Đánh giá mức độ ô nhiễm kim loại nặng trong bụi đường và ảnh hưởng của nó đến mức độ phơi nhiễm của người dân
Cập nhật vào: Thứ tư - 15/05/2019 10:09
Cỡ chữ
Nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm kim loại nặng trong bụi đường ở các khu vực khác nhau (đô thị, nông thôn, khu công nghiệp) ở miền Bắc Việt Nam và đánh giá mức phơi nhiễm bụi đường trong các nhóm cộng đồng khác nhau (sống ở các khu vực khác nhau) ở miền Bắc Việt Nam, nhóm nghiên cứu do Thái Hà Phi, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Đánh giá mức độ ô nhiễm kim loại nặng trong bụi đường và ảnh hưởng của nó đến mức độ phơi nhiễm của người dân”.
Các nội dung triển khai bao gồm:
- Đánh giá hàm lượng kim loại nặng có trong bụi đường ở các khu vực khác nhau (đô thị, nông thôn, khu công nghiệp) ở miền Bắc Việt Nam.
- Quan trắc sự phân bố của kim loại nặng trong bụi đường dọc theo các tuyến đường tại các khu đô thị, nông thôn và khu công nghiệp điển hình. Kế hoạch lấy mẫu được thiết kế để có thể bao quát được tất cả các khu vực có thể có mức rủi ro cao đối với sức khỏe bằng số lượng lớn mẫu (khoảng 220 mẫu ở Hà Nội, 140 mẫu ở Hải Phòng) và phân tích nhanh.
- Thiết lập một cơ sở dữ liệu về sự phân bố không gian của kim loại nặng trong bụi đường tại khu vực nghiên cứu.
- Đánh giá mức độ phơi nhiêm bụi đường trong các nhóm cộng đồng khác nhau (sống ở các khu vực khác nhau.
- Sử dụng mô hình phù hợp để đánh giá liều lượng hấp thụ kim loại nặng trong bụi qua việc hít thở hoặc ăn phải giữa các nhóm đối tượng khác nhau.
- Đánh giá mức phơi nhiễm kim loại nặng trong bụi ở Việt Nam và ô nhiễm bụi nói chung.
Kết quả đạt được sau một thời gian triển khai như sau:
1. Về đánh giá hàm lượng kim loại nặng có trong bụi đường tại các đường phố của Thủ đô Hà Nội và tại dọc khu vực đường quốc lộ số 5 và quốc lộ số 18 phía Bắc - Việt Nam. Cụ thể:
- Đã thực hiện quan trắc sự phân bố kim loại trong bụi đường theo các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội (đại diện cho các đô thị lớn của Việt Nam) (thực hiện gần 220 mẫu).
- Đã thực hiện quan trắc sự phân bố kim loại nặng trong bụi đường theo các tuyến quốc lộ chính của phía Bắc - Việt Nam, Quốc lộ số 5 (nối Hà Nội và Hải Phòng); Quốc lộ số 18 nối Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh. Đây là các tuyến quốc lộ nối Thủ đô Hà Nội với 02 trung tâm công nghiệp lớn nhất ở phía Bắc là Hải Phòng và Quảng Ninh. Ở đây đã lấy 150 mẫu.
- Đã thiết lập cơ sở dữ liệu về phân bố không gian của kim loại nặng trong bụi đường tại Thủ đô Hà Nội và dọc đường quốc lộ số 5 và số 18 ở phía Bắc - Việt Nam.
2. Về đánh giá mức độ phơi nhiễm bụi đường trong các cộng đồng khác nhau tại Hà Nội và khu vực phía Bắc (dọc quốc lộ số 5 và số 18).
+ Sử dụng mô hình phù hợp để đánh giá liều lượng hấp thụ kim loại nặng trong việc hít thở hoặc ăn phải giữa các nhóm đối tượng.
+ Đánh giá mức phơi nhiễm kim loại nặng từ bụi đường ở Việt Nam và so sánh với các nước khác.
+ Đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm kim loại nặng trong bụi ở Việt Nam.
Đề tài là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam đánh giá mức độ ô nhiễm bụi đường về mặt không gian và thời gian (theo mùa). Lần đầu tiên đã quan trắc tại hai khu vực điển hình là thủ đô Hà Nội (đại diện các thành phố lớn) và dọc theo quốc lộ 5 và quốc lộ 18 (là khu vực đường quốc lộ nối Hà Nội với Hải Phòng và Quảng ninh là 02 trung tâm công nghiệp lớn tại phía Bắc - Việt Nam cũng như thiết lập được cơ sở dữ liệu về sự phân bố không gian của kim loại nặng trong bụi đường tại khu vực nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu đề tài đã áp dụng thành công phương pháp đo nhanh bằng sử dụng thiết bị phân tích huỳnh quang tia X (XRF) cầm tay và công nghệ GIS để thiết lập được bản đồ phân bố không gian của kim loại nặng trong bụi đường tại khu vực nghiên cứu.
3. Về đánh giá mức độ phơi nhiễm của dân cư dưới tác động của kim loại nặng trong bụi đường.
- Đã sử dụng phương pháp phân tích thành phần chính (PCA) và đã ứng dụng phần mềm SPSS để phân tích PCA.
- Đã lựa chọn mô hình toán phù hợp để tính liều lượng hấp thụ hàng ngày của kim loại nặng thông qua hô hấp và tiêu hóa của nhóm cộng đồng dân cư khác nhau trong vùng nghiên cứu.
Như vậy, kết quả của đề tài là cơ sở khoa học cho các Bộ, Ngành liên quan đề xuất các giải pháp kinh tế - xã hội phù hợp.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14771/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)