Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây nguyên liệu dầu và cây tinh dầu
Cập nhật vào: Thứ năm - 19/09/2019 14:34
Cỡ chữ
Tài nguyên di truyền thực vật là một bộ phận của giống, là vật liệu ban đầu để lai tạo ra giống mới và là hạt nhân của đa dạng sinh học nên giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp của mỗi quốc gia. Thực tế cho thấy quốc gia nào sở hữu nguồn tài nguyên di truyền sinh vật nói chung và nguồn tài nguyên thực vật nói riêng càng đa dạng và phong phú thì sẽ đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác chọn tạo giống mới phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Thuộc nhiệm vụ thường xuyên bảo tồn và lưu giữ nguồn gen thực vật và vi sinh vật ngành công nghiệp, hợp đồng đặt hàng sản xuất và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ số: 004.16.NVQG/HĐ-KHCN ngày 20/01/2016 giữa Bộ Công Thương và Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu về việc thực hiện nhiệm vụ “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây nguyên liệu dầu và cây tinh dầu” năm 2016.
Mục tiêu nhiệm vụ: Thu thập, bảo tồn, tư liệu hóa, đánh giá và tuyển chọn các giống cây nguyên liệu dầu, tinh dầu có nguồn gen quý hiếm để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế ngành dầu thực vật.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Cây dừa: Đã bảo tồn an toàn trên đồng ruộng (ex-situ) và trong vườn nông dân (on-farm) 51 mẫu giống dừa có nguồn gốc trong nước và nhập từ nước ngoài. Đã cung cấp số liệu đánh giá nguồn gen, góp phần trong việc công nhận chính thức giống dừa Sáp trong năm 2016.
- Cây tinh dầu: Đã bảo tồn an toàn trên đồng ruộng 21 mẫu giống cây tinh dầu hiện có, được chăm sóc trong vườn ươm tại Trung tâm Dừa Đồng Gò và Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng.
- Cây phi long: Đã chăm sóc, đánh giá khả năng sinh trưởng, bảo tồn an toàn trên đồng ruộng 3 mẫu giống cây phi long hiện có tại Trung Trung tâm Sản xuất Giống Trảng Bàng.
- Cây Jatropha: Đã bảo tồn an toàn trên đồng ruộng (ex-situ) 86 mẫu giống Jatropha có nguồn gốc trong nước và nhập nội. Đã khảo sát, đánh giá và tư liệu hóa 14 mẫu giống Jatropha.
- Cây lạc: Đã thu thập được 2 mẫu giống lạc mới từ Bình Thuận (ĐP7, ĐP8). Bảo tồn và lưu giữ được 171 mẫu giống tính cho đến cuối năm 2016. Tất cả các mẫu giống thu thập hiện đang được bảo quản tốt trong kho lạnh. Đã khảo sát, đánh giá đặc tính nông sinh học chủ yếu và tư liệu hoá 2 mẫu giống lạc ĐP Bình Thuận. Đã phục tráng được 2 nguồn gen lạc VD01-1, VD01-2. Đã cung cấp nguồn gen, góp phần trong việc công nhận giống sản xuất thử giống lạc VD8.
- Cây vừng: Đã thu thập được 2 mẫu giống vừng mới từ Đồng Tháp (SE49) và Tây Ninh (SE61). Bảo tồn và lưu giữ được 84 mẫu giống tính cho đến cuối năm 2016. Tất cả các mẫu giống thu thập hiện đang được bảo quản tốt trong kho lạnh. Đã khảo sát, đánh giá đặc tính nông sinh học chủ yếu và tư liệu hoá 2 mẫu giống vừng SE49 và SE61. Đã phục tráng được 2 nguồn gen vừng VDM07-7 và VDM08-18. Đã cung cấp nguồn gen, góp phần trong việc công nhận giống sản xuất thử giống vừng VDM3 và VDM34.
- Cây đậu tương: Đã thu thập được 2 mẫu giống đậu tương mới từ An Giang (VDN16) và Cần Thơ (VDN17). Bảo tồn và lưu giữ được 104 mẫu giống tính cho đến cuối năm 2016. Tất cả các mẫu giống thu thập hiện đang được bảo quản tốt trong kho lạnh. Đã khảo sát, đánh giá đặc tính nông sinh học chủ yếu và tư liệu hoá 2 mẫu giống VDN16 và VDN17. Đã phục tráng được 1 nguồn gen đậu tương BC19.
- Đã đăng 1 bài báo “ Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây nguyên liệu dầu, tinh dầu thực vật giai đoạn 2001-2015 và kế hoạch đến năm 2020” trong Tạp chí khoa học và công nghệ Bộ Công Thương. Năm 2016.
Tóm lại, tính đến tháng 12/2016, Nhiệm vụ thường xuyên “Bảo tồn lưu giữ nguồn gen cây nguyên liệu dầu, tinh dầu thực vật” đã bảo tồn và lưu giữ an toàn được 520 mẫu giống các cây nguyên liệu dầu thực vật, tinh dầu (51 mẫu giống dừa, 21 mẫu giống cây tinh dầu, 3 mẫu giống phi long, 86 mẫu giống Jatropha, 171 mẫu giống lạc, 84 mẫu giống vừng và 104 mẫu giống đậu tương). Điều này khẳng định các phương pháp bảo tồn đang được sử dụng là thích hợp. Trong số các mẫu giống được đánh giá ban đầu và đánh giá chi tiết đã có nhiều giống được sử dụng và khai thác có hiệu quả, góp phần quan trọng cho thành công của công tác chọn tạo giống cây có dầu mới cũng như trực tiếp góp phần gia tăng năng suất, sản lượng, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến dầu thực vật.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14141/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG
N.T.T (NASATI)
tài nguyên, di truyền, thực vật, bộ phận, vật liệu, ban đầu, sinh học, vai trò, quan trọng, chiến lược, phát triển, nông nghiệp, quốc gia, thực tế, sở hữu, sinh vật, phong phú, thành tựu, nổi bật, công tác, phục vụ