Đánh giá tính thích ứng của một số tổ hợp bông lai kháng sâu, rầy tại một số tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc
Cập nhật vào: Thứ tư - 11/09/2019 14:12
Cỡ chữ
Năng suất bông bình quân của Việt Nam thấp (440 - 460kg xơ/ha) và tăng chậm. Chi phí sản xuất cao, ước tính 11 - 12 triệu đồng/ha (570 - 600 USD/ha). Các đơn vị sản xuất khó có thể dùng biện pháp tăng giá mua để kích thích người trồng, đồng thời, hiệu quả sản xuất bông thấp, rủi ro cao, cây bông mất ưu thế cạnh tranh so với cây trồng khác. Một trong những hạn chế năng suất bông và tổ chức phát triển bông Việt Nam là mức độ khác biệt khá lớn về điều kiện sinh thái vùng và vụ gieo trồng; chi phí đầu vào cao do sâu hại (sâu đục quả, chích hút), bệnh hại (như đốm lá, phấn trắng...) và cỏ dại phổ biến ở các vùng; đặc biệt là một số tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.
Lịch sử phát triển và sử dụng giống tại Việt Nam cho thấy giống thuần, do bản chất đồng hợp tử tất cả các gen nên khó tổ hợp được tất cả các tính trạng tốt, tốn kém chi phí và thời gian chọn tạo (10 - 12 vụ). Các giống thuần hiện có như TH1, TH2, MCU9, M456-10, D16-2, C118 có một số nhược điểm như khả năng sinh trưởng và chống chịu bất lợi ngoại cảnh kém, nhiễm sâu đục quả nên năng suất thấp (0,6 - 0,7 tấn/ha). Ngược lại, giống bông lai tốn ít chi phí và thời gian chọn tạo hơn (3 - 4 vụ). Bản thân chúng là tổ hợp hệ gen của 2 bố mẹ, do đó, dễ dàng tổ hợp các tính trạng tốt, mong muốn như chín sớm, chất lượng tốt, chống chịu nhiều mặt với sâu hại…; hơn nữa trạng thái dị hợp tử của các gen là tiền đề tạo ưu thế lai cao về sinh trưởng, năng suất và khả năng chống chịu ngoại cảnh bất lợi. Thành tựu tạo giống lai trong hơn 10 năm qua đã chứng minh cho thấy các giống phổ biến như VN15, VN01-2, VN04-3, VN04-4, VN04-5 và VN35KS đều có khả năng sinh trưởng mạnh, năng suất vượt 1,7 - 2,0 lần so với giống thuần, đồng thời có chất lương xơ tốt, kháng sâu xanh và rầy xanh.
Trong bối cảnh như vậy, việc phát triển các tổ hợp bông lai kháng sâu, rầy cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống hiện đang trồng có tính thích ứng phù hợp với các vùng trồng bông chính như Tây Nguyên và miền núi phía Bắc nhằm dần thay thế các giống cũ đang trồng phổ biến là một giải pháp kỹ thuật thích hợp, tăng hiệu quả kinh tế để tăng khả năng cạnh tranh của cây bông, khôi phục và phát triển sản xuất bông nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cao và ngày càng tăng của ngành Dệt - May, tăng tỷ lệ nội địa, giảm nhập siêu, đa dạng hóa sản xuất. Do đó, nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Văn Sơn, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá tính thích ứng của một số tổ hợp bông lai kháng sâu, rầy tại một số tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc”.
Trong một thời gian nghiên cứu (từ tháng 01/2016 đến tháng 12/2017), nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau:
1. Trong tuyển chọn, thử nghiệm các tổ hợp bông lai đã xác định được hai tổ hợp bông lai 254/SCDR2 (Đắc Lắc và Gia Lai) và 1247/SCNM (Sơn La) có khả năng kháng sâu kháng rầy cao, cho hiệu quả kinh tế cao hơn đối chứng VN01-2 41,3 và 44,0% (Đắc Lắc và Gia Lai) và 51,3% (Gia Lai).
2. Trong nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp với các tổ hợp bông lai kháng sâu, rầy triển vọng đã xác định:
- Về mật độ gieo trồng và liều lượng phân bón:
+ Tại Đắc Lắc và Gia Lai, trong điều kiện vụ mưa và có phun PIX, tổ hợp bông lai 254/SCDR2 gieo với mật độ 6,5 vạn cây/ha kết hợp bón phân với liều lượng 120N:60P2O5:75K2O cho năng suất (tương ứng là 39,5 và 40,1 tạ/ha) và hiệu quả kinh tế cao nhất (tương ứng là 11,7 và 12,2 triệu đồng/ha).
+ Tại Sơn La, trong điều kiện vụ mưa và có phun PIX, tổ hợp bông lai 1247/SCNM gieo với mật độ 8,0 vạn cây/ha kết hợp với bón phân với liều lượng 150N:75P2O5:75K2O cho năng suất (35,5 tạ/ha) và hiệu quả kinh tế cao nhất (7,3 triệu đồng/ha).
- Về số lần phun PIX và mật độ gieo trồng:
+ Tại Đắc Lắc, tổ hợp bông lai 254/SCDR2 gieo trồng với mật độ 6,5 vạn cây/ha và phun PIX 4 lần (lần 1 lúc có 50% có nụ đầu tiên với liều lượng 150 lít/ha, phun lần 2 sau lần 1 là 15 ngày với liều lượng 300 lít/ha, phun lần 3 sau lần 2 là 15 ngày, với liều lượng tương ứng 450 lít/ha, lần thứ 4 cách lần 3 là 15 ngày, với liều lượng 450 lít/ha) mang lại năng suất (37,6 tạ/ha) và hiệu quả kinh tế cao nhất (8.043.000 đồng/ha).
+ Tại Gia Lai, tổ hợp bông lai 254/SCDR2 khi gieo trồng với mật độ 6,5 vạn cây/ha và phun PIX 3 lần (lần 1 lúc có 50% có nụ đầu tiên với liều lượng 150 lít/ha, phun lần 2 sau lần 1 là 15 ngày với liều lượng 300 lít/ha, phun lần 3 sau lần 2 là 15 ngày, với liều lượng tương ứng 450 lít/ha) cho năng suất (35,4 tạ/ha) và hiệu quả kinh tế cao nhất (7.245.000 đồng/ha).
+ Tại Sơn La tổ hợp bông lai 1247/SCNM gieo trồng với mật độ 8,0 vạn cây/ha và phun PIX 2 lần (lần 1 lúc có 50% có nụ đầu tiên với liều lượng 150 lít/ha, phun lần 2 sau lần 1 là 15 ngày với liều lượng 300 lít/ha) đạt năng suất (32,8 tạ/ha) và hiệu quả kinh tế cao nhất (5.783.000 đồng/ha).
3. Nhân các dòng/giống bố mẹ và sản xuất hạt giống bông lai:
- Nhân được tổng cộng 17,4 kg hạt của 14 dòng/giống bố mẹ và tạo được 50,3 kg hạt của 15 tổ hợp bông lai cung cấp cho thử nghiệm.
- Nhân được tổng cộng 10 kg hạt của 4 dòng/giống bố mẹ và tạo được 33,9 kg hạt của 2 tổ hợp bông lai triển vọng cung cấp cho nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật canh tác.
- Sử dụng tổ hợp lai kháng sâu, kháng rầy 254/SCDR2 để thay thế các giống bông lai kháng sâu, kháng rầy đang trồng phổ biến tại Tây Nguyên và sử dụng tổ hợp lai kháng sâu, kháng rầy 1247/SCNM để thay thế các giống giống bông lai kháng sâu, kháng rầy đang trồng phổ biến tại Miền núi phía Bắc.
- Bổ sung vào quy trình sản xuất cho tổ hợp bông lai 1247/SCNM tại Sơn La và 254/SCDR2 tại Đắc Lắc và Gia Lai với các biện pháp cụ thể như sau:
+ Tại Đắc Lắc:
* Mật độ gieo: 6,5 vạn cây/ha
* Lượng phân bón: 120N:60P2O5:75K2O
* Phun PIX: 4 lần (lần 1 lúc có 50% có nụ đầu tiên với liều lượng 150 lít/ha, phun lần 2 sau lần 1 là 15 ngày với liều lượng 300 lít/ha, phun lần 3 sau lần 2 là 15 ngày, với liều lượng tương ứng 450 lít/ha, lần thứ 4 cách lần 3 là 15 ngày, với liều lượng 450 lít/ha).
+ Tại Gia Lai
* Mật độ gieo: 6,5 vạn cây/ha
* Lượng phân bón: 120N:60P2O5:75K2O
* Phun PIX: 3 lần (lần 1 lúc có 50% có nụ đầu tiên với liều lượng 150 lít/ha, phun lần 2 sau lần 1 là 15 ngày với liều lượng 300 lít/ha, phun lần 3 sau lần 2 là 15 ngày, với liều lượng tương ứng 450 lít/ha).
+ Tại Sơn La
* Mật độ gieo: 8,0 vạn cây/ha
* Lượng phân bón: 150N:75P2O5:75K2O
* Phun PIX: 2 lần (lần 1 lúc có 50% có nụ đầu tiên với liều lượng 150 lít/ha, phun lần 2 sau lần 1 là 15 ngày với liều lượng 300 lít/ha).
- Áp dụng quy trình bổ sung để tiến hành trồng thử nghiệm hai tổ hợp bông lai triển vọng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14777/2018) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
năng suất, chi phí, sản xuất, đơn vị, có thể, biện pháp, kích thích, thời hiệu, rủi ro, cạnh tranh, hạn chế, tổ chức, phát triển, mức độ, khác biệt, phổ biến, đặc biệt, tây nguyên