Các sinh vật dưới đáy biển thường có kích thước rất lớn
Cập nhật vào: Thứ sáu - 27/05/2022 08:18 Cỡ chữ
Đôi khi chúng ta thường bắt gặp sự xuất hiện của những sinh vật như mực, nhện biển, giun và nhiều động vật khác phát triển với kích thước to hơn nhiều so với sinh vật đồng loại của chúng - chủ yếu là các loài động vật không xương sống, có thể đạt đến tỷ lệ kích thước khổng lồ.
Chẳng hạn, loài mực khổng lồ (Mesonychoteuthis hamiltoni) ở vùng biển cận Nam Cực có thể dài hơn khoảng 14 lần so với Mực mũi tên (Nototodarus sloanii) ở New Zealand, hay loài bọt biển ở sâu dưới Thái Bình Dương được tìm thấy với kích thước bằng một chiếc xe tải nhỏ. Hiện tượng này được gọi là gigantism. Giải thích cho điều kỳ lạ này, các nhà nghiên cứu khoa học đã đưa ra một số lý do như:
Nghiên cứu trên tạp chí Biogeography, ở những nơi sâu nhất và lạnh nhất của đại dương, tài nguyên cực kỳ hạn chế, giống như trong các hệ sinh thái đảo. Điều này là do phần lớn thức ăn bắt nguồn từ những vùng nước nông hơn và chỉ một phần nhỏ trong số đó chảy xuống độ sâu của biển.
Khi thức ăn khan hiếm, sinh vật sở hữu cơ thể lớn hơn có thể có lợi thế vượt trội hơn. Khiến chúng có thể di chuyển nhanh hơn và xa hơn để tìm thức ăn hoặc bạn tình. Cơ thể lớn cũng giúp chúng tiêu hóa hiệu quả hơn, lưu trữ thức ăn tốt hơn. Những sinh vật biển "to xác" có thể ăn nhiều hơn và tích trữ năng lượng trong cơ thể suốt một khoảng thời gian dài hơn.
Bên cạnh đó, nhiệt độ lạnh ở biển sâu cũng có thể thúc đẩy gigantism bằng cách làm chậm đáng kể cơ chế trao đổi chất của động vật. Các sinh vật trong hệ sinh thái này thường phát triển và trưởng thành rất chậm. Ví dụ, cá mập Greenland (Somniosus microcephalus) có thể dài đến 7,3 m và nặng 1,4 tấn, nhưng sự tăng trưởng của chúng trải rộng suốt nhiều thế kỷ. Chúng phát triển khoảng 1 cm mỗi năm và chỉ đạt độ tuổi sinh sản khi đã sống khoảng 150 năm. Cá mập Greenland có thể sống lâu và đạt đến kích thước lớn như vậy một phần vì không có kẻ săn chúng dưới biển sâu.
Giáo sư Art Woods - một nhà sinh lý học sinh thái học tại Đại học Montana (Mỹ) - giải thích những sinh vật ở Nam Cực như sên, bọt biển, nhện biển v.v…đều phát triển ở mức khổng lồ liên quan đến khả năng cung cấp oxy trong vùng nước lạnh giá gần bờ. Ở những vùng nước xung quanh lục địa Nam Cực, nồng độ oxy thường cao. Tuy nhiên, động vật trong những môi trường này lại sử dụng oxy rất chậm vì nhiệt độ nước lạnh làm giảm tỉ lệ trao đổi chất của chúng. Nguồn cung cấp oxy sẵn có dồi dào vượt xa nhu cầu của động vật, có thể vì vậy đã vô tình dỡ bỏ những rào cản về kích thước cho chúng, giúp động vật dễ dàng tăng thêm kích thước.
Mặc dù có nhiều giả thuyết về các yếu tố khác nhau có thể hình thành xu hướng khổng lồ của các sinh vật nơi đáy đại dương, song không một ai có thể chắc chắn về cơ chế chính xác đã dẫn đến những thay đổi tiến hóa về mặt kích thước của chúng.
Trần Mỹ Hương (NASATI), tổng hợp, 5/2022