Tăng cường liên kết giữa khu vực hàn và các khu vực khác trong bối cảnh đại dịch COVID-19
Cập nhật vào: Thứ tư - 24/11/2021 15:07
Cỡ chữ
Trong phản ứng với đại dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu hàn lâm đã phối hợp với các chủ thể của khu vực công và tư khác để phát triển tri thức và công nghệ mới. Trong toàn khối OECD, phần lớn các nhà nghiên cứu trình độ tiến sĩ làm việc trong khu vực tư nhân, bên ngoài khu vực hàn lâm. Tuy nhiên, việc chuyển ra khỏi khu vực nghiên cứu hàn lâm không phải là lựa chọn dễ dàng đối với nhiều nhà nghiên cứu và có rất ít sự trao đổi hai chiều về nhân lực nghiên cứu giữa các lĩnh vực.
Trong toàn khối OECD, các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực giáo dục đại học chỉ chiếm 30% tổng số nhà nghiên cứu và những người làm việc trong khu vực chính phủ khoảng 7% vào năm 2016. Kể từ năm 2005, tỷ lệ tổng chi nghiên cứu và phát triển (GERD) ở khu vực giáo dục đại học, vẫn ổn định ở mức khoảng 17%, trong khi khu vực chính phủ giảm từ 12% xuống khoảng 10% vào năm 2018 (OECD, 2020). Thực tế chỉ có số ít người có bằng tiến sĩ ở nhiều quốc gia sẽ tiếp tục theo học trong khu vực hàn lâm, mặc dù việc đào tạo tiến sĩ vẫn chủ yếu tập trung vào việc làm thế nào để trở thành nhà nghiên cứu. Dù nhiều nhà nghiên cứu sau tiến sĩ cuối cùng đã tìm được những công việc thay thế thành công và vừa ý, nhưng họ thường vấp phải những thách thức lớn trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi liên quan đến việc từ bỏ những tham vọng lâu dài về sự nghiệp học tập và đánh mất bản sắc xã hội.
Trong thập kỷ qua, các điều kiện làm việc trong khu vực nghiên cứu bên ngoài khu vực hàn lâm khá thuận lợi. Trong khi tổng số nhà nghiên cứu đã tăng 37% trên toàn OECD, thì chi nghiên cứu và phát triển tính trên đầu người đã tăng nhanh hơn, 68% từ năm 2005 đến 2018 (OECD, 2020). Năm 2017, có 8,6 nhà nghiên cứu trên 1.000 người lao động, trong khi năm 2005 là 7,0. Những người có bằng tiến sĩ, đặc biệt là những người làm việc trong khu vực tư nhân, được hưởng mức thu nhập trung bình cao hơn so với những người khác. Tuy nhiên, các cơ hội phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực nghiên cứu và có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia trong việc phân bổ người có bằng tiến sỹ theo lĩnh vực nghiên cứu.
Sự dịch chuyển giữa khu vực hàn lâm và các khu vực khác giúp thúc đẩy tương tác hiệu quả giữa nghiên cứu, giáo dục và đổi mới cũng như mở ra các con đường sự nghiệp thay thế. Tuy nhiên, phương thức tạo điều kiện trao đổi các nhà nghiên cứu mới bước vào nghề giữa 2 khu vực này vẫn chưa rõ ràng. Một mặt, những người có bằng tiến sĩ đã được đào tạo trong khu vực hàn lâm, có thể cần được đào tạo thêm và trang bị các kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của các khu vực khác khác. Mặt khác, họ thường gặp trở ngại trong việc quay lại nghiên cứu hàn lâm sau khi làm việc bên ngoài khu vực hàn lâm. Các khía cạnh về đào tạo và kinh nghiệm có thể được đánh giá cao trong các khu vực khác, thường không phù hợp với kỳ vọng cho sự nghiệp hàn lâm. Sự di chuyển liên ngành, đặc biệt là ở giai đoạn đầu sự nghiệp của một nhà nghiên cứu, có thể là tấm vé một chiều ra khỏi khu vực hàn lâm, với rất ít cơ hội quay trở lại. Kết quả có thể là mất vĩnh viễn tài năng trong khu vực hàn lâm.
OECD đã khuyến nghị các quốc gia có thể thực hiện một số hành động để thúc đẩy sự di chuyển của các nhà nghiên cứu giữa các khu vực:
• Hợp tác đào tạo tiến sĩ: chuẩn bị cho những người có bằng tiến sĩ có các nghề nghiệp đa dạng bằng cách thay đổi mục tiêu và nội dung đào tạo tiến sĩ, bao gồm cả việc cung cấp nhiều cơ hội hơn cho các vị trí bên trong tổ chức trong quá trình đào tạo tiến sĩ. Một số quốc gia như Hungary và Bồ Đào Nha, đang phối hợp với ngành công nghiệp đẩy mạnh các loại hình chương trình đào tạo tiến sĩ mới.
• Phát triển sự nghiệp: đầu tư và xúc tiến phát triển nghề nghiệp của các nhà nghiên cứu tiến sĩ và sau tiến sĩ như thông qua tư vấn và cố vấn nghề nghiệp. Tại Vương quốc Anh, các chương trình đào tạo của quỹ Nghiên cứu và Đổi mới của Vương quốc Anh và quỹ Wellcome Trust mang đến cho người nhận nhiều cơ hội phát triển, bao gồm hợp tác với các đối tác ngoài khu vực hàn lâm để chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai của họ. Tại Hàn Quốc, KIURI cung cấp cho các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ cơ hội phát triển sự nghiệp trong ngành công nghiệp và tăng tính độc lập của họ nhờ có các cố vấn nghiên cứu.
• Công bố dữ liệu về các khía cạnh của thị trường lao động gồm các nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ: Ở Bỉ, Cơ quan Nghiên cứu Nghề khoa học cung cấp thông tin này; ở Vương quốc Anh, Vitae là đơn vị công bố kết quả khảo sát về nghề nghiên cứu.
Sự bất an của các cá nhân về nguồn tài trợ ngắn hạn trong nghiên cứu hàn lâm ngày càng gia tăng. Tài trợ nghiên cứu cốt lõi cho trường đại học có thể sẽ giảm ở một số quốc gia và một số lĩnh vực nghiên cứu sau cuộc khủng hoảng COVID-19. Nhân lực nghiên cứu cần phải linh hoạt hơn. Bằng chứng mới cho thấy các công ty nhỏ đã ngừng tuyển dụng các công việc đòi hỏi kỹ năng cao, bao gồm cả các vị trí nghiên cứu trong thời kỳ đại dịch. Những áp lực này làm cho việc trao đổi và chia sẻ các kỹ năng nghiên cứu và thúc đẩy sự dịch chuyển liên ngành càng trở nên cần thiết. Điều quan trọng là phải cải thiện khả năng phục hồi của lực lượng nghiên cứu trong một thị trường lao động bất ổn theo cách có lợi cho cả khu vực hàn lâm và khu vực tư nhân.
P.A.T (NASATI), theo Science, Technology and Innovation Outlook 2021: Times of Crisis and Opportunity, OECD