Mỡ nội tạng và sức khỏe con người
Cập nhật vào: Thứ tư - 18/05/2022 15:17
Cỡ chữ
Trong cơ thể chúng ta, khoảng 90% chất béo nằm ở dưới da. 10% còn lại được gọi là mỡ nội tạng hay mỡ trong bụng mà bạn không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Mỡ nội tạng là một loại chất béo trong cơ thể được lưu trữ trong khoang bụng, bao quanh các cơ quan nội tạng và động mạch.
Loại mỡ này có chức năng bảo vệ các bộ phận bên trong cơ thể nhưng tổng khối lượng mỡ không được vượt quá 10-15% tổng lượng chất béo. Nếu vượt quá sẽ dẫn tới các bệnh nguy hiểm như giãn tĩnh mạch, rối loạn trao đổi chất, rối loạn nội tiết tố, nhồi máu cơ tim…
Do nằm gần các cơ quan và hệ thống quan trọng của cơ thể, mỡ nội tạng có thể gây ra các vấn đề về trao đổi chất, tiêu hóa và cả thần kinh. Loại mỡ này còn có thể dẫn tới tình trạng bất thường về nồng độ hoóc-môn và cytokine, nên có khả năng gây độc cho hệ tim mạch. Được biết, cytokine là prôtêin được tạo ra khi cơ thể phát sinh phản ứng miễn dịch, nếu quá nhiều cytokine sẽ gây viêm. Vậy những nguyên nhân gây tích mỡ nội tạng? Với mỗi cơ thể khác nhau sẽ hình thành tích tụ mỡ ở vùng bụng nhiều hay ít.
Ở nam giới, tuổi tác và di truyền là một trong thủ phạm gây ra mỡ nội tạng, bên cạnh các tác nhân uống rượu bia, hút thuốc, ăn nhiều chất béo làm tăng kích cỡ vòng 2.
Đối với phụ nữ cứ già đi thì cơ thể lại tích tụ mỡ nhiều hơn. Đặc biệt là thời kỳ mãn kinh, chất béo tăng lên nhưng khối lượng cơ lại giảm đi. Ngay cả không tăng cân thì phụ nữ mãn kinh đều có nguy cơ bị mỡ nội tạng.
Người ít vận động thể chất cũng dễ tích tụ mỡ nội tạng. Do khi tập thể dục, cơ thể sẽ đốt cháy một lượng calo dư thừa để tạo ra năng lượng. Khi không vận động để tiêu hao bớt calo, cơ thể sẽ lưu trữ lượng calo nạp vào dưới dạng mỡ.
Chế độ ăn uống thiếu cân bằng hợp lý cũng là tác nhân gây mỡ nội tạng. Việc tiêu thụ một lượng thực phẩm nhiều calo như thức ăn và đồ uống chứa đường kích hoạt cortisol và các hoóc môn khác thúc đẩy tích tụ mỡ bụng.
Ngoài ra, chất lượng giấc ngủ cũng làm tăng nguy cơ tích mỡ. Hiện tượng thiếu ngủ đang dần khá phổ biến hiện nay cả ở người trẻ, khỏe mạnh do con người thường bận rộn với công việc hay nghiện các thiết bị điện tử, mạng xã hội v.v… Nhóm chuyên gia phát hiện thiếu ngủ dẫn tới tổng thể tích mỡ bụng tăng 9%, mỡ nội tạng tăng 11%.
Theo trường đại học Y Johns Hopkins Medicine, bạn có nhiều khả năng gặp các vấn đề sức khỏe do mỡ nội tạng nếu vòng eo của bạn lớn hơn 102 (đối với phụ nữ) hoặc hơn 89cm (đối với nam giới). Nghiên cứu tại bệnh viện Cleveland Clinic, chất béo nội tạng dư thừa làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng, bao gồm: Bệnh tim; Bệnh tiểu đường loại 2; Bệnh gan nhiễm mỡ; Hội chứng buồng trứng đa nang; Chứng ngưng thở lúc ngủ. Ở phụ nữ, chất béo nội tạng cũng có liên quan đến ung thư vú và nhu cầu phẫu thuật túi mật.
Trong cuộc sống hàng ngày để đảm bảo sức khỏe, chúng ta nên chú ý chế độ luyện tập thể thao như bơi lội, chạy bộ, đi bộ nhanh, đạp xe đạp hay bơi lội nhằm giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng tốt giúp tiêu thụ mỡ nội tạng nhanh.
Cần rèn luyện cho mình chế độ ăn hợp lý với nhiều chất xơ, ít đồ ngọt, thịt mỡ. Một số thực phẩm giàu protein như tôm, cá, ức gà, các sản phẩm từ sữa... với cách chế biến hạn chế dầu mỡ không chứa nhiều calo và có thể đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Thực phẩm giàu protein có thể tăng chất dinh dưỡng, tăng tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể, duy trì vóc dáng cân đối, giúp giảm mỡ vùng bụng. Đồ ăn vặt có hàm lượng calo cao như gà rán, khoai tây chiên, sô co la…dễ làm cho lượng đường trong máu tăng cao, người béo phì thường ăn những thức ăn như vậy dễ sinh ra các bệnh mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện thêm các bài tập xoa bụng theo chiều kim đồng hồ hay ngược chiều kim đồng hồ, xoa bóp khoảng một phút mỗi ngày sau bữa ăn khoảng 1 tiếng. Điều này có thể thúc đẩy tiêu hóa, giúp đại tiện và ngăn ngừa mỡ nội tạng.
Trần Mỹ Hương (NASATI), tổng hợp 5/2022