Công nghệ số mới đang thay đổi các ngành sản xuất và dịch vụ
Cập nhật vào: Thứ ba - 28/05/2019 08:44 Cỡ chữ
Các công nghệ kỹ thuật số mới đang thay đổi hoàn toàn triển vọng của các ngành sản xuất và dịch vụ bằng cách thay đổi cách thức các công ty tổ chức các quy trình sản xuất của họ và các mô hình kinh doanh mà họ áp dụng.
Việc ngày càng phổ biến các công nghệ này - khi chi phí sử dụng các công nghệ này giảm mạnh - và đặc biệt là sự kết hợp của các công nghệ / ứng dụng khác nhau được kỳ vọng sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng kỹ thuật số. Ba công nghệ có thể được coi là nền tảng cho việc số hóa sản xuất: (1) Internet vạn vật (IoT) - cho phép kết nối các máy móc, hàng tồn kho và hàng hóa; (2) dữ liệu lớn và phần mềm nhúng cho phép phân tích khối lượng lớn dữ liệu số được tạo ra bởi các đối tượng này; và (3) điện toán đám mây cung cấp khả năng tính toán ở khắp nơi.
Trong khi công nghệ truyền thông sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của chuỗi giá trị toàn cầu, công nghệ thông tin có thể có tác động ngược lại và có thể thu hẹp chuỗi giá trị toàn cầu. Robotics, tự động hóa, sản xuất vi tính hóa, trí thông minh nhân tạo,… tất cả có thể làm giảm lợi thế sản xuất trong các nền kinh tế mới có chi phí lao động thấp, do đó làm giảm tiến trình phân đoạn quốc tế về sản xuất. Các robot đã được sử dụng rộng rãi trên các ngành công nghiệp sản xuất, những robot này khá phù hợp cho các hoạt động lặp đi lặp lại và các môi trường được xác định chính xác. Mặc dù robot có thể mang các cảm biến, hầu hết các chuyển động của chúng đều được lên kế hoạch và lập trình trước. Ngoài ra, việc thiết lập một nhà máy robot thường mất hàng tháng, có khi phải cả năm. Ví dụ, việc sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng vẫn thường được thực hiện bằng tay, vì vòng đời của điện tử tiêu dùng và thời gian ra thị trường ngắn ngủi, một nhà máy robot sẽ không kịp để sản xuất sản phẩm đúng thời điểm sản phẩm phải có mặt trên thị trường.
Do việc sử dụng trí thông minh nhân tạo ngày càng tăng với việc tự học dựa trên dữ liệu mà những công nghệ này nhận được và thu thập thông qua các cảm biến, máy móc ngày càng trở nên linh hoạt hơn. Robot tự động có thể làm những công việc thủ công ngày càng phức tạp hơn, và tự động điều chỉnh các hoạt động của chúng cho phù hợp với các điều kiện thay đổi. Việc ngày càng tăng sự phát triển số hóa dự kiến sẽ ngày càng cho phép sản xuất với chi phí thấp và chất lượng cao hơn ở các nền kinh tế phát triển, do đó khuyến khích reshoring và không ủng hộ offshoring cho các quốc gia phát triển này. Việc sử dụng ngày càng tăng các công nghệ thông tin sẽ làm cho chi phí (lao động) ít quan trọng hơn đối với lợi thế cạnh tranh trong một số ngành công nghiệp sản xuất. Do tự động hóa gia tăng quy trình sản xuất và việc sử dụng robot ngày càng tăng, chi phí nhân công sẽ chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong tổng chi phí. Chuỗi giá trị toàn cầu ngắn hơn cũng sẽ giúp tiết kiệm trực tiếp chi phí vận chuyển và thương mại, trong khi các công ty cũng có thể giảm nguy cơ sản phẩm chất lượng thấp.
Một số nhà máy hiện đại, chẳng hạn như nhà máy cạo râu Philips ở Drachten ở Hà Lan, gần như hoàn toàn là robot. Nhà máy đặc biệt này chỉ sử dụng số lao động bằng một phần mười lực lượng lao động làm việc tại nhà máy của Philips ở Trung Quốc, 2 nhà máy này cho ra đời cùng một sản phẩm máy cạo râu. Gần đây hơn vào năm 2016, Adidas đã mở một nhà máy sản xuất giày hoàn toàn tự động sử dụng công nghệ 3D và robot ở Đức để cá thể hóa sản phẩm của họ và phản ứng nhanh hơn với nhu cầu của người tiêu dùng bằng cách đưa sản xuất đến gần khách hàng hơn và tăng tốc giao hàng. Số lượng người làm trong cơ sở sản xuất mới này chỉ là một phần nhỏ so với số lượng người làm ở các nền kinh tế mới nổi trong dây chuyền sản xuất đồ thể thao tương tự.
Khi các công nghệ kỹ thuật số mới được kỳ vọng ngày càng cho phép vị trí sinh lợi của các hoạt động sản xuất ở các nền kinh tế phát triển, các nước này coi sản xuất kỹ thuật số là nguồn năng lực cạnh tranh mới trong việc khôi phục vị trí của họ trong các ngành sản xuất (ví dụ Industrie 4.0 ở Đức). Nhưng cũng có những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan đang đầu tư mạnh vào các công nghệ số này. Foxconn, công ty sản xuất hợp đồng điện tử đa quốc gia của Đài Loan, nổi tiếng về lắp ráp các sản phẩm của Apple, đang xem xét triển khai hơn 1 triệu robot cho việc kinh doanh của công ty trong những năm tới. Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy việc sử dụng robot ngày càng tăng của các công ty để bù đắp cho chi phí tiền lương tăng lên. Thách thức lớn dường như đặc biệt đối với các nước có thu nhập thấp muốn gia tăng sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu vì họ sẽ phải tìm các hoạt động mà máy móc không thể làm rẻ hơn con người.
NASATI (Theo The future of global value chains: business as usual or “a new normal”, OECD)