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung trong báo cáo tổng kết, như: cần đánh giá thêm về tình hình áp dụng màng bọc sinh học này với những loại rau quả khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; quy trình kỹ thuật bảo quản cần viết dễ hiểu, dễ áp dụng với người dân; cần đánh giá thêm hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, môi trường của quy trình; tiếp tục tuyên truyền kết quả của đề tài để lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người dân quan tâm áp dụng và mở rộng sản xuất…
Nhóm nghiên cứu Đề tài đã tổ chức buổi tập huấn kỹ thuật bảo quản quả quýt Trà Lĩnh bằng màng sinh học (saponin kết hợp với chitosan và axit axetic). Tới dự buổi tập huấn, về phía Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Cao Bằng có sự tham dự của Bà Vũ Thị Hồng Thúy - Phó Giám đốc và các cán bộ của Sở, đại diện UBND xã Quang Hán và UBND huyện Trà Lĩnh, cùng đông đảo các hộ nông dân trồng quýt trên địa bàn xã Quang Hán. Quýt là cây trồng được trồng nhiều ở tỉnh Cao Bằng hiện nay, đặc biệt là ở huyện Trà Lĩnh có 70,04 ha.
Hình ảnh quýt bảo quản tại mô hình
Công nghệ xử lý, bảo quản tại đây phần lớn vẫn theo phương pháp truyền thống với quy mô nhỏ, chi phí bảo quản cao (bảo quản bằng hóa chất, bảo quản lạnh) nên số lượng sản phẩm bảo quản tuy nhiều nhưng chất lượng chưa cao, thời gian bảo quản ngắn, tỷ lệ thối hỏng trong quá trình bảo quản cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Công nghệ bảo quản quả quýt bằng màng sinh học saponin kết hợp với chitosan và axit axetic được thực hiện trong điều kiện môi trường tự nhiên, do đó tiết kiệm được các chi phí trong quá trình bảo quản và áp dụng được ở nhiều quy mô như quy mô công nghiệp, quy mô trang trại, quy mô gia đình, với giá thành chỉ bằng 60- 65% so với phương pháp bảo quản lạnh. Đặc biệt đây là màng sinh học, ăn được do đó đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
NASATI