Nghiên cứu sử dụng gỗ Cáng lò (Betula alnoides Buch - Ham), Vối thuốc (Schima wallichii (DC.) Korth) Xà cừ lá nhỏ (Swietenia microphylla) làm nguyên liệu sản xuất đồ mộc
Cập nhật vào: Thứ năm - 15/08/2019 23:41
Cỡ chữ
Cùng với sự phát triển lớn mạnh của ngành công nghiệp chế biến gỗ thì nhu cầu về nguyên liệu ngày càng nhiều. ngoài việc sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước, hàng năm chúng ta phải nhập khẩu một lượng rất lớn gỗ nguyên liệu. Kể từ năm 2013 đến nay (2016), trung bình mỗi năm ngành Chế biến gỗ Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu tăng khoảng 400.000 - 500.000 m3.
Thời gian qua, một số loại gỗ rừng trồng Việt Nam đã được nghiên cứu và đưa vào thực tế sản xuất rất hiệu quả như gỗ của 3 loại Keo, gỗ Thông, gỗ Bạch đàn, gỗ Cao su, v.v... Ngoài ra, việc nghiên cứu tìm ra nguồn nguyên liệu mới để bổ sung thêm cho ngành công nghiệp chế biến gỗ là cần thiết.
Đến nay các công trình nghiên cứu sử dụng gỗ Cáng lò, Vối thuốc, Xà cừ lá nhỏ còn rất hạn chế. Việc sử dụng gỗ Cáng lò, Vối thuốc, Xà cừ lá nhỏ hoàn toàn chưa có định hướng cụ thể, công nghệ xử lý gỗ trước khi gia công hầu như không có hoặc không phù hợp do đó dẫn đến lãng phí nguyên liệu, chất lượng sản phẩm thấp. Việc thiếu hụt các nghiên cứu về công nghệ sử dụng hợp lý và hiệu quả các loại gỗ trên đã làm giảm đi đáng kể giá trị kinh tế mà chúng có thể mang lại. Chính vì vậy, cần phải tiến hành các nghiên cứu về các giải pháp công nghệ chế biến phù hợp với từng loại gỗ này.
Trước tiềm năng rất lớn của các cây gỗ trên cũng như nhu cầu nguyên liệu ngày càng lớn hiện nay, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam do TS. Bùi Duy Ngọc làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sử dụng gỗ Cáng lò (Betula alnoides Buch - Ham), Vối thuốc (Schima wallichii (DC.) Korth) Xà cừ lá nhỏ (Swietenia microphylla) làm nguyên liệu sản xuất đồ mộc” trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2016.
Một số kết quả nghiên cứu nổi bật:
- Đã nghiên cứu và đề xuất qui trình kỹ thuật xẻ hợp lý đối với gỗ tròn gỗ Cáng lò, Vối thuốc, Xà cừ lá nhỏ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, cả 3 loài gỗ, với cấp đường kính trung bình 20 cm thì nên xẻ suốt, cấp đường kính trung bình hơn 25 cm thì nên xẻ theo phương pháp bán xuyên tâm, bán tiếp tuyến.
- Đã nghiên cứu lựa chọn được thông số công ngệ luộc và ngâm hoá chất để xử lý giảm thiểu nứt vỡ gỗ xẻ gỗ Cáng lò, Vối thuốc, Xà cừ lá nhỏ bằng phương pháp. Gỗ Cáng lò xử lý bằng cả 2 phương pháp luộc và ngâm hoá chất cho hiệu quả giảm nứt vỡ và cong vênh tốt.
- Đã nghiên cứu và đề xuất qui trình kỹ thuật bảo quản cho 3 loài gỗ. Gỗ Cáng lò là loại thuốc dễ thấm, gỗ Vối thuốc và gỗ Xà cừ lá nhỏ có sức thấm thuốc trung bình. Hiệu lực phòng nấm mốc và mối tốt khi ngâm tẩm thuốc XM5 nồng độ 7 % và LN5 nồng độ 5% cho 3 loài gỗ.
- Đã nghiên cứu và đề xuất qui trình kỹ thuật sấy gỗ xẻ gỗ Cáng lò, Vối thuốc, Xà cừ lá nhỏ
- Đã nghiên cứu và đề xuất qui trình kỹ thuật sử dụng gỗ xẻ gỗ Xà cừ lá nhỏ làm ván ghép thanh. Mặc dù gỗ Xà cừ lá nhỏ có màu sắc không đồng đều, thớ gỗ không thẳng nhưng hoàn toàn có thể sử dụng để sản xuất ván ghép thanh vì ván có độ bền cơ học cao, cao hơn một số loại ván ghép thanh sản xuất từ một số loại gỗ thông dung hiện nay.
- Đã nghiên cứu và đề xuất qui trình kỹ thuật sử dụng gỗ xẻ gỗ Xà cừ lá nhỏ làm ván ghép khối. Ván ghép khối từ gỗ Xà cừ lá nhỏ có tính chất cơ lý rất tốt độ bền kéo trượt màng keo đạt 8.96 MPa, độ bền uốn ngón ghép đạt 38.02 MPa.
Kết quả nghiên cứu sẽ giúp người sản xuất có được giải pháp tốt nhất để sử dụng hiệu quả các loại gỗ giàu tiềm năng này, qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế cải thiện đời sống cho người dân.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13521/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.T.T (NASATI)
phát triển, công nghiệp, chế biến, nhu cầu, nguyên liệu, ngày càng, sử dụng, nước hàng, nhập khẩu, trung bình