Bắc Giang: Giải pháp phát triển Sâm Nam núi Dành
Cập nhật vào: Thứ tư - 03/04/2019 05:13 Cỡ chữ
Mới đây, Sở KH&CN Bắc Giang tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển Sâm Nam Núi Dành trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đến dự có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái, đại diện một số Cục, Vụ, Viện (Bộ KH&CN) cùng nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái cho biết, những năm qua, tỉnh Bắc giang luôn chú trọng công tác khôi phục, bảo tồn nguồn gen quý và có nhiều biện pháp Bảo tồn đối với những loài cây, con có giá trị bị đe dọa tuyệt chủng như: bảo tồn trám Hoàng Vân, lạc Đỏ Bắc Giang, trà hoa vàng, nếp Phì Điền, cây Dã Hương,... trong đó có sâm nam Núi Dành. Tuy nhiên, vùng trồng sâm nam hiện nay mới chỉ tập trung chủ yếu tại 2 xã Liên Chung, Việt Lập, với quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, phân tán, địa phương chưa có kế hoạch, định hướng phát triển để sâm nam Núi Dành trở thành một loại dược liệu phổ biến trên thị trường. Còn nhiều vấn đề đặt ra cần nghiên cứu để có thể phát triển các sản phẩm từ cây Sâm Nam Núi Dành, đưa sản phẩm thành hàng hóa mang thương hiệu địa phương. Để đạt được mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm, có định hướng và hỗ trợ công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm sâm nam Núi Dành. Đồng thời hỗ trợ tỉnh Bắc Giang 1 đề tài “Nghiên cứu cấu trúc, định lượng một số hoạt chất có trong sâm Núi Dành và công dụng của chúng đối với đời sống y học”.
Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây Sâm nam núi dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” do Viện di truyền triển khai từ năm 2015. Kết quả nghiên cứu bước đầu đã định danh, phân loại, xác định dược tính và đề xuất các phương án bảo tồn nguồn gen cây Sâm Nam Núi Dành cho thấy hàm lượng dược tính bằng với sâm Hàn Quốc và bằng 1/3 sâm Ngọc Linh... Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận một số nội dung về tiềm năng phát triển dược liệu của tỉnh Bắc Giang; phương pháp nhân giống, phát triển sâm nam núi Dành; tính chất, chất lượng, đặc thù của sâm củ và điều kiện tự nhiên vùng trồng; phương pháp chiết xuất, bào chế sâm núi Dành thành sản phẩm dược liệu; bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam; xây dựng thương hiệu sâm núi dành; định hướng phát triển sâm nam núi dành...
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Bắc Giang, các nhà quản lý, nhà khoa học trong việc bảo tồn và phát triển cây sâm nam Núi Dành. Thứ trưởng cũng đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu về cây sâm nam núi dành; phân tích tính chất của sâm, dược lý, tác động của dược lý đó với con người; xây dựng mô hình trồng cây sâm nam Núi Dành theo mô hình chuỗi liên kết. Đồng chí cũng đề nghị Sở KH&CN quan tâm thực hiện việc điều tra quy hoạch vùng trồng với loại sâm nam núi dành; bảo tồn nguồn gen, xây dựng thương hiệu; đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu với bộ; tiếp tục hỗ trợ cho bà con triển khai dự án để phát triển sản phẩm sâm nam; tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.
Trước đó, tháng 1/2019, Thứ trưởng Bộ KH&CN đã có buổi thăm thực địa mô hình trồng cây sâm nam Núi Dành tại huyện Tân Yên.
Theo Sở KH&CN Bắc Giang
mới đây, bắc giang, tổ chức, hội thảo, giải pháp, phát triển, thứ trưởng, chủ tịch, đại diện, nghiên cứu, nhà khoa học