Nghiên cứu ảnh hưởng của hiện tượng nghịch nhiệt đến chất lượng môi trường không khí tại Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh lân cận
Cập nhật vào: Thứ hai - 22/06/2020 14:37
Cỡ chữ
Hà Nội và một số tỉnh lân cận là một trong những đô thị lớn của Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được về tăng trưởng kinh tế thì ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm môi trường không khí là vấn đề đang hết sức được quan tâm. Sự gia tăng dân số, đô thị hóa nhanh, kéo theo gia tăng số lượng các phương tiện giao thông cá nhân gây áp lực mạnh mẽ đến môi trường không, vì vậy tác động của hiện tượng nghịch nhiệt đến chất lượng môi trường không khí sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người do mật độ dân số cao và chất lượng môi trường không khí suy giảm. Tuy nhiên, những thông tin và bằng chứng về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí nói chung và ô nhiễm môi trường không khí do hiện tượng nghịch nhiệt đến sức khỏe con người ở Việt Nam nói chung và tại thành phố Hà Nội nói riêng vẫn còn rất hạn chế. Những nghiên cứu khởi điểm và đi sâu nghiên cứu ở lĩnh vực này là cần thiết và quan trọng để tăng cường sự hiểu biết cũng như cung cấp thông tin cho hoạch định chính sách về kiểm soát chất lượng môi trường không khí ở nước ta.
Vì những lý do trên, từ năm 2016 đến 2018, nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội do ThS. Trịnh Thị Thủy làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ảnh hưởng của hiện tượng nghịch nhiệt đến chất lượng môi trường không khí tại Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh lân cận”.
Các kết quả nghiên cứu chính của đề tài đã đạt được:
1. Xác định được quy luật hoạt động của hiện tượng nghịch nhiệt trên khu vực thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 5 năm, từ năm 2011 đến năm 2015 đối với các tháng chính đông (tháng 12 - 1- 2), các tháng chính hè (tháng 6 - 7 - 8) và các tháng chuyển tiếp (tháng 3 - 4 - 5 và 9 - 10 - 11).
2. Đánh giá ảnh hưởng của hiện tượng nghịch nhiệt đến chất lượng môi trường không khí tại thủ đô Hà Nội trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2015 dựa vào số liệu của trạm quan trắc tự động tại số 556 Nguyễn Văn Cừ đối với các thông số PM10, PM2.5, PM1, SO2, NOx, CO, O3: trong những ngày xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, nồng độ trung bình của các chất trong môi trường không khí cao hơn trong những ngày bình thường từ 8 - 50%. Kết quả phân tích tương quan các dữ liệu cho thấy có mối tương quan giữa hàm lượng trung bình các chất ô nhiễm và số ngày có nghịch nhiệt trong tháng.
3. Đã đề xuất được quy trình nhận định sự xuất hiện của hiện tượng nghịch nhiệt, áp dụng quy trình nhận định khả năng xuất hiện của hiện tượng nghịch nhiệt tại thủ đô Hà Nội và một số tỉnh lân cận trong thời gian từ tháng 9 năm 2017 đến hết tháng 8 năm 2018. Kết quả nhận định đúng cao nhất vào các tháng chính đông (trên 90%), các tháng chính hè và các tháng chuyển tiếp tỷ lệ nhận định đúng kém hơn (từ 66,7 đến 87,5%) do hình thế thời tiết tiết gây hiện tượng nghịch nhiệt không rõ ràng như các tháng chính đông.
4. Đã thực hiện quan trắc hiện trường môi trường không khí trong những ngày có hiện tượng nghịch nhiệt và những ngày không có hiện tượng nghịch nhiệt tại 05 địa phương (Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên), mỗi địa phương 02 vị trí trong 10 ngày. Các thông số đánh giá chất lượng môi trường không khí tại mỗi vị trí được lựa chọn bao gồm PM10, PM2.5, SO2, NO2, CO, O3, bụi chì, VOCs (Toluen, Benzen).
5. Đánh giá được ảnh hưởng của hiện tượng nghịch nhiệt đến chất lượng môi trường không khí tại các địa phương: Kết hợp số liệu của một số trạm quan trắc môi trường không khí tự động và kết quả quan trắc hiện trường cho thấy xu hướng hàm lượng các chất ô nhiễm trong thời điểm có nghịch nhiệt cao hơn so với thời điểm không có nghịch nhiệt (từ 5 -58%).
6. Bước đầu đánh giá ảnh hưởng của hiện tượng nghịch nhiệt đến sức khỏe cộng đồng: Kết hợp kết quả thống kê số bệnh nhân nhập viện theo ngày để điều trị các bệnh nhạy cảm với môi trường không khí ô nhiễm (các bệnh về đường hô hấp và tim mạch) và kết quả theo dõi diễn biến sức khỏe tại các hộ gia đình cho thấy, hiện tượng nghịch nhiệt làm tăng số lượng người bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tim mạch.
Kết quả nghiên cứu đưa ra quy luật hoạt động của hiện tượng nghịch nhiệt và cung cấp dữ liệu về mức độ ảnh hưởng của hiện tượng nghịch nhiệt đến chất lượng môi trường không khí. Đây là cơ sở khoa học cho việc đánh giá, luận giải một số kết quả quan trắc môi trường không khí tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận thuộc phạm vi nghiên cứu của đề tài đồng thời giúp đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình quan trắc môi trường không khí phù hợp. Ngoài ra, đơn vị có thể sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài phổ biến rộng rãi đếncộng đồng trên kênh thông tin.
Về tác động đến xã hội, nghiên cứu đưa ra các kết quả bước đầu về ảnh hưởng của môi trường không khí trong thời gian có sự xuất hiện của hiện tượng nghịch nhiệt đến sức khỏe cộng đồng tại một số địa phương thuộc Hà Nội và các tỉnh lân cận. Vì vậy, kết quả nghiên cứu có thể được dùng để khuyến cáo cho cộng đồng, đặc biệt là nhóm người già, trẻ em và những người mắc chứng bệnh hô hấp, tim mạch sẽ có cách chủ động phòng tránh.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15654) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)