Cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất
Cập nhật vào: Thứ hai - 20/01/2020 05:46 Cỡ chữ
Ngày 17/1/2020, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng và đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác nghiên cứu, sản xuất thiết bị mạng 5G của Tập đoàn Viettel. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất
Đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNode 5G trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12/2019) với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G - eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G. Như vậy, chỉ sau 8 tháng kể từ ngày Viettel - nhà mạng đầu tiên của Việt Nam, top 50 nhà mạng trên thế giới - thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác vào tháng 5/2019, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.
Trước đó, ngày 28 tháng 12 năm 2019, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel đã ra mắt thiết bị trạm thu phát gốc vô tuyến 5G - gNodeB, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật mà Hiệp hội Viễn thông Quốc tế 3GPP đã chuẩn hoá và công bố. Viettel đã làm chủ được 8 công nghệ lõi có thể sử dụng cho nhiều sản phẩm khác nhau, gồm: Công nghệ xử lý băng thông rộng (100-200Mhz); Thuật toán ước lượng, cân bằng kênh chống nhiễu Uplink; Công nghệ mã hóa kênh LDPC với số lượng lớn (8448 bit/2μS); Công nghệ xử lý tăng tốc L1 trên nền chip tích hợp (FPGA); Công nghệ antenna mảng pha (32-64 anten); Công nghệ Digital Beamformning tối ưu tăng vùng phủ; Công nghệ xử lý MassiveMIMO tăng kết nối và tốc độ; Thiết kế phần cứng tốc độ cao (40Gbps; 100 Gbps).
Việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G sẽ giúp Viettel chủ động trong việc triển khai 5G cho mạng di dộng của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm nhằm tạo ra những trải nghiệm 5G tốt nhất cho khách hàng. Viettel đặt lộ trình đến tháng 6/2020 sẽ thương mại hóa thiết bị 5G Microcell; và đến tháng 6/2021 sẽ thương mại hóa thiết bị 5G Macrocell trên toàn mạng lưới và sẽ xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên “hệ sinh thái công nghệ 5G”, phát triển và sản xuất tại Việt Nam.
Hiện nay, trên thế giới có 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thiết bị này.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại sự kiện.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, việc thử nghiệm cuộc gọi 5G lần đầu tiên bằng các thiết bị do Việt Nam sản xuất là minh chứng sinh động cho tinh thần bứt phá theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, Bộ KH&CN sẽ chung tay cùng Bộ TT&TT trong việc hoàn thiện và tháo gỡ các vấn đề liên quan đến thể chế. Bộ KH&CN sẽ tạo thuận lợi tối đa nhằm giúp Viettel nói riêng và các nhà sản xuất Việt Nam nói chung trong việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả và thành tựu R&D của mình. “Tháng 5/2019, tôi đã được dự kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam giữa Viettel và Tập đoàn Ericsson. Chỉ mất 8 tháng để Viettel có thể thử nghiệm trên thiết bị do mình sản xuất là quá trình nhanh không thể tưởng tượng dù đây là một chặng đường cam go, nhưng đã có rất nhiều sáng tạo, tích lũy từ năm 2011”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ niềm tự hào vì Việt Nam đã có thể làm chủ từ mạng lõi, mạng truy cập… đồng thời tin tưởng rằng, sắp tới Viettel sẽ phát triển mạnh mẽ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định “Trong năm 2020, Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam”
Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, việc có một mạng lưới viễn thông bằng các thiết bị Việt Nam là ước mơ và khát vọng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo ngành Bưu điện. Hiện Việt Nam đang làm chủ được khoảng 70% các thiết bị viễn thông dùng trong mạng lưới. Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2021, Việt Nam phải làm chủ hoàn toàn việc sản xuất tất cả các thiết bị viễn thông. Năm 2020 sẽ là năm quốc gia về chuyển đổi số. Để hướng tới việc biến Việt Nam trở thành một quốc gia số, cần phải phát triển hạ tầng viễn thông. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ cho Viettel phải sớm thương mại hóa thiết bị 5G Microcell vào tháng 6/2020. Đây cũng là khoảng thời gian Bộ TT&TT tiến hành cấp phép tần số dùng cho 5G. Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam sẽ chính thức thương mại hóa 5G vào tháng 6/2020. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, theo đó, trong năm 2020, Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam.
Tại sự kiện, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội bày tỏ sự xúc động vì đây là lần đầu tiên Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất các thiết bị 5G. Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam sẽ chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có thể đi cùng với thế giới trong làm chủ và ứng dụng công nghệ mới nhất, là sự khẳng định bước trưởng thành của lực lượng kỹ thuật Viettel.
Bên cạnh sự xúc động thì Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng bày tỏ mối lo “làm ra được đã khó, nhưng nhiều khi sản phẩm của Việt Nam chất lượng tốt không thua các hãng khác trên thế giới vẫn không có người dùng”. Do đó ông đề nghị “các doanh nghiệp Việt Nam phải ưu tiên sử dụng sản phẩm Việt Nam chất lượng”. Ông cũng lưu ý tới việc “các nhà quản lý, lãnh đạo như chúng tôi ở đây” phải cùng nhau giải quyết những vướng mắc về mặt quản lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, thu hút nhà khoa học trong và ngoài nước.
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng thiết bị "made in Vietnam" này.
NASATI