Bảy tiếng - thời lượng ngủ tối ưu cho người trung và cao tuổi
Cập nhật vào: Thứ sáu - 13/05/2022 12:09
Cỡ chữ
Theo nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí Nature Aging, bảy tiếng là thời lượng ngủ tối ưu đối với người từ trung niên trở lên. Ngủ không đủ hoặc quá nhiều so với thời lượng này đều liên quan tới suy giảm hiệu năng nhận thức và sức khỏe tâm thần.
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng để con người nhận thức và duy trì sức khỏe tâm lý tốt, cũng như để não bộ thải loại các độc tố. Khi con người già đi, giấc ngủ trở nên thường xuyên khó đến hơn, nông hơn và giảm dần cả về số lượng lẫn chất lượng. Những xáo trộn này được cho là góp phần gây ra suy giảm nhận thức và rối loạn tâm thần ở nhóm dân số đang dần lão hóa.
Nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa thời lượng ngủ với hiệu năng nhận thức và sức khỏe tâm thần, các nhà khoa học đến từ Đại học Cambrige và Đại học Phú Đán đã phân tích các yếu tố di truyền, khả năng nhận thức, cấu trúc bộ não và sức khỏe tâm thần của những người tham gia, dựa trên ba nguồn dữ liệu, bao gồm: hồ sơ sức khỏe được lưu tại Ngân hàng sinh học Anh Quốc (UK Biobank) của gần 500.000 người từ 38 đến 73 tuổi; thông tin từ phản hồi về thói quen ngủ, sức khỏe tinh thần, mức độ hài lòng đối với cuộc sống, và từ kết quả thực hiện loạt bài kiểm tra nhận thức của những người tham gia; ảnh chụp não và thông tin di truyền có sẵn của gần 40.000 người trong số những người tham gia.
Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy bảy giờ là thời lượng ngủ hằng đêm tối ưu để đạt được hiệu năng nhận thức và sức khỏe tinh thần tốt nhất. Ngủ quá nhiều hay quá ít so với thời lượng này đều liên quan đến suy giảm hiệu năng nhận thức (xét trên các khía cạnh tốc độ xử lý, sự chú ý thị giác, khả năng ghi nhớ và giải quyết vấn đề) cũng như làm gia tăng các triệu chứng lo âu, trầm cảm và giảm sự hài lòng về cuộc sống của những người tham gia nghiên cứu.
Các nhà khoa học cho biết có thể lý giải mối liên hệ giữa suy giảm nhận thức với ngủ không đủ là do sự gián đoạn giấc ngủ sóng chậm (hay còn gọi là ngủ sâu), mà theo nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy, gây ảnh hưởng đến việc củng cố trí nhớ, làm tích tụ amyloid trong não (vốn được biết đến là đặc trưng của một số thể mất trí nhớ) cũng như gây cản trở qua trình tự thải độc tố của não bộ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng nghiên cứu ghi nhận mối liên hệ nhưng không khẳng định có mối quan hệ nhân - quả giữa hai vấn đề này. Giáo sư Jianfeng Feng, một trong những tác giả nghiên cứu, đến từ Đại học Phúc Đán, cho biết: “Mặc dù chúng tôi không thể hoàn toàn khẳng định ngủ quá ít hay quá nhiều gây ra các vấn đề nhận thức, nhưng nghiên cứu theo phương pháp quan sát các cá thể trong thời gian dài của chúng tôi dường như góp phần lý giải mối liên hệ này. Còn tại sao càng lớn tuổi con người càng ngủ kém hơn thì dường như bắt nguồn từ các nguyên nhân phức hợp, chịu ảnh hưởng bởi sự kết hợp giữa cấu tạo gen và cấu trúc bộ não của chúng ta”. Cũng theo các nhà khoa học, nghiên cứu nhằm gợi mở khả năng ngủ không đủ hoặc quá nhiều có thể là một yếu tố nguy cơ của việc suy giảm nhận thức khi con người già đi. Do vậy, có được một giấc ngủ ban đêm liền mạch trong bảy tiếng với không quá nhiều biến động về thời lượng đóng vai trò quan trọng đối với hiệu năng nhận thức, sức khỏe tâm thần tốt và sự hài lòng đối với cuộc sống, đặc biệt là ở nhóm dân số đang dần lão hóa.
Giáo sư Barbara Sahakian, thành viên nhóm nghiên cứu, đến từ Khoa Tâm thần học, Đại học Cambridge, cho biết: “Có một giấc ngủ đêm tốt là điều quan trọng trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời, nhất là khi con người già đi. Tìm ra cách cải thiện giấc ngủ cho người lớn tuổi có thể đóng vai trò thiết yếu để duy trì sức khỏe tâm thần tốt và sự hài lòng đối với cuộc sống, cũng như để ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức, đặc biệt là đối với người mắc các chứng bệnh rối loạn tâm lý và sa sút trí tuệ”.
N.M.H (NASATI), Tổng hợp từ cam.ac.uk, theguardian.com, 28/4/2022