Tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tới mọi mặt đời sống
Cập nhật vào: Thứ sáu - 21/06/2019 15:45
Cỡ chữ
Trong những năm gần đây, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 chính là chủ đề thường xuyên được thảo luận tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Klaus Schwab, người sáng lập WEF, cho rằng kỷ nguyên của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tới với những biến đổi xã hội có tốc độ, phạm vi, ảnh hưởng hoàn toàn khác với trước đây.
Cách mạng Công nghiệp 4.0, hay viết tắt là 4IR, đề cập đến kỷ nguyên cách mạng đang diễn ra trong đó công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) hội tụ. Cuộc cách mạng sẽ làm bùng nổ những đổi mới sáng tạo công nghệ trong sáu lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo (AI), Robot, Internet vạn vật (IoT), Xe không người lái, In ba chiều và Công nghệ nano. 4IR sẽ bao gồm một loạt các công nghệ mới sử dụng Dữ liệu lớn để kết hợp thế giới vật lý, sinh học và kỹ thuật số lại với nhau theo cách tác động tới tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Một ví dụ về 4IR là lĩnh vực “Trực tuyến tới Ngoại tuyến” hay còn gọi là O2O, trong đó tích hợp thế giới thực với kỹ thuật số. O2O có thể sử dụng đồng hồ thông minh chứa thông tin theo thời gian thực từ bệnh nhân và trao đổi nó với dữ liệu máy tính tích hợp. Các ví dụ khác về 4IR bao gồm thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).
Các công nghệ 4IR có tiềm năng kết nối hàng tỷ lần trên web, cải tiến mạnh hiệu quả hoạt động kinh doanh và môi trường tự nhiên thông qua cải thiện quản lý tài sản. 4IR sẽ trở thành một hướng đổi mới sáng tạo trong cuộc sống, thay thế trí thông minh và trí tuệ của con người nhờ kết hợp trí tuệ nhân tạo với công nghệ robot để thay thế cho lao động. Tập đoàn General Electric (GE) là một ví dụ điển hình cho 4IR đang diễn ra trong hiện tại. Vốn xuất thân là một công ty chiếu sáng, GE đã gia nhập vào các lĩnh vực thiết bị điện, tivi, máy tính, thiết bị gia dụng, máy phát điện, và thậm chí cả thiết bị y tế và động cơ máy bay. Không chỉ đạt nhiều thành công trong các lĩnh vực kinh doanh trước đây, giờ đây GE còn trở thành nhà chế tạo máy bay hàng đầu. Nhờ áp dụng khái niệm 4IR, GE đã tạo ra một mô hình kinh doanh mới vượt mặt doanh số của tất cả các nhà sản xuất động cơ máy bay khác. Gắn cảm biến trên động cơ máy bay là bí quyết giúp họ đạt tới thành công. Các bộ cảm biến “trên chuyến bay” kết nối với các trung tâm dữ liệu mặt đất và gửi hơn 300 loại thông tin theo thời gian thực có giá trị khác nhau đến và đi từ máy bay. Dữ liệu được gửi bao gồm tình trạng động cơ, điều kiện thời tiết và hiệu suất nhiên liệu. Việc truyền phát này cho phép các trung tâm mặt đất phân tích dữ liệu và đưa ra đường bay tối ưu cho máy bay theo thời gian thực, giảm nhiên liệu sử dụng và tiết kiệm được ước tính hai tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, các bộ cảm biến giám sát tình trạng an toàn của máy bay theo thời gian thực, dự đoán các điều kiện bất thường và làm giảm mạnh nguy cơ xảy ra tai nạn và chi phí kiểm tra, cho phép các hãng hàng không cải thiện an ninh cũng như an toàn vận hành.
Rõ ràng, 4IR đang phát triển trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, không chỉ trong lĩnh vực viễn thông, ô tô, năng lượng, các dịch vụ chế tạo, an ninh và năng lượng sinh học mà còn trong lĩnh vực y học và robot. Hiện tại, rất nhiều tập đoàn lớn nỗ lực thương mại hóa 4IR, ví dụ như Google Car, hệ thống giao hàng không người lái của Amazon, Dr.Watson (bác sĩ AI). Nông nghiệp cũng chính là một lĩnh vực mà Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 được kỳ vọng sẽ đem tới những thay đổi toàn diện và sâu sắc.
NASATI